Trong một buổi mít tinh tại bang chiến địa Pennsylvania, ông Donald Trump đưa ra lời cảnh báo rằng nếu ông thất cử, “những người nông dân sẽ không còn trang trại để làm việc nữa đâu”.
Cũng tại sự kiện trên, ông Trump nhấn mạnh rằng bản thân sẽ bảo vệ người Mỹ ở những vùng nông thôn khỏi các thế lực kinh tế nước ngoài.
Điều này cho thấy rằng khi tập trung, ông Trump có khả năng đưa ra những lập luận hiệu quả về khía cạnh kinh tế, vốn là vấn đề quan trọng bậc nhất của cuộc bầu cử tổng thống, hãng tin CNN nhận định.
Phong cách thuyết phục của ông Trump
Những dự đoán ảm đạm của ông Trump về sự suy thoái của nền kinh tế phản ánh một nét đặc trưng trong sự nghiệp chính trị của cựu tổng thống: sử dụng sự sợ hãi và viễn cảnh tiêu cực để thuyết phục cử tri.
Không chỉ trên khía cạnh kinh tế, ông Trump từng nhiều lần vẽ ra tương lai u ám rằng nước Mỹ sẽ sụp đổ bởi làn sóng nhập cư bất hợp pháp và tỷ lệ tội phạm gia tăng.
Tương phản với ông Trump, hầu hết chính trị gia thu hút cử tri bằng những lời hứa về sự thay đổi theo hướng tích cực.
Đơn cử, ứng viên tranh cử đảng Dân chủ Kamala Harris đang tìm cách xóa bỏ bức tranh ảm đạm mà ông Trump vẽ ra bằng cách khơi dậy sự lạc quan về một nền “kinh tế cơ hội” mới.
Ở chiều ngược lại, trong cuộc tranh luận trước bà Harris, ông Trump tuyên bố trước khán giả rằng “mọi người sẽ kết thúc với một cuộc Thế chiến thứ 3”.
Ông Trump trong một sự kiện vận động tranh cử ở Georgia hôm 24/9. Ảnh: New York Times. |
Vào đầu tháng 9, ông Trump nói với Fox News rằng “đất nước này sẽ lâm vào cuộc đại suy thoái nếu bà ấy (Harris) trở thành tổng thống, như năm 1929 vậy”, ngụ ý rằng nước Mỹ sẽ đánh mất nền kinh tế nếu ông thất cử.
Chính trị gia gốc New York thậm chí đi xa đến mức tuyên bố rằng “những người Do Thái” sẽ phải chịu một phần trách nhiệm nếu ông thất cử vào tháng 11.
Ông Trump dường như ngụ ý rằng người Do Thái không nên bỏ phiếu cho đảng Dân chủ vì cựu tổng thống cho rằng nếu không có sự ủng hộ nhiệt thành của ông dành cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người có xu hướng cực hữu, có lẽ Israel đã không còn tồn tại.
Vào ngày 23/9 (giờ địa phương), ông Trump viết trên mạng xã hội rằng các cử tri Công giáo “nên đi khám não” nếu họ ủng hộ bà Harris, lập luận một cách vô căn cứ rằng “những tín đồ Công giáo đang bị bắt bớ bởi chính quyền đương nhiệm”.
Cũng trên mạng xã hội Social Truth, cựu tổng thống cũng tuyên bố bằng một bài viết hoa hoàn toàn rằng “PHỤ NỮ SẼ ĐƯỢC HẠNH PHÚC, MẠNH KHỎE, TỰ TIN VÀ TỰ DO” nếu ông tái đắc cử vào tháng 11.
Trong cuộc mít tinh tối 23/9 ở Pennsylvania (giờ địa phương), ông Trump tuyên bố giá năng lượng sẽ tăng vọt nếu bà Harris trở thành chủ nhân Nhà Trắng và nền kinh tế nông nghiệp ở các vùng nông thôn Mỹ sẽ sụp đổ.
Viễn cảnh trên do ông Trump vẽ nên trùng khớp với lập luận cốt lõi trong buổi tranh luận giữa bà Harris và cưu tổng thống, rằng “nước Mỹ đang suy kiệt, chúng ta là một đất nước suy vong”.
Những phát ngôn này cũng tương tự tuyên bố nổi tiếng của ông Trump trong đợt bạo loạn ngày 6/1/2021 ở Điện Capitol khi cựu tổng thống kêu gọi người ủng hộ “chiến đấu hết mình đi” nếu không họ sẽ “không còn đất nước nào để trú thân đâu”.
Lối lập luận và thuyết phục của ông Trump được đánh giá là có phần cực đoan. Ảnh: New York Times. |
Trên thực tế, lối lập luận trên của ông Trump không phải mới. Vào cao điểm của dịch Covid-19 hồi 2020, cựu tổng thống nói rằng nếu ông không tái đắc cử, “trẻ em sẽ không thể đến trường, không đám cưới, không lễ Tạ ơn, không Giáng sinh, không quốc khánh gì cả”.
Một số lời nói phóng đại này xuất phát từ kinh nghiệm dày dặn trên thương trường, từng được ông Trump đưa vào trong quyển “Nghệ thuật đàm phán” xuất bản năm 1987 và gọi là “sự thật được khoa trương”.
Tại Nhà Trắng, “sự thật được khoa trương” bị thay thế bởi “tin sai sự thật” khi ông Trump đưa ra những tuyên bố không có cơ sở nhằm phục vụ mục đích chính trị của bản thân.
Ông Trump được cho là đang áp dụng chiến thuật thường thấy ở các nhà lãnh đạo độc tài: chỉ khi họ nắm quyền thì thảm họa mới không xảy ra và khi mọi chuyện trở nên tồi tệ thì chỉ họ mới giải quyết được vấn đề.
“Một mình tôi sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng này”, ông Trump từng tuyên bố tại Hội nghị Quốc gia đảng Cộng hòa năm 2016.
Lá bài kinh tế
Một trong những lý do đằng sau sự hiệu quả trong lối hùng biện của ông Trump nằm ở sự đồng điệu với cảm xúc cá nhân của một bộ phận cử tri. Đây là mấu chốt nơi bản năng lãnh đạo và xung lực kinh tế của ông Trump giao thoa với nhau.
Trong bài phát biểu tại Pennsylvania hôm 23/9, ông Trump chọn xoáy vào sự bất bình của những cử tri ngoại ô trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghiệp hóa thay đổi cách vận hành của các trang trại vùng nông thôn trong những thập kỷ gần đây.
Ông Trump quy trách nhiệm cho chính quyền Biden vì đã để các nguồn lực kinh tế nước ngoài tác động tiêu cực đến nền nông nghiệp Mỹ, theo CNN.
“Chưa một ai từng làm nhiều điều cho nông dân như tôi cả”, ông Trump tuyên bố.
Sự liên kết với cảm xúc phẫn nộ và sợ hãi của cử tri cũng là một trong những "lá bài tẩy" của ông Trump. Ảnh: New York Times. |
Cựu tổng thống cũng nói rằng nếu Quốc hội cản trở việc ông tăng thuế nhập khẩu (nếu đắc cử), ông sẽ mặc kệ các nhà lập pháp.
“Tôi không cần họ, tôi không cần Quốc hội”, ông Trump nói. “Tôi có quyền ban hành những luật này nếu họ không thông qua”.
Hình ảnh cố hữu là một doanh nhân sắc sảo và là một nhà dân tuý cổ điển mà ông Trump dày công xây dựng được cho là lý do tại sao 55% cử tri ba bang Arizona, North Carolina và Georgia trả lời khảo sát của New York Times cho rằng ông sẽ quản lý nền kinh tế hiệu quả hơn bà Harris, người chỉ nhận được 42% ủng hộ trên phương diện này.