Khói bốc lên bao trùm thành phố khi quân đội và lực lượng bán quân sự đụng độ ở Khartoum, Sudan, ngày 15/4. Ảnh: Reuters. |
Người dân địa phương nghe thấy tiếng nổ của pháo binh và tiếng gầm rú của máy bay chiến đấu ở quận Kafouri, thành phố Bahri - nơi có căn cứ của lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự vào đêm 15/4, Reuters đưa tin.
Theo các nhân chứng, quân đội đang tăng cường không kích các căn cứ của RSF ở thành phố Omdurman, các quận Kafouri và Sharg El-Nil của thành phố Bahri lân cận, khiến các máy bay chiến đấu của RSF phải bỏ chạy.
Các nước láng giềng và cơ quan trong khu vực cũng tăng cường nỗ lực chấm dứt bạo lực vào ngày 16/4.
Văn phòng Tổng thống Kenya William Ruto cho biết Ai Cập đã đề nghị làm trung gian hòa giải. Cơ quan liên chính phủ về phát triển của khối châu Phi cũng có kế hoạch cử tổng thống Kenya, Nam Sudan và Djibouti đến hòa giải các nhóm xung đột ở Sudan càng sớm càng tốt.
Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ai Cập, Saudi Arabia, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi đã kêu gọi chấm dứt nhanh chóng các hành động thù địch có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn trong khu vực.
Giao tranh nổ ra vào cuối tuần qua khi căng thẳng gia tăng về việc sáp nhập lực lượng RSF vào quân đội. Sự bất đồng về thời gian đã cản trở việc ký kết thỏa thuận được cộng đồng quốc tế bảo trợ về quá trình chuyển đổi sang chế độ dân chủ sau cuộc đảo chính năm 2021.
Giao tranh tại Sudan nổ ra giữa các đơn vị quân đội trung thành với tướng Abdel Fattah al-Burhan và lực lượng RSF do tướng Mohamed Hamdan (thường được gọi là Hemetti) lãnh đạo.
Tuy nhiên, hai phe hoàn toàn không phải kẻ thù “truyền kiếp” mà từng hợp tác với nhau trong quá khứ. Năm 2019, lực lượng vũ trang Sudan đã chung tay thực hiện đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Omar al-Bashir, theo Al Jazeera.
Tướng Burhan và tướng Hemedti đồng ý tạm dừng giao tranh trong 3 giờ từ 16h ngày 15/4 (giờ địa phương) để sơ tán nhân đạo theo đề xuất của Liên Hợp Quốc, song thỏa thuận này đã bị phớt lờ sau một khoảng thời gian ngắn.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.