Nhiều bệnh nhân đang mắc kẹt trong các cơ sở y tế tại Sudan giữa cảnh giao tranh. Ảnh: Reuters. |
"Tôi nghĩ chúng tôi sẽ chết trên đường phố", Faheem thốt lên sau khi được sơ tán khỏi bệnh viện cùng con gái Amal, 14 tuổi.
"Amal đã phải trải qua một ca phẫu thuật quan trọng vì khối u não, sau những biến chứng từ các cuộc phẫu thuật trước đó. Nhưng chúng tôi phải liên tục chuyển phòng vì đạn pháo. Cuối cùng chúng tôi xuống tầng trệt và được yêu cầu sơ tán, tìm kiếm khu vực an toàn", anh kể lại.
Bạo lực bùng phát tại Sudan kể từ ngày 15/4 đã khiến gần 100 người thiệt mạng. Cuộc đụng độ theo sau sự rạn nứt giữa hai vị tướng - tướng Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu quân đội chính quy và tướng Mohamed Hamdan (thường được gọi là Hemetti) lãnh đạo Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF).
Khi đạn pháo tấn công các tòa nhà trên khắp Sudan, những bệnh nhân như Amal phải tháo chạy hoặc kẹt lại trong tầng hầm bệnh viện.
"Tôi ôm lấy Amal khi các tòa nhà xung quanh bị bắn phá. Con bé đang bị ốm và cảm thấy rất không khỏe”, Faheem kể lại.
May mắn hai cha con đã an toàn trốn khỏi khu vực bị bắn phá. Faheem nói với BBC rằng anh hy vọng có thể đưa con gái quay lại gặp bác sĩ trong vài tuần nữa để tái khám.
Tình thế cấp bách
Trên khắp Sudan, nhiều bệnh nhân đang mắc kẹt trong các cơ sở y tế suốt nhiều ngày liên tiếp.
Chia sẻ với BBC, các nhân viên và tình nguyện viên nói rằng họ đã phải chịu đựng những ngày sống trong "tình trạng căng thẳng tâm lý nghiêm trọng do thiếu thức ăn và đồ uống", cũng như đối mặt với nỗi sợ hãi về các cuộc pháo kích bừa bãi đang diễn ra ở khu vực xung quanh.
"Chúng tôi nghe thấy tiếng bom và tiếng súng", Ashraf, người đang chăm sóc người thân bị thương tại một bệnh viện ở Sudan, nói.
"Bệnh viện đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng - không có nước và điện - khiến tính mạng của bệnh nhân gặp nguy hiểm", Ashraf cảnh báo.
Thiệt hại bên trong một ngôi nhà trong cuộc đụng độ giữa Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) và quân đội ở Khartoum, Sudan ngày 17/4. Ảnh: Reuters. |
Một bác sĩ mắc kẹt tại bệnh viện này suốt 3 ngày cũng cảnh báo tình trạng ngày càng tồi tệ.
"Bệnh viện đang phải đối mặt với thách thức cấp bách: Gián đoạn nguồn cung nước và điện, khiến những bệnh nhân mắc kẹt rơi vào tình thế bấp bênh”, bác sĩ này cho biết.
Dù bệnh viện đã nhận được viện trợ lương thực, ông lo lắng điều gì sẽ xảy ra nếu tòa nhà bị tấn công. "Họ đang cố gắng phối hợp với các cơ quan sơ tán bệnh viện nhưng không có kế hoạch thích hợp. Điều này gây ra nhiều lo ngại hơn, vì bệnh viện nằm ở khu vực có nguy cơ cao, dễ bị tổn thương bởi các cuộc tấn công", ông nói với BBC.
Các bệnh viện gần trụ sở quân đội ở thủ đô Khartoum của Sudan là những cơ sở bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chẳng hạn, các vụ đánh bom đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Bệnh viện Al-Shaab, khiến một tài xế xe cứu thương và ba người khác bị thương.
Bốn bệnh viện khác cũng bị ảnh hưởng, trong đó một số cơ sở phải ngừng hoạt động hoàn toàn. Ngoài ra, một bệnh viện cảnh sát hoàn toàn trống rỗng và được cho là đã bị lực lượng RSF tiếp quản.
Trên khắp phương tiện truyền thông xã hội, các video cho thấy người dân Sudan sơ tán khỏi một bệnh viện khi tiếng súng vang lên ở phía sau.
Tại một địa điểm khác, một nhân viên y tế đang cố gắng trấn an bệnh nhân về việc nguồn cung oxy sắp cạn, phía sau là tiếng phụ nữ kêu cứu.
Một video khác được gửi trực tiếp tới BBC cho thấy nhiều phụ nữ trú ẩn trong bóng tối dưới tầng hầm của một bệnh viện.
"Mùi của cái chết"
Theo CNN, các lực lượng bán quân sự của Sudan đã bao vây và pháo kích bệnh viện Al-Moallem ở trung tâm Khartoum hôm 16/4. Cuộc pháo kích dữ dội buộc các nhân viên phải sơ tán, bỏ lại một số bệnh nhân.
“Chắc chắn họ cố tình nhắm mục tiêu vào bệnh viện”, một bác sĩ cho biết.
Bệnh viện này cách trụ sở quân đội của Sudan chỉ vài mét. Các bác sĩ tại đây đang điều trị cho rất nhiều thương binh và thân nhân của họ. Theo các nhân viên bệnh viện, khoa sản của bệnh viện đã bị trúng đạn pháo, khiến một bức tường bị sập.
Một đứa trẻ 6 tuổi đã chết trong tòa nhà. Hai đứa trẻ khác bị thương nặng. Khi pháo kích ngày càng dữ dội, các bác sĩ và bệnh nhân chỉ có thể tụ tập lại với nhau trong hành lang và cầu nguyện.
Ảnh vệ tinh cho thấy các tòa nhà bốc cháy ở phía đông bắc sân bay quốc tế Khartoum, Sudan ngày 17/4. Ảnh: Reuters. |
“Lúc đầu, chúng tôi cầu nguyện được cứu. Sau đó, khi trận pháo kích trở nên tồi tệ hơn, chúng tôi bắt đầu thảo luận xem bị bắn vào chỗ nào sẽ ít gây đau đớn nhất và bắt đầu cầu nguyện được chết một cách không đau đớn”, một bác sĩ nói.
Không rõ liệu lực lượng RSF có nắm quyền kiểm soát bệnh viện hay không khi họ cố gắng chiếm trụ sở quân đội gần đó.
“Cuộc sơ tán thật hỗn loạn. Tôi nghĩ mình sắp nôn. Tôi loạng choạng và ngã xuống đất”, một nhân chứng trong bệnh viện cho biết.
“Bạn tin được không, chúng tôi buộc phải rời bệnh viện, bỏ lại những đứa trẻ trong lồng ấp và bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt. Mùi của cái chết ở khắp nơi”, một bác sĩ nói.
Trong khi đó, bác sĩ người Anh gốc Sudan Eman Abu Garjah cho hay: “Thực phẩm trong tủ lạnh và tủ đá đã bị hỏng. Hiện tại chúng tôi không có bất kỳ nguồn cung nào. Máy bay ở ngay trên đầu từ sáng sớm. Tôi không thể ngủ. Ngôi nhà kêu lạch cạch và các cửa sổ rung chuyển”.
Nghiệp đoàn bác sĩ tại Sudan đã ra tuyên bố khẩn kêu gọi bảo vệ các cơ sở y tế cũng như cho phép xe cứu thương di chuyển an toàn. Tổ chức này mô tả các vụ tấn công vi phạm rõ ràng luật nhân đạo, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ.
Vấn đề Trung Đông - châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.