Ông Hamid Khalafallah, một cư dân Khartoum, đăng tải các bức ảnh cho thấy dường như tường của một căn phòng trong nhà ông đã bị mảnh đạn pháo găm trúng. Ảnh: Twitter/Hamid Khalafallah. |
“May mắn là không ai bị thương vì chúng tôi đều trú ẩn trong nhà. Chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng súng”, ông Khalafallah viết trên Twitter. Ảnh: Twitter/Hamid Khalafallah. |
Khói mù bao trùm bầu trời thủ đô Khartoum. Hôm 16/4, giao tranh giữa quân đội Sudan và tổ chức bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) đã bước sang ngày thứ hai và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ít nhất 56 người đã thiệt mạng và gần 600 người bị thương từ khi xung đột bùng phát. Ảnh: AP. |
Trước đó, hôm 15/4, RSF tuyên bố đã giành quyền kiểm soát dinh tổng thống Sudan và sân bay quốc tế Khartoum và một số địa điểm chiến lược khác. Trong khi đó, quân đội Sudan bác bỏ tuyên bố này và cho biết đã không kích một căn cứ của RSF tại thành phố Omdurman kế cận. Ảnh: AP. |
Một máy bay chiến đấu trên bầu trời Khartoum hôm 15/4. Các nhân chứng cho biết các tiếng súng và tiếng nổ vẫn được ghi nhận trên các con phố vắng người ở thủ đô Khartoum, Omdurman và nhiều điểm nóng khác trên khắp đất nước, theo AP. Ảnh: Reuters. |
Khói bốc lên từ Khartoum. Các cuộc giao tranh diễn ra quanh tổng hành dinh quân đội, sân bay quốc tế Khartoum và trụ sở đài truyền hình nhà nước Sudan. Quân số của lực lượng nổi dậy tương đối đông đảo: Chỉ riêng tại Khartoum đã có hàng nghìn binh sĩ RSF. Ảnh: Reuters. |
Vụ đụng độ lần này là kết quả sau nhiều tháng tranh cãi giữa quân đội Sudan và RSF về kế hoạch sáp nhập hai lực lượng. Quân đội Sudan trung thành với tướng Abdulfatah al-Burhan - nhà lãnh đạo trên thực tế hiện nay tại Sudan - trong khi RSF trung thành với ông Mohamed Hamdan Dagalo, địch thủ của ông al-Burhan. Ảnh: AP. |
Bà Tahani Abass, một người sống gần tổng hành dinh quân đội, cho biết các cuộc giao tranh diễn ra ngay trên đường phố và ở cả khu dân cư, buộc gia đình bà phải nằm cả đêm dưới tầng trệt. “Không ai có thể ngủ được. Lũ trẻ khóc và kêu gào sau mỗi tiếng nổ”, bà nói. Ảnh: Reuters. |
Các binh sĩ Sudan trên đường phố Khartoum. “Ở các khu vực khác của đất nước, dường như giao tranh đang mở rộng - tại thành phố cảng miền Đông Port Sudan, tại Qadarif, Kesala và Kosti. Dường như tình hình đang leo thang”, Al Jazeera cho biết. Ảnh: Reuters. |
Vấn đề Trung Đông - châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.