Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Bóng ma nội chiến' vẫn chưa dừng đeo bám Sudan

Cuộc đối đầu giữa những chỉ huy trong nội bộ quân đội Sudan gần như làm tiêu tan khả năng quyền lực được chuyển giao cho chính quyền dân sự.

xung dot sudan anh 1

Tiếng động cơ từ những chiếc tiêm kích vang khắp thủ đô Khartoum vào ngày 16/4. Những thành phố với hàng triệu dân hứng chịu các loạt rocket. Các căn cứ quân sự chìm trong biển lửa từ những đợt pháo kích.

Sudan lâm vào cuộc khủng hoảng kể từ sau khi xảy ra cuộc lật đổ tổng thống năm 2019.

Giao tranh đang nổ ra ở khắp ngóc ngách trên cả nước, khi quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự RSF tranh nhau từng sân bay hay căn cứ quân sự.

Một trong các phe phái còn bắt giữ các binh lính Ai Cập và thu giữ máy bay nước này, dấy lên nguy cơ kéo nước láng giềng lún sâu cuộc xung đột, theo New York Times.

Nguy cơ bị quốc tế quay lưng

Năm 2019, hàng chục nghìn người Sudan đã tham gia biểu tình lật đổ cựu Tổng thống Omar Hassan al-Bashir, người đã giữ chức trong 3 thập kỷ.

Nhưng giao tranh bùng nổ gần đây đã đặt dấu chấm hết cho hy vọng của nhiều người rằng chính quyền dân sự sẽ được khôi phục sau 4 năm, như giấc mơ của ông Omar Farook.

“Chúng tôi cảm thấy thật bất lực. Mọi người đều lo lắng điều này sẽ tương tự Yemen hay Syria. Bóng ma nội chiến đang hiện hữu”, ông Farook nói.

xung dot sudan anh 2

Khói bốc lên ở sân bay Khartoum, Sudan ngày 16/4. Ảnh: Reuters.

Đối với một quốc gia đang từng bước thoát được sự cô lập từ quốc tế, hỗn loạn lần này như một đòn đau giáng vào Sudan.

Mỹ đã gỡ Sudan khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố khi nước này hướng đến nền dân chủ. Đất nước này cũng đã nhận những cam kết hỗ trợ từ quốc tế.

Công đoàn bác sĩ cho biết ít nhất 97 thường dân đã thiệt mạng và 365 người khác bị thương kể từ khi giao tranh nổ ra, Guardian dẫn tuyên bố vào đầu ngày 17/4. Con số thương vong, bao gồm nhiều dân thường bị kẹt trong làn đạn, dự kiến còn tăng lên.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc nói rằng 3 nhân viên của cơ quan này đã thiệt mạng tại Darfur, một máy bay của họ bị phá hủy. Cơ quan này sau đó đã đình chỉ các chương trình viện trợ tại Sudan, nơi khoảng 15 triệu người (1/3 dân số) đang cần hỗ trợ lương thực.

Lời kêu gọi bị phớt lờ

Một kỷ nguyên mới vốn sẽ được mở ra tại Sudan sau khi quân đội tuần trước hứa sẽ chuyển giao quyền lực.

Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa chỉ huy quân đội Abdel Fattah al-Burhan và cấp phó của ông - chỉ huy lực lượng bán quân sự Mohamed Hamdan - đã khiến mọi kỳ vọng về nền dân chủ ngưng trệ.

Phe cánh của hai chỉ huy bắt đầu chĩa súng vào nhau, đưa quốc gia lớn thứ 3 châu Phi vào vòng xoáy xung đột mà nhiều người cho rằng có thể leo thang thành cuộc nội chiến toàn diện.

Cho đến nay, sự chú ý phần lớn đổ dồn về thủ đô Khartoum, nơi Internet vẫn chưa bị cắt và cư dân có thể chia sẻ đoạn phim về những gì diễn ra trên thực địa.

Trước cuộc xung đột bất chợt ở Sudan, các quốc gia phương Tây và khối Arab đã cùng kêu gọi các bên chấm dứt giao tranh.

xung dot sudan anh 3

Khói bốc lên gần một bệnh viện tại thủ đô Khartoum, Sudan. Ảnh: Planet Labs/AP.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cùng người đồng cấp Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ra tuyên bố chung kêu gọi ngừng bắn. Liên minh Arab cũng có động thái tương tự.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã ra thống nhất về tuyên bố lên án bạo lực và kêu gọi giải pháp hòa giải.

Tuy nhiên, những lo ngại và lời kêu gọi từ quốc tế hầu như đều bị bỏ ngoài tai.

Trên thực địa, binh lính hai bên đã có những màn đọ súng và rocket. Với ông al-Burhan và ông Hamdan, họ có những màn đấu khẩu trên truyền hình và Internet. Hai bên đều khẳng định mình sẽ chiến thắng, đồng thời cho rằng hiện tại khó có cơ hội để thương lượng.

Một căng thẳng không lường trước đến từ việc lực lượng của ông Hamdan bắt giữ hơn 30 binh lính Ai Cập, những người đang có khóa huấn luyện tại đây.

Tuy nhiên, người thân cận với ông Hamdan, ông Izzeldin Elsafi nói rằng những binh lính này phần lớn là phi công được cử đến Sudan để thực hiện các cuộc không kích dưới danh nghĩa quân đội Sudan. Ông Elsafi đổ lỗi cho Ai Cập đã không kích các cơ sở của lực lượng RSF vào ngày 16/4.

Trong 67 năm qua, Sudan đã trải qua nhiều cuộc chiến. Nhưng hầu hết chúng xảy ra ở các vùng gần biên giới, cách xa thủ đô hàng trăm km.

Các cuộc xung đột quy mô lớn có thể kể đến như xung đột dẫn đến sự ly khai của Nam Sudan vào năm 2011, hay cáo buộc diệt chủng Darfur được đưa lên Tòa Hình sự Quốc tế.

Song, Khartoum hiếm khi là trung tâm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những xung đột trên như hiện tại.

Ở Kafouri, tại một khu dân cư giàu có ở phía bắc sông Nile, bà Reem Sinada chứng kiến trong kinh hoàng khi ​​một hàng xe chiến đấu bán quân sự chở hơn 50 binh lính dừng trước cửa nhà.

Dù đã chạy đến nhà anh trai ở gần đó, bà vẫn sống trong lo sợ khi nơi trú ẩn mới của bà rung lên vì đạn pháo bắn vào gần đó.

"Tôi cảm thấy rất buồn, nhưng hy vọng chúng tôi sẽ sớm vượt qua chuyện này", bà nói.

Vấn đề Trung Đông - châu Phi

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…

>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Gần 100 người chết trong giao tranh ác liệt ở Sudan

Ít nhất 97 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương khi các cuộc đụng độ lan rộng khắp Sudan.

Bạo lực tại Sudan từ đâu mà ra

Đụng độ quân sự Sudan - bùng phát từ hôm 15/4 và đã khiến ít nhất 56 người thiệt mạng - có nguồn gốc từ mâu thuẫn giữa các phe phái cầm quyền tại quốc gia Bắc Phi này.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm