Tại Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm Afghanistan - Nhật Bản, cơ sở y tế chính điều trị bệnh nhân Covid-19 ở thủ đô Kabul, toàn bộ 100 giường bệnh đã kín chỗ trong tuần qua.
Các bác sĩ cho biết nhiều bệnh nhân hiện nguy kịch trước đó đã trở về từ Ấn Độ. Mỗi ngày, bệnh viện có 10 người tử vong vì virus corona.
Hầu hết bác sĩ có chung lo ngại rằng biến chủng B.1.617.2, lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ, đã lan rộng ở quốc gia này nhưng không bị phát hiện bởi hệ thống cơ sở hạ tầng y tế nghèo nàn của Afghanistan, theo Guardian.
Nỗi lo người về từ Ấn Độ
Hôm 24/5, Bộ Y tế Afghanistan cho biết đã ghi nhận 547 ca mắc Covid-19 chỉ trong 24 giờ.
Nhưng con số người nhiễm virus corona thực sự được cho là cao hơn nhiều, bởi nhà chức trách không thể xác định số bệnh nhân nhiễm virus nhưng không được xét nghiệm.
Tới nay, Afghanistan không có cơ sở vật chất phù hợp để có thể xét nghiệm xác định biến chủng B.1.617.2, người phát ngôn Bộ Y tế, ông Dastagir Nazari, cho biết.
Bộ Y tế Afghanistan lúc này không thể chắc chắn biến chủng Ấn Độ có phải là nguyên nhân làn sóng dịch bệnh đang bùng phát hay không.
"Chúng tôi chứng kiến số ca bệnh gia tăng chóng mặt trong 2 tuần vừa qua, nhiều người trong đó cần thở dưỡng khí. Nhiều bệnh nhân từng đến Ấn Độ hoặc đã tiếp xúc người thân trở về từ Ấn Độ", bác sĩ Qandagha Hassan, chuyên gia làm việc tại Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm Afghanistan - Nhật Bản, cho biết.
Ông Fazly Noordin, một nhân viên bệnh viện, cũng xác nhận "nhiều bệnh nhân gần đây trở về từ Pakistan và Ấn Độ".
Bệnh viện điều trị Covid-19 ở thủ đô Kabul đã quá tải bệnh nhân. Ảnh: Reuters. |
"Tình hình rất đáng lo ngại, đặc biệt sau những gì đã xảy ra ở Ấn Độ. Chúng ta cần áp đặt lệnh phong tỏa, chúng tôi đã đề nghị chính phủ dừng các chuyên bay với Ấn Độ", bác sĩ Hassan cho biết.
Lúc này, nhiều hãng hàng không vẫn tiếp tục hoạt động thường xuyên trên đường bay Kabul - New Delhi.
Afghanistan hiện nay không triển khai các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của virus corona, kể cả tại thủ đô Kabul - đô thị có mật độ dân cư đông đúc với dân số khoảng 6 triệu người.
Trong thời gian đầu đại dịch bùng phát, Afghanistan từng ban bố các lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc, giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đã ốm yếu.
Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, đặc biệt đối với người lao động được trả công theo ngày. Không ít người phải trở thành ăn xin.
Tại một đất nước nhiều năm chìm trong chiến sự, khi cơm áo gạo tiền và làm thế nào để tồn tại giữa mưa bom bão đạn mới là thách thức chính, thì đại dịch Covid-19 chỉ là vấn đề thứ yếu.
Bắt đầu quá tải
Ở Bệnh viện Afghanistan - Nhật Bản, bệnh nhân cứ nối tiếp nhau nhập viện. Một số người yếu đến mức không thể tự đi và phải có người thân trợ giúp. Một số người được đưa tới bằng taxi hoặc xe cấp cứu.
Các phòng bệnh luôn đông đúc. Khung cảnh ở bệnh viện này trở nên hỗn loạn. Đội ngũ nhân viên và y tá luôn phải tất bật chuẩn bị giường cho bệnh nhân mới, một số dọn dẹp giường bệnh cũ khi người bệnh đã tử vong.
Đa phần bệnh nhân hiện được sử dụng máy thở không xâm nhập, bác sĩ Hassan cho biết. Đội ngũ nhân viên ở bệnh viện đang chạy đua để tìm kiếm thêm nguồn dưỡng khí.
Những ngày qua, bệnh viện đã hoạt động quá tải. Bác sĩ Hassan lo ngại cơ sở vật chất và nhân lực tại bệnh viện sẽ không thể trụ được trong những tuần tới.
Một người mắc Covid-19 được điều trị trên giường chăm sóc tích cực. Ảnh: Telegraph. |
"Ngay cả khoa ngoại trú của chúng tôi cũng phải khám hơn 100 người mỗi ngày, và hơn 60% trong đó dương tính với virus corona", bác sĩ Hassan cho biết.
Bên ngoài bệnh viện, lều và nhà tạm được dựng lên để người thân bệnh nhân nghỉ ngơi. Có những gia đình đã ở lại bệnh viện suốt nhiều tuần.
Mohammed Safar, 46 tuổi, cho biết ông ngủ tại một trong những nơi ở tạm của bệnh viện gần một tháng, hy vọng mẹ mình có thể hồi phục.
"Cả gia đình tôi đã tới đây. Chúng tôi vào thăm mẹ hàng ngày", ông Safar nói.
Người phát ngôn Bộ Y tế, ông Nazari, thừa nhận Afghanistan sẽ điêu đứng nếu biến chủng B.1.617.2 lan rộng khắp cả nước.
"Bệnh nhân Covid-19 đã chiếm hết 1.500 giường bệnh chăm sóc đặc biệt trên cả nước. Con số này có thể tăn đến 3.500 trong thời gian ngắn", ông Nazari nói.
Ở một phía khác của thủ đô Kabul, bệnh viện tư nhân Al Hayat những ngày qua thành lập một bộ phận nhỏ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Tại đây, bệnh nhân phải trả từ 38-63 USD để điều trị, bao gồm chi phí sử dụng máy thở.
Với người dân một đất nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 560 USD năm 2020, khoản viện phí mỗi ngày nói trên là con số khổng lồ.
Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Jawad Noorzai, giải thích một số bệnh viện tư đã tiếp nhận điều trị các ca mắc Covid-19, bởi các bệnh viện công không đủ khả năng để xử lý tất cả số bệnh nhân.
"Chúng tôi đang đối mặt làn sóng dịch bệnh thứ ba. Chỉ vài tuần trước, các gia đình vẫn tổ chức ăn mừng lễ hội Eid al-Fitr cùng nhau. Và chúng tôi chứng kiến số ca bệnh tăng vọt từ khi đó", ông Noorzai cho biết.
Trong lễ hội Eid al-Fitr, nhiều người Afghanistan ở nước ngoài, trong đó có Ấn Độ, đã trở về đoàn tụ bên gia đình.
Lúc này, thiếu hụt dưỡng khí là một trong những lo ngại lớn nhất, bác sĩ Noorzai thừa nhận. Tình trạng này, nếu xuất hiện, sẽ mang lại thảm kịch tương tự những gì xảy ra ở Ấn Độ.
"Chúng tôi vẫn có thể mua được dưỡng khí trên thị trường. Nhưng tôi lo ngại kịch bản khi bệnh nhân nguy kịch tăng lên. Hiện nay, số ca mắc bệnh đã tăng vọt, và số người chết cũng vậy", bác sĩ Noorzai nói.