Hình ảnh vệ tinh cho thấy một tòa nhà đang bốc cháy tại căn cứ không quân Merowe, Sudan. Ảnh: Maxar Technologies. |
Các cuộc tấn công bằng pháo và không kích đã làm rung chuyển thủ đô Khartoum và thành phố Omdurman bên kia sông Nile, AP đưa tin.
Người dân cho biết đã xảy ra đụng độ xung quanh trụ sở quân đội và gần sân bay quốc tế.
“Các cuộc giao tranh trở nên căng thẳng hơn vào buổi sáng sau những tiếng súng lẻ tẻ trong đêm”, Tahani Abass, một người sống gần trụ sở quân đội cho biết.
Việc các lực lượng không ngừng xung đột dù chỉ một ngày, bất chấp áp lực ngoại giao cấp cao, cho thấy họ quyết tâm theo đuổi để giành chiến thắng, làm tăng khả năng xảy ra xung đột kéo dài, AP nhận định.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói chuyện với lãnh đạo lực lượng quân đội Sudan, Abdel Fattah al-Burhan và chỉ huy Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF), Mohamed Hamdan Dagalo.
Lệnh ngừng bắn kéo dài 24 giờ đáng nhẽ phải có hiệu lực từ lúc Mặt Trời lặn hôm 18/4 đến lúc Mặt Trời lặn hôm 19/4, với việc các lực lượng giao tranh cam kết công khai tuân thủ.
Người Sudan ở thủ đô và ở các thành phố khác đã trốn trong nhà, bị mắc kẹt trong làn đạn.
Thậm chí, một nhóm vũ trang đã đột kích vào nhà của nhân viên Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác ở trung tâm thành phố Khartoum vào hôm 18/4, theo tài liệu nội bộ của Liên Hợp Quốc mà CNN được xem.
Các tay súng được cho là đã tấn công tình dục phụ nữ và lấy trộm đồ đạc, bao gồm cả ôtô.
Ở Khartoum, những người “có vũ trang, được cho là từ RSF, đang tiến vào nơi ở của người nước ngoài, tách đàn ông và phụ nữ ra rồi đưa họ đi”, báo cáo viết. Một vụ hiếp dâm cũng được báo cáo.
CNN không thể xác minh độc lập các báo cáo này.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus cho biết ít nhất 270 người đã thiệt mạng và hơn 2.600 người bị thương kể từ khi giao tranh nổ ra hôm 15/4.
Con số được cho là có thể cao hơn nhiều vì không thể tiếp cận được các thi thể trên đường phố do xung đột đang diễn ra.
Hàng chục cơ sở chăm sóc sức khỏe gần các cuộc đụng độ ở Khartoum và những điểm nóng trên khắp đất nước đã ngừng hoạt động do bị hư hại hoặc phải sơ tán với lý do an toàn.
Vấn đề Trung Đông - châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.