Đầu năm nay, cảnh sát Trung Quốc tịch thu hơn 3.000 liều vaccine Covid-19 giả, tiến hành 80 vụ bắt giữ ở nhiều thành phố khắp cả nước, triệt phá đường dây tội phạm quốc tế hoạt động nhiều tháng. Nhưng vụ bắt giữ chỉ là phần nổi của tình trạng tội phạm buôn bán vaccine Covid-19 giả trên phạm vi toàn cầu, theo South China Morning Post.
Vaccine giả tràn lan
Thời gian qua, Interpol và các cơ quan thực thi pháp luật cảnh báo tình trạng buôn bán và sản xuất vaccine Covid-19 giả đang gia tăng trên thế giới.
Cảnh báo được ban bố trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng, mà đa số các quốc gia mới chỉ nhận lượng vaccine nhỏ giọt, hay thậm chí chưa được chuyển giao.
"Tình trạng dịch bệnh khiến nhiều cộng đồng dân cư khắp thế giới tuyệt vọng, tạo điều kiện cho các tổ chức tội phạm kiếm tiền trên sự sợ hãi của người dân", Stephen Kavanagh, quan chức cấp cao của Interpol, cho biết.
Lợi nhuận khổng lồ, cũng như sự chậm trễ trong chương trình tiêm chủng ở không ít quốc gia, là yếu tố thôi thúc các tổ chức tội phạm mở rộng quy mô sản xuất vaccine giả.
Ông Kavanagh cho biết Interpol đã thu giữ được nhiều mẫu vaccine giả ở các quốc gia khắp thế giới.
Tháng 2 vừa qua, nhà chức trách Mexico bắt 6 người bán vaccine Pfizer giả tại một cơ sở y tế công.
Cảnh sát Trung Quốc bắt giữ vaccine Covid-19 giả ở thành phố Côn Sơn. Ảnh: CCTV. |
Trong khi đó, cảnh sát Nam Phi hồi đầu năm nay bắt nhiều nghi phạm sau khi phát hiện hơn 2.000 liều vaccine giả tại một nhà kho. Vụ việc có liên quan tới lô vaccine bị cảnh sát Trung Quốc phanh phui và tịch thu.
Trong khi đó, cảnh sát Ba Lan cũng triệt phá một vụ lừa đảo bán vaccine Pfizer giả, mà bên trong chứa đầy chất chống lão hóa, theo Wall Street Journal.
Ông Kavanagh cho biết Interpol phát hiện nhiều phòng thí nghiệm quy mô nhỏ ở Đông Nam Á tham gia sản xuất vaccine giả, cùng một đường dây vận chuyển vaccine giả tới Nam Mỹ.
Interpol lúc này đang tiếp tục tìm hiểu thêm thông tin để triệt phá các băng nhóm tội phạm ở quy mô lớn hơn.
Ông Kavanagh cho biết chưa phát hiện hoạt động sản xuất vaccine ở quy mô công nghiệp, với số lượng hàng chục nghìn liều.
Để tránh nguy cơ trở thành nạn nhân của vaccine giả, ông Kavanagh khuyến cáo người dân nên tiếp cận nguồn vaccine chính thống từ nhà chức trách y tế.
Jeremy Douglas, đại diện của Văn phòng Ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương, cho biết việc xác định chính xác quy mô hoạt động sản xuất vaccine giả là nhiệm vụ phức tạp.
UNODC thời gian qua đóng vai trò cố vấn, giúp chính phủ các nước trong khu vực xác định nguy cơ sản xuất, buôn bán vaccine giả, đồng thời đa dạng hóa chuỗi cung ứng vaccine thật, hợp pháp.
"Nói thẳng, điều này rất dễ hiểu. Vaccine Covid-19 là ngành công nghiệp tỷ USD, có lẽ là một trong những ngành có giá trị nhất lúc này, mọi người trên thế giới đều muốn sở hữu vaccine. Vì thế, sẽ có những tên tội phạm muốn nhảy ngay vào lĩnh vực này", ông Douglas nhận xét.
Douglas cho biết thị trường chợ đen trên các web ẩn (dark web), có thể truy cập bằng phần mềm đặc biệt, là nơi người ta có thể dễ dàng tìm kiếm các loại vaccine được quảng cáo là của những nhà sản xuất đã được phê chuẩn - từ Pfizer, Sinovac, cho tới Johnson & Johnson. Giá trị vaccine có thể từ vài chục tới hàng nghìn USD.
Tài liệu sản xuất vaccine giả và ống chứa vaccine rỗng, từ các nhà sản xuất chính hãng, để chứa dược phẩm giả cũng được bán trực tuyến. Đây là mối quan tâm lớn của Interpol, ông Kavanagh cho biết.
Vaccine thật không được bán online
Hiện nay, Interpol đang bắt tay với các công ty dược phẩm, chia sẻ thông tin, hỗ trợ công tác truy dấu, xác minh và vận chuyển vaccine cùng cảnh sát hoặc nhà chức trách y tế, qua đó giúp xác định các bình chứa vaccine bị làm giả hoặc tái sử dụng.
"Rắc rối là khi gặp phải bình đựng vaccine chính hãng, trông đúng là hàng thật, mọi người sẽ có xu hướng tin đó là vaccine thật, bởi không ai biết bên trong lại chứa thứ không có tác dụng hay thậm chí nguy hiểm", ông Kavanagh nói.
Đại diện UNODC cho biết có khả năng hoạt động mua bán vaccine giả được tiến hành trên cơ sở đường dây mua bán dược phẩm trái phép đã tồn tại từ trước, thường có liên hệ tới các nước có ngành hóa chất và dược phẩm lớn.
"Rất nhiều sản phẩm làm giả đến từ những nơi có lịch sử sản xuất thuốc giả là Trung Quốc, Ấn Độ", ông Douglas cho biết.
Nhà kho chứa vaccine giả bị cảnh sát Nam Phi truy quét. Ảnh: Interpol. |
Roderic Broadhurst, giáo sư chuyên ngành tội phạm từ Đại học Quốc gia Australia, từ lâu theo dõi hoạt động mua bán các sản phẩm liên quan tới Covid-19 ở thị trường chợ đen trên các web ẩn.
Ông Broadhurst cho biết không thể loại trừ khả năng một lượng vaccine thật đã bị đưa lậu ra khỏi các kênh phân phối hợp pháp.
Nhóm của ông Broadhurst tháng trước công bố một báo cáo liệt kê danh sách hàng trăm sản phẩm liên quan tới Covid-19 được bán ở thị trường chợ đen trên các web ẩn. Trong số này, vaccine chiếm tới 10%.
Tuy nhiên, với vaccine Covid-19, những nhà sản xuất lớn đã siết chặt các quy trình an ninh trong chuỗi cung ứng. Ngay cả khi vaccine bị đưa ra khỏi các kênh cung ứng hợp pháp, rất khó bảo đảm vaccine sẽ được vận chuyển và lưu trữ với những quy trình nghiêm ngặt giúp duy trì hiệu quả.
"Lúc này, không loại vaccine được cấp phép nào được bán trực tuyến. Xin hãy nhớ là không có", ông Kavanagh nói.
Theo ông Kavanagh, trấn áp tội phạm liên quan tới vaccine sẽ giúp gửi thông điệp trên tới công chúng. Để hoàn thành mục tiêu này cần có sự phối hợp giữa các công ty dược phẩm, nhà chức trách y tế, cũng như cảnh sát.
"Đây là một trong các vấn đề tạo ra sự kết nối giữa các cơ quan chức năng. Không ai muốn nhìn thấy vaccine giả trôi nổi trên thị trường", ông Kavanagh cho biết.