Kể từ lúc khởi động chiến dịch tranh cử, bà Kamala Harris đã cố gắng xây dựng hình ảnh của một nhà lãnh đạo hướng tới tương lai. Tuy nhiên, phó tổng thống đang bị ghì lại bởi một loạt những vấn đề đối nội và đối ngoại của hiện tại.
Tổ hợp những thách thức này đã gián đoạn hành trình được đánh giá là "thuận buồm xuôi gió" của bà Harris trong hơn hai tháng đảm nhận vai trò ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Bà Harris từ lâu đã được biết đến là một chính trị gia không thích rủi ro. Do đó, trong hầu hết bài phát biểu tại các sự kiện tranh cử, bà Harris hiếm khi nhắc đến Tổng thống Joe Biden để củng cố hình ảnh "hướng tới tương lai".
Để xóa nhoà hình ảnh gắn liền với ông Biden, phó tổng thống cũng thường xuyên cam kết sẽ giải quyết khủng hoảng lạm phát, vốn thường được quy trách nhiệm cho chính quyền tổng thống đương nhiệm.
Tuy nhiên, một loạt sự kiện xảy ra trong giai đoạn cuối tháng 9 - đầu tháng 10 đã gần như đập vỡ những nỗ lực trên của bà Harris.
Làn sóng đình công cộng dồn với thiệt hại nặng nề từ cơn bão Helene và tình hình bất ổn ở Trung Đông là những biến số khiến khả năng tiếp tục nắm quyền của đảng Dân chủ bị thu hẹp lại, tờ New York Times nhận định.
Như thêm dầu vào lửa, trong cuộc tranh luận giữa các ứng viên phó tổng thống hôm 1/10 (giờ địa phương), "phó tướng" JD Vance của ông Trump tuyên bố đảng Cộng hoà sẽ mở ra kỷ nguyên ổn định cho nước Mỹ.
Loạt sự kiện bất ổn chồng chéo vào đầu tháng 10 như một lời nhắc nhở các cử tri rằng bà Harris dẫu sao vẫn là một thành viên cần "đứng mũi chịu sào" của chính quyền tại nhiệm, bất chấp nỗ lực khắc hoạ bản thân là một người luôn hướng tới tương lai.
Chỉ trong vòng 3 ngày, bà Harris phải huỷ kế hoạch tiếp xúc cử tri tại 2 bang chiến địa quan trọng là Nevada và Pennsylvania.
Thay vào đó, phó tổng thống có mặt tại Georgia để thăm hỏi người dân chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão lịch sử Helene. Đây là một trong những minh chứng rõ nét phản ánh sự bất ổn hiện tại đang ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch tranh cử của bà Harris.
Hình ảnh hướng tới tương lai
Trong nhiều tháng, ông Trump và các đồng minh đã đặt vấn đề trước công chúng rằng ông Biden và bà Harris là những nhà lãnh đạo thiếu năng lực.
Phe Cộng hoà kích động làn sóng bất bình bằng những thông tin liên quan đến làn sóng nhập cư ở biên giới phía nam và con số thương vong tăng đột biến ở Dải Gaza.
"Bà Harris tô vẽ nên một khung cảnh tươi đẹp trong màn tranh luận của mình song điều đó lại không khớp với thực tại mà nhiều người dân Mỹ đang phải đối mặt", Hạ nghị sĩ Matt Gaetz của đảng Cộng hoà nói.
"Ông Biden và bà Harris đang không thể hiện được năng lực lãnh đạo. Mọi người đang cảm thấy mọi thứ dần tồi tệ hơn", ông Gaetz nói thêm.
Trái lại, Jim Messina, người quản lý cho chiến dịch tái tranh cử của ông Barack Obama vào năm 2012, cho rằng khoảng 4% cử tri trung lập tại các bang chiến địa sẽ xem những thách thức hiện tại là cơ hội cho bà Harris thể hiện năng lực quản lý.
"Tình hình bất ổn hiện nay giống như cơ hội thử việc cho vai trò tổng thống của bà Harris", ông Messina nhận xét.
Vào ngày 1/10 (giờ Mỹ), Nhà Trắng công bố một bức ảnh từ cuộc họp khẩn về chiến sự Trung Đông của nội các Tổng thống Biden tại Phòng Tình huống. Hình ảnh bà Harris tay chống cằm ngồi kế ông Biden ghi lại cả mặt tích cực lẫn tiêu cực từ vai trò hiện nay của bà, tờ New York Times nhận định.
Cụ thể, hình ảnh nói trên khắc hoạ bà Harris là một nhân vật quan trọng có khả năng xử lý các vấn đề toàn cầu.
Tuy nhiên, sự gần gũi giữa bà và ông Biden lại củng cố lối biện luận của đảng Cộng hoà rằng bà Harris vẫn là một phần của chính quyền đương nhiệm và chịu trách nhiệm cho những bất ổn hiện tại.
Ông Trump đã đến Georgia vào ngày 30/9 để quan sát tình hình khắc phục hậu quả bão Helene. Cựu tổng thống cũng nhân cơ hội chỉ trích chính quyền liên bang.
Tuy nhiên, Thống đốc Georgia Brian Kemp, một đảng viên Cộng hoà, cho biết chính quyền Tổng thống Biden đã phản ứng kịp thời.
Hạ nghị sĩ Florida Mike Waltz cho rằng nếu cử tri so sánh tình hình hiện tại với giai đoạn cầm quyền của đảng Cộng hoà, chiến dịch tranh cử của ông Trump sẽ nắm lợi thế.
"Ở châu Âu đang diễn ra cuộc xung đột quân sự lớn nhất kể từ Thế chiến II, còn ở Trung Đông thì tên lửa đạn đạo bay vèo vèo. Chỉ 4 năm trước, ông Trump còn đang ký các bản hiệp ước hoà bình tại Nhà Trắng", ông Waltz nói.
Hạ nghị sĩ đến từ Florida cũng nói thêm rằng các cuộc đình công ở miền Đông và khu vực vùng Vịnh sẽ là "bất ngờ tháng 10" lớn nhất. Bởi lẽ, nếu làn sóng đình công tiếp diễn, chuỗi cung ứng sẽ sụp đổ, gây thiệt hại hàng tỷ USD.
'Gót chân Achilles' của bà Harris
Kinh nghiệm làm công tố viên của bà Kamala Harris giờ đây lại trở thành "điểm gợn" trong cách tiếp cận báo giới, khiến ứng viên đảng Dân chủ gặp khó trong cuộc tranh cử tổng thống.
Lá bài kinh tế của ông Trump đang phát huy tác dụng
Bằng việc xây dựng hình ảnh bản thân là một nhà kinh tế dân túy sắc sảo, ông Donald Trump vẫn đang giữ lợi thế trước bà Harris trên phương diện quan trọng bậc nhất của cuộc bầu cử.
Kết quả khảo sát công bố ngày 22/9 cho thấy trong số 1.000 cử tri được tham khảo ý kiến, 48% có phản hồi tích cực dành cho bà Harris, trong khi ông Trump chỉ nhận được 38%.