Biến chủng virus corona được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ - ký hiệu B.1.617 - được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách đáng lo ngại, cùng các biến chủng đến từ Anh, Brazil, và Nam Phi.
Theo dữ liệu của WHO, biến chủng Ấn Độ lây lan rộng tới nhiều khu vực trên thế giới. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy biến chủng không chỉ lây lan mạnh hơn mà còn làm giảm hiệu quả các loại vaccine, kể cả loại được cho là hiệu quả nhất của Pfizer-BioNTech.
Đã lan tới 53 quốc gia, vùng lãnh thổ
Biến chủng Ấn Độ được WHO chia thành ba dòng, đó là B.1.617.1, B.1.617.2 và B.1.617.3.
Dòng virus đầu đầu tiên - B.1.617.1 - được phát hiện ở 41 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dòng virus thứ ba là B.1.617.3 xâm nhập 6 quốc gia là Mỹ, Nga, Ấn Độ, Anh, Canada và Đức.
B.1.617.2 hiện là dòng virus lây lan mạnh nhất. Ít nhất 53 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự xuất hiện của dòng biến chủng virus này.
Theo Al Jazeera, cả ba dòng của biến chủng Ấn Độ B.1.617 đã được chính thức ghi nhận tại tổng cộng 53 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, 7 quốc gia khác dường như phát hiện sự xuất hiện của biến chủng này nhưng chưa chính thức công bố.
Người thân khóc trong đám tang của một bệnh nhân tử vong vì Covid-19 ở Kashmir. Ảnh: Reuters. |
Thông tin về biến chủng B.1.617 vẫn tiếp tục được thu thập từ các quốc gia. Tuy nhiên, các báo cáo ban đầu cho thấy biến chủng Ấn Độ có khả năng lây lan mạnh hơn so với chủng virus ban đầu.
Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về độc lực cũng như phương thức lây lan của biến chủng.
Các dữ liệu do Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh cho thấy biến chủng B.1.617 lây lan mạnh tương tự biến chủng B.1.1.7 - tức biến chủng Anh. Thực tế, dòng B.1.617.2 thậm chí lây lan mạnh gấp 2 lần so với biến chủng Anh.
Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh lý mà biến chủng B.1.617 gây ra vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.
Dù vậy, ngay cả khi độc lực không thay đổi, sự nguy hiểm của biến chủng này cũng lớn hơn nhiều; bởi nó làm nhiều người mắc bệnh hơn, đồng nghĩa khiến nhiều người chết hơn và tạo thêm áp lực cho các cơ sở y tế.
Kết quả thí nghiệm cho thấy tỷ lệ tái lây nhiễm virus corona do biến chủng Ấn Độ gây ra cao hơn so với các chủng virus cũ. Tuy nhiên, kết quả này chưa được khẳng định bởi dữ liệu thực tế.
Biến chủng làm giảm hiệu quả vaccine
Đối với tất cả biến chủng nằm trong nhóm đáng lo ngại của WHO, các loại vaccine hiện có vẫn cho thấy có hiệu quả.
Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của vaccine giảm đi đáng kể so với khi sử dụng chống lại chủng virus ban đầu xuất hiện ở Vũ Hán.
Tới nay, chưa có dữ liệu về mức độ hiệu quả của vaccine Covid-19 với dòng B.1.617.1.
Dòng B.1.617.2 có nhiều hơn dòng B.1.617.1 một đột biến, vì vậy chúng có bộ gene sinh học khá tương tự. Do đó, hiệu quả của vaccine trên hai dòng virus này có khả năng như nhau, dù hiện chưa thể xác nhận.
Dữ liệu ban đầu từ các phòng thí nghiệm ở Anh cho thấy vaccine của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca có hiệu quả 33% chống lại biến chủng B.1.617.2 trong thời gian 3 tuần sau khi tiêm liều đầu tiên.
Đáng chú ý, hiệu quả sau liều vaccine đầu tiên trong đối phó với biến chủng B.1.1.7 - biến chủng Anh - lên đến 50%.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tiêm vaccine AstraZeneca. Ảnh: Reuters. |
Sau thời gian 2 tuần từ khi tiêm liều thứ 2 vaccine Pfizer, tỷ lệ hiệu quả đạt 88%. Đáng nói, tỷ lệ này thấp hơn mức 95% mà vaccine Pfizer đạt được trong đối phó các chủng virus cũ.
Trong khi đó, sau 2 tuần từ khi tiêm liều thứ 2 vaccine AstraZeneca, tỷ lệ hiệu quả đối phó với biến chủng B.1.617.2 là 60%. Con số này cũng thấp hơn mức 66-70% trong đối phó các biến chủng virus cũ.
Tỷ lệ hiệu quả ở mức dưới 100% đồng nghĩa người tiêm vaccine vẫn nguy có cơ nhiễm virus corona. Tuy nhiên, dù lây nhiễm, tình trạng bệnh lý sẽ nhẹ hơn.
Kết quả thí nghiệm ban đầu cho thấy hai loại vaccine của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca đều giúp bảo vệ người mắc Covid-19 khỏi nguy cơ trải qua triệu chứng bệnh lý nặng đến mức nhập viện hoặc tử vong.
Dù vậy, dữ liệu về tiêm chủng vẫn ở mức thấp để có thể đưa ra đánh giá toàn diện.
Theo BBC, các nhà khoa học Anh tin rằng có sự khác biệt về mức độ hiệu quả giữa hai loại vaccine AstraZeneca và Pfizer-BioNTech. Điều này nhiều khả năng bởi vaccine của AstraZeneca cần thời gian lâu hơn để đạt hiệu quả tối đa.
Bên cạnh đó, mức độ hiệu quả cũng tùy vào nhóm đối tượng nhận vaccine. Vaccine Pfizer-BioNTech ban đầu được tiêm chủ yếu cho nhóm các nhân viên y tế tuyến đầu, những người vốn có sức tốt hơn.
Trong khi đó, bởi đặc điểm dễ bảo quản và vận chuyển, vaccine AstraZeneca thường được dành cho những nhóm không có khả năng di chuyển tới các cơ sở tiêm chủng lớn. Nhóm này thường gồm người già hoặc mắc bệnh nền nặng.
Các nhà khoa học khẳng định việc tiêm đủ 2 liều vaccine, đối với các loại vaccine được tiêm thành hai lần, là điều kiện "sống còn" để giúp con người đối phó với nguy cơ từ virus corona.