Tổng thống Biden hôm 13/7 lên đường tới Israel, bắt đầu chuyến công du 4 ngày tại Trung Đông. Mục tiêu của người đứng đầu Nhà Trắng rất rõ ràng: đạt được đột phá cho chương trình hạt nhân Iran, thúc đẩy các đồng minh bơm thêm dầu ra thị trường, và xây dựng lại quan hệ với Saudi Arabia mà không bị mang tiếng là phớt lờ nguyên tắc nhân quyền.
Đây là lần đầu tiên ông Biden trở lại Trung Đông sau 6 năm. Khác với chuyến đi trước trên cương vị phó tổng thống, lần này ông Biden đến Trung Đông khi không có trong tay nhiều đòn bẩy hữu dụng, và cả ba bài toán cần giải quyết đều tiềm ẩn những rủi ro chính trị khó lường, theo New York Times.
Nhiệm vụ nặng nề
Sau 18 tháng ròng rã đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) 2015 với Iran, đối thoại đã rơi vào bế tắc. Washington dường như không có cách nào để thuyết phục Tehran chuyển giao cho IAEA số vật liệu phóng xạ đã được làm giàu gần đến mức đủ để chế tạo vũ khí.
Trong khi đó, Mỹ chưa đạt được thỏa thuận nào với Saudi để tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu, chủ yếu bởi Washington lo ngại một thỏa thuận như thế có thể bị xem là "phần thưởng" từ Riyadh đổi lấy nhượng bộ về ngoại giao dành cho Thái tử Mohammed Bin Salman.
Năm 2020, trong thời gian tranh cử, ông Biden từng tuyên bố sẽ cô lập Saudi trên trường quốc tế vì vụ sát hại nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi. CIA cho rằng vụ ám sát do Thái tử Mohammed Bin Salman trực tiếp ra lệnh.
Tổng thống Biden được quan chức Isreal tiếp đón khi hạ cánh hôm 13/7. Ảnh: AFP. |
Chính quyền ông Biden lúc này lo ngại sẽ hứng chịu chỉ trích dữ dội từ nội bộ đảng Dân chủ khi hình ảnh Tổng thống Biden gặp gỡ Thái tử Mohammed được báo giới công bố.
Từ khi lên nắm quyền, ông Biden đã tuyên bố sẽ thúc đẩy các giá trị dân chủ toàn cầu. Nhưng lúc này, việc ông viếng thăm Saudi Arabia rõ ràng là hành động vì nhu cầu thực tế.
"Mục tiêu của tôi là tái định hướng mối quan hệ hai nước", Tổng thống Biden tuyên bố.
Nguồn năng lượng dồi dào từ Saudi là tối cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực mà chiến dịch quân sự Nga phát động ở Ukraine gây ra cho nguồn cung nhiên liệu toàn cầu, ông Biden cho biết.
Khi nhậm chức, Tổng thống Biden nói thẳng ông muốn Mỹ rút dần khỏi Trung Đông, tập trung vào Trung Quốc. Điều này phản ánh niềm tin của ông Biden rằng Washington đã lãng phí 20 năm vừa qua, đã đến lúc nước Mỹ cần tập trung vào đối thủ cạnh tranh ngang hàng thực sự.
Chuyến đi Trung Đông lần này cũng một phần nhằm ngăn chặn Trung Quốc xâm nhập khu vực.
Tuần trước, Riyadh và Washington âm thầm ký bản ghi nhớ hợp tác xây dựng mạng di động 5G thế hệ mới tại Saudi Arabia. Thỏa thuận này giúp loại bỏ Huawei khỏi miếng bánh công nghệ viễn thông tại Saudi.
Dầu mỏ và uy tín
Bề ngoài, chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Saudi nhằm xử lý nhiều vấn đề an ninh quốc gia chứ không riêng dầu mỏ. Nhưng thực tế, dầu mỏ là lý do cấp thiết nhất trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu đã ở mức quá cao suốt nhiều tháng qua.
Dù chính quyền ông Biden không có ý định công bố bất cứ thỏa thuận nào về dầu mỏ trong chuyến thăm, cả hai bên đều ngầm hiểu rằng Saudi sẽ tăng sản lượng ngay khi thỏa thuận giới hạn sản lượng hiện nay của OPEC kết thúc vào tháng 9, vừa kịp chuẩn bị cho bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào tháng 11.
Martin Indyk, cựu quan chức ngoại giao dưới thời Bill Clinton và Barack Obama, cho rằng dù con số cụ thể chưa được công bố, nhiều khả năng Saudi sẽ tăng sản lượng khai thác dầu thêm 750.000 thùng/ngày. Cùng với đó, UAE sẽ bơm thêm 500.000 thùng/ngày ra thị trường.
Hiện chưa thể biết có thêm 1,25 triệu thùng dầu một ngày sẽ giúp giảm giá xăng ở Mỹ xuống bao nhiều, mức giảm có nhanh và đủ để tác động tới tâm lý cử tri trước bầu cử hay không.
Quan hệ với Thái tử Saudi Mohammed Bin Salman sẽ là vấn đề hóc búa với Tổng thống Biden. Ảnh: New York Times. |
"Đó sẽ là loại thỏa thuận mà chuyến đi này cần, nhưng bởi Nhà Trắng không muốn công bố, Tổng thống Biden sẽ phải dùng các lý do khác như tập trung vào Israel, bình thường hóa quan hệ, tăng cường hợp tác quốc phòng", ông Indyk nói.
Tổng thống Biden cũng không muốn tạo ra ấn tượng ông quá tập trung vào Saudi Arabia, mà còn làm việc với nhiều lãnh đạo các nước khác trong khu vực như Ai Cập, Iraq, Jordan, cùng 6 nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.
Nhưng xét cho cùng, Tổng thống Biden sẽ không thể tránh mặt Thái tử Mohammed. Sẽ có những bức ảnh hai người gặp gỡ, từ đó gây tổn hại cho uy tín của ông Biden, nhưng đồng thời giúp Thái tử Mohammed khôi phục vị thế quốc tế.
Các chuyên gia nhận định như thế đã là đủ cho người lãnh đạo trên thực tế của Saudi.
"Khả năng Saudi làm bẽ mặt ông Biden trong chuyến đi này là rất thấp bởi kịch bản đó sẽ gây tổn hại tới các tính toán chiến lược của họ. Động lực hợp tác của hai bên là rất cao", Jon Alterman, phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, nhận định.
Bài toán Iran
Quốc gia Do Thái là điểm đến khác của Tổng thống Biden trong chuyến công du. Tại Israel, vấn đề Ukraine sẽ nóng trên bàn nghị sự. Trước đó, giới chức Nhà Trắng đã công khai tỏ thái độ không hài lòng khi chính quyền cựu Thủ tướng Naftali Bennett gần như trung lập về tình hình Ukraine.
Hôm 11/7, chỉ hai ngày trước chuyến công du của Tổng thống Biden, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tiết lộ Iran sắp chuyển giao hàng trăm UAV vũ trang cho Nga để tấn công các mục tiêu ở Ukraine.
Động cơ chính của Washington khi tiết lộ thông tin này nhằm cảnh báo cả Tehran và Washington rằng Mỹ đang theo dõi sát mọi động thái.
Nhưng trong bối cảnh chuyến thăm của ông Biden đến Israel sẽ mở màn bằng một màn trình diễn vũ khí laser tiêu diệt UAV và tên lửa, Washington dường như nhắc nhở Tel Aviv rằng đã đến lúc viện trợ Ukraine mạnh tay hơn bằng vũ khí diệt UAV.
Chủ đề này cũng giúp Tổng thống Biden và Thủ tướng tạm quyền Israel, ông Yair Lapid, có một điểm chung, đó là kiềm chế Iran, trong bối cảnh hai nước có bất đồng về cách xử lý chương trình hạt nhân của Tehran. Israel là nước phản đối quyết liệt nhất JCPOA 2015.
Mỹ và Iran tiếp tục bế tắc trong đàm phán khôi phục JCPOA. Ảnh: New York Times. |
Khi cựu Tổng thống Trump bỏ rơi JCPOA năm 2018, Iran đã tái khởi động chương trình làm giàu uranium. Kể từ đó, Tehran đã tạo ra một lượng đáng kể uranium làm giàu ở mức gần đủ để sản xuất vũ khí hạt nhân, điều mà Iran chưa từng đạt được trước JCPOA.
Trước thực tế đó, Israel đẩy mạnh các kế hoạch phá hoại nhắm vào cơ sở hạt nhân của Iran, còn Tehran tăng tốc xây dựng các cơ sở ngầm dưới mặt đất.
Đối thoại giữa Washington và Tehran đã rơi vào bế tắc suốt nhiều tháng. Một trong các bất đồng lớn nhất là việc Mỹ kiên quyết không xóa tên Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran khỏi danh sách tổ chức khủng bố.
Robert Malley, trưởng đoàn đàm phán Mỹ, cảnh báo dù thích hay không, Iran sớm muốn gì cũng phải ra quyết định trước khi việc khôi phục JCPOA rơi vào dĩ vãng. Phía Iran hiện quyết không đàm phán mặt đối mặt với ông Malley.
Đầu năm nay, cả ông Malley và Ngoại trưởng Antony Blinken đều tuyên bố việc hai bên đạt thỏa thuận khôi phục JCPOA sẽ thành hiện thực chỉ trong vài tuần hoặc một tháng.
Nhưng đã hơn 4 tháng trôi qua. Các trợ lý của Tổng thống Biden không đưa ra lời giải thích vì sao tình hình vẫn bế tắc, dù tiếp tục khẳng định giá trị của việc khôi phục JCPOA.
Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, ông Rafael Grossi, mới đây cho biết chương trình hạt nhân của Iran đã đạt được tiến bộ lớn đến mức khiến các nước khác ở Trung Đông quyết tâm làm theo. Saudi Arabia đã tuyên bố nước này có quyền xây dựng các cơ sở hạt nhân tương tự Iran.
"Tình thế lúc này là các láng giềng của Iran bắt đầu lên kế hoạch hành động dựa trên mối lo ngại về kịch bản tồi tệ nhất. Nhiều nước trong khu vực đang quan sát những gì Iran làm, căng thẳng trong khu vực gia tăng, họ có thể chủ động tìm kiếm vũ khí hạt nhân nếu Iran trở thành mối đe dọa hạt nhân thực sự", ông Grossi cảnh báo.