Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giao tranh đẫm máu ở Sudan vì 2 tướng tranh quyền

Tình trạng bạo lực trên khắp Sudan khiến hy vọng về quá trình chuyển đổi chính quyền dân sự một cách hòa bình tại quốc gia châu Phi này dần biến mất.

Nguyên nhân của tình trạng bạo lực tại Sudan bắt nguồn từ cuộc tranh giành quyền lực giữa chỉ huy quân đội nước này Abdel Fattah al-Burhan (trái) và chỉ huy Lực lượng Phản ứng nhanh Mohamed Hamdan Dagalo. Ảnh: Financial Times.

Theo CNN, mắc kẹt trong cuộc xung đột giữa các lực lượng trung thành với 2 vị tướng khác nhau nhằm giành quyền kiểm soát Sudan, hàng chục dân thường đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương tại quốc gia châu Phi này trong những ngày qua.

Một cuộc chiến tranh giành quyền lực

Ở trung tâm của các cuộc giao tranh là lãnh đạo lực lượng quân đội Sudan, Abdel Fattah al-Burhan và chỉ huy Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF), Mohamed Hamdan Dagalo.

Cho đến gần đây, 2 vị tướng này còn là những đồng minh khi cùng hợp tác để lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir vào năm 2019 và đóng vai trò quan trọng trong cuộc đảo chính.

Tuy nhiên, sự chia rẽ giữa 2 người đàn ông này đã xảy ra trong quá trình đàm phán nhằm tích hợp RSF, một lực lượng bán vũ trang, vào quân đội Sudan. Đây là một phần trong quá trình chuẩn bị để chính phủ dân sự nắm quyền lãnh đạo tại quốc gia châu Phi này.

Trả lời CNN, một nguồn tin cho biết các cuộc giao tranh trong những ngày qua tại Sudan xuất phát từ những bất đồng giữa tướng Burhan và tướng Dagalo về việc ai sẽ là người có quyền hành lớn hơn.

Không còn xa lạ với những biến động lớn

Việc cựu Tổng thống Bashir bị lật đổ vào năm 2019 là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Sudan. Vị tổng thống này đã lãnh đạo quốc gia châu Phi trong gần 3 thập kỷ trước khi phong trào biểu tình do giá bánh mỳ gia tăng dẫn đến việc ông bị lật đổ.

giao tranh o Sudan anh 1

Cột khói bốc lên từ các cuộc giao tranh tại sân bay thủ đô Khartoum của Sudan. Ảnh: Reuters.

Sau thời kỳ của Bashir, Sudan được lãnh đạo bởi một liên minh gồm chính quyền dân sự và lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, quá trình hợp tác giữa các bên không diễn ra suôn sẻ. Liên minh này đã tan rã vào năm 2021, sau khi lực lượng quân đội Sudan tuyên bố giải tán chính quyền dân sự.

Quá khứ bạo lực của RSF

RSF là lực lượng bán vũ trang lớn nhất tại Sudan. Chỉ huy của lực lượng này, tướng Dagalo, đã có sự thăng tiến nhanh chóng trong hàng ngũ lãnh đạo ở Sudan vào những năm trước đó.

Trong quá trình dập tắt các nhóm nổi loạn ở khu vực Darfur vào đầu những năm 2000, ông là người đứng đầu nhóm vũ trang Janjaweed. Lực lượng này bị cáo buộc đã gây ra nhiều tội ác và vi phạm quyền con người trong cuộc xung đột.

Trước sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Tổng thống Bashir đã tuyên bố công nhận nhóm vũ trang này là một lực lượng chính thức với tên gọi Đơn vị Tình báo Biên giới.

giao tranh o Sudan anh 2

Thành viên lực lượng bán vũ trang RSF, dưới sự chỉ huy của tướng Mohamed Hamdan Dagalo. Ảnh: Reuters.

Vào năm 2007, thành viên của nhóm Janjaweed trở thành một phần của lực lượng tình báo Sudan. Đến năm 2013, ông Bashir đã thành lập RSF, một nhóm bán vũ trang dưới sự lãnh đạo của vị tổng thống này và được chỉ huy bởi tướng Dagalo.

Tuy phản bội Tổng thống Bashir vào năm 2019, các lực lượng của tướng Dagalo trước đó đã tham gia đàn áp các cuộc biểu tình chống nhà lãnh đạo này ở Khartoum và nổ súng sát hại 118 người.

Dagalo sau đó được bổ nhiệm làm phó lãnh đạo Hội đồng Cầm quyền ở Sudan, một liên minh giữa quân đội và chính quyền dân sự.

Hai đối thủ có nhiều điểm tương đồng

Hiện nay, ông Burhan là người đang nắm quyền kiểm soát tại Sudan. Khi Tổng thống Bashir bị lật đổ, ông Burhan giữ chức vụ tổng thanh tra quân đội Sudan.

Vị tướng này có con đường thăng tiến gần như tương tự so với Dagalo. Ông nổi lên vào những năm 2000 khi lập công lớn trong việc dập tắt các lực lượng nổi loạn ở Darfur. Đây được cho là thời điểm mà Burhan và Dagalo gặp mặt lần đầu.

Bên cạnh đó, cả 2 vị tướng đều củng cố vững chắc quyền lực của mình thông qua việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc khu vực Trung Đông.

Hemedti (biệt danh của Dagalo) và Burhan đã chỉ huy các tiểu đoàn riêng biệt của quân đội Sudan nằm trong lực lượng liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen.

Tương lai bất định của Sudan

Vẫn chưa thể biết chắc chắn thời điểm tình trạng bạo lực tại Sudan sẽ chấm dứt. Cả 2 phe đều cho biết đã giành quyền kiểm soát những khu vực trọng yếu trong khi các cuộc giao tranh vẫn đang diễn ra trên khắp cả nước.

giao tranh o Sudan anh 3

Hình ảnh vệ tinh về các cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan và lực lượng bán vũ trang RSF. Ảnh: Maxar Technologies.

Dù theo một số thống kê chính thức và không chính thức, quân đội Sudan có khoảng 210.000-220.000 người, lực lượng RSF được vũ trang và huấn luyện tốt hơn dù chỉ có khoảng 70.000 quân.

Ngoài những lý do nhân đạo, các cường quốc trên thế giới đã bày tỏ lo ngại về các cuộc giao tranh trong những ngày qua khi Sudan là một quốc gia giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược quan trọng.

Các quốc gia láng giềng của Sudan như Ai Cập và Nam Sudan đã đề nghị làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, người dân tại quốc gia châu Phi này sẽ tiếp tục phải chịu thêm những đau thương và mất mát.

Vấn đề Trung Đông - châu Phi

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…

>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Người dân Khartoum giận dữ

Người dân thủ đô Khartoum (Sudan) - một thành phố vốn không quen với giao tranh - đang sốc và giận dữ trước tình hình xung đột leo thang.

Gần 100 người chết trong giao tranh ác liệt ở Sudan

Ít nhất 97 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương khi các cuộc đụng độ lan rộng khắp Sudan.

An Bình

Bạn có thể quan tâm