Hình ảnh vệ tinh cho thấy những chiếc máy bay IL-76 đang bốc cháy tại Sân bay Quốc tế Khartoum ở Khartoum, Sudan ngày 16/4. Ảnh: Courtesy of Maxar Technologies. |
Công đoàn bác sĩ cho biết ít nhất 97 thường dân đã thiệt mạng và 365 người khác bị thương kể từ khi giao tranh nổ ra, Guardian dẫn tuyên bố vào đầu ngày 17/4.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc đã đình chỉ hoạt động ở Sudan sau khi 3 nhân viên của họ thiệt mạng trong các cuộc đụng độ ở Darfur. Giao tranh cũng được báo cáo ở bang biên giới phía đông Kassala.
Khi các cuộc đụng độ tiếp diễn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo một số bệnh viện đang cạn kiệt nguồn cung cấp y tế quan trọng để điều trị cho những người bị thương.
“Một số trong số 9 bệnh viện ở Khartoum tiếp nhận dân thường bị thương đã hết máu, thiết bị truyền máu, dịch truyền tĩnh mạch và các nguồn cung cấp quan trọng khác”, cơ quan này cho biết.
24 giờ không ngủ
Giao tranh dữ dội đã được báo cáo xung quanh sân bay quốc tế Khartoum và trụ sở quân đội vào hôm 16/4. Các nhân chứng cho biết quân đội đã tiến hành các cuộc không kích vào doanh trại và căn cứ của RSF - bao gồm ở Omdurman, bên kia sông Nile, từ Khartoum - và phá hủy hầu hết cơ sở.
“Cháy và nổ ở khắp mọi nơi. Tất cả đang chạy và tìm nơi trú ẩn”, Reuters dẫn lời Amal Mohamed, bác sĩ tại một bệnh viện công ở Omdurman, khi ông kể về cảnh tượng hỗn loạn.
Một tuyên bố của quân đội cho biết các cuộc đụng độ đang diễn ra ở khu vực lân cận trụ sở quân đội ở trung tâm Khartoum. Theo tuyên bố, các binh sĩ RSF đang bố trí các tay súng bắn tỉa trên các tòa nhà, nhưng họ "đã bị theo dõi và xử lý".
Ảnh vệ tinh của Planet Labs PBC cho thấy hai chiếc máy bay đang bốc cháy tại Sân bay Quốc tế Khartoum. Ảnh: Planet Labs PBC/AP. |
Tại Nyala, thủ phủ của Nam Darfur và là thành phố đông dân nhất của Sudan sau Khartoum, người dân địa phương cho biết họ buộc phải chạy trốn do giao tranh giữa hai phe đối địch.
Selma Ahmed, từ khu phố Khartoum Belail của thành phố, nói rằng khu vực của cô đã không còn một bóng người.
“Không còn ai ở lại đây, giao tranh ác liệt, mọi người phải chạy trốn và báo cáo về việc lực lượng vũ trang cướp bóc. Họ lấy ôtô, ngay cả khi ôtô không thể di chuyển, họ (lấy nó) bằng một phương tiện lớn hơn”, cô kể lại.
“RSF đã giành quyền kiểm soát căn hầm quân sự phía tây ở Nyala ngày hôm qua từ tay quân đội và hôm nay họ đã chiếm sân bay quốc tế”, Ahmed cho biết.
Trước đó vào hôm 16/4, các nhân chứng và người dân nói với Reuters rằng quân đội đã không kích vào các doanh trại và căn cứ của RSF ở vùng Khartoum và phá hủy hầu hết cơ sở của lực lượng bán quân sự.
“Chúng tôi rất sợ, đã 24 giờ không ngủ vì tiếng ồn và nhà rung lắc. Chúng tôi lo lắng về việc hết nước, thức ăn và thuốc men cho người cha mắc bệnh tiểu đường”, Huda, một cư dân ở miền Nam Khartoum, cho hay.
“Có quá nhiều thông tin sai lệch và mọi người đều đang nói dối. Chúng tôi không biết khi nào điều này sẽ kết thúc và nó sẽ kết thúc như thế nào”, cô nói thêm.
Gây mất ổn định
Giao tranh nổ ra vào hôm 15/4 giữa các đơn vị quân đội trung thành với tướng Abdel Fattah al-Burhan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) do tướng Mohamed Hamdan Dagalo (thường được gọi là Hemetti) lãnh đạo.
Khói bốc lên ở Omdurman, gần cầu Halfaya, trong cuộc đụng độ giữa RSF và quân đội trung thành với tướng Abdel Fattah al-Burhan vào ngày 15/4. Ảnh: Reuters. |
Bạo lực bùng phát do bất đồng về việc sáp nhập RSF vào quân đội chính quy. RSF muốn quá trình kéo dài 10 năm, trong khi quân đội cho rằng điều này nên được thực hiện trong vòng hai năm.
Việc sáp nhập RSF vào quân đội là một phần của thỏa thuận đưa Sudan trở lại sự kiểm soát của chính phủ dân sự, vốn được Saudi Arabia, UAE, Liên Hợp Quốc và Mỹ bảo trợ cuối năm 2022.
Văn phòng Tổng thống Kenya William Ruto cho biết Ai Cập đã đề nghị làm trung gian hòa giải. Cơ quan liên chính phủ về phát triển của khối châu Phi cũng có kế hoạch cử tổng thống Kenya, Nam Sudan và Djibouti đến hòa giải các nhóm xung đột ở Sudan càng sớm càng tốt.
Tướng Burhan và tướng Hemedti đồng ý tạm dừng giao tranh trong 3 giờ từ 16h ngày 15/4 (giờ địa phương) để sơ tán nhân đạo theo đề xuất của Liên Hợp Quốc, song thỏa thuận này đã bị phớt lờ sau một khoảng thời gian ngắn.
Cuộc khủng hoảng bạo lực có nguy cơ gây mất ổn định không chỉ Sudan mà phần lớn khu vực, cũng như làm trầm trọng thêm cuộc đua giành ảnh hưởng liên quan đến các cường quốc vùng Vịnh, Mỹ, EU và Nga.
Vấn đề Trung Đông - châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.