Khói bốc lên ở Khartoum, Sudan, ngày 15/4 khi Lực lượng Hỗ trợ nhanh Bán quân sự đụng độ với quân đội. Ảnh: Reuters. |
Đại sứ quán Anh tại Sudan ngày 15/4 kêu gọi công dân ở trong nhà, cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình sau khi Lực lượng Hỗ trợ nhanh Bán quân sự (RSF) cho biết họ nắm quyền kiểm soát dinh tổng thống và các địa điểm khác, theo Reuters.
"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Khartoum và các khu vực khác của Sudan, nơi đang diễn ra các cuộc đụng độ quân sự", đại sứ quán viết trên Twitter.
"Chúng tôi khuyên tất cả các công dân Anh ở Sudan nên ở trong nhà và theo dõi khuyến nghị di chuyển của chúng tôi để biết thêm thông tin cập nhật”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng tình hình ở Sudan đang rất “mong manh” nhưng tin vẫn còn cơ hội để đất nước hoàn thành chuyển đổi sang một chính phủ dân sự.
Đại sứ Mỹ tại Sudan cho biết ông đang trú ẩn giữa lúc đụng độ nổ ra ở thủ đô. Đại sứ John Godfrey cho biết trong một tweet: “Tôi vừa đến Khartoum vào đêm qua và thức giấc với những âm thanh vô cùng đáng lo ngại của tiếng súng và giao tranh".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nói rằng nước này quan ngại sâu sắc về sự leo thang căng thẳng và xung đột ở Sudan. Riyadh kêu gọi những bên liên quan chọn đối thoại thay vì xung đột.
Bộ Ngoại giao Ai Cập bày tỏ quan điểm tương tự.
Đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Sudan Volker Perthes cho biết ông lên án mạnh mẽ việc nổ ra giao tranh ở nước này.
Ông Perthes "đã liên hệ với cả hai bên yêu cầu họ ngừng giao tranh ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho người dân Sudan và tránh cho đất nước tiếp tục xảy ra bạo lực".
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Joseph Borrell kêu gọi tất cả lực lượng liên quan ngăn chặn bạo lực ở Sudan ngay lập tức. Ông đồng thời cho biết trên Twitter rằng tất cả nhân viên EU ở nước này đều an toàn.
Mối lo ngại của quốc tế về tình hình của Sudan được đưa ra trong bối cảnh Lực lượng Hỗ trợ nhanh Bán quân sự (RSF) tại đây cho biết họ đã giành quyền kiểm soát dinh tổng thống, nơi ở của chỉ huy quân đội và sân bay quốc tế Khartoum hôm 15/4, sau khi đụng độ với quân đội của đất nước.
Một nhà báo của Reuters tường thuật rằng ông nhìn thấy đại bác và xe bọc thép được triển khai trên đường phố, đồng thời nghe thấy tiếng súng hạng nặng gần trụ sở của cả quân đội và RSF.
Sự rạn nứt giữa các lực lượng ở Sudan lên đỉnh điểm hôm 13/4, khi quân đội nói rằng các hoạt động gần đây của RSF không có sự phối hợp với quân đội và là bất hợp pháp.
Một tuyên bố của RSF ngày 15/4 đã gọi hành động của quân đội là "tấn công hung bạo" và kêu gọi lên án hành động đó.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.