"Ông ấy gợi ý bác sĩ tiêm virus corona vào cơ thể mình ngay trên truyền hình để trấn an công chúng. Ông ấy phớt lờ cảnh báo về dịch bệnh. Khi đại dịch ập đến, Boris còn mải phân tâm về vấn đề riêng với vị hôn thê và con chó của bà ấy", Dominic Cummings, cựu cố vấn chính của Thủ tướng Anh Boris Johnson, kể về sếp cũ, theo New York Times.
Cummings là chiến lược gia đã đưa ông Johnson bước chân vào số 10 phố Downing, và kiến trúc sư trưởng sau chiến dịch rút nước Anh khỏi EU.
Tuy nhiên, bất đồng với vị đương kim thủ tướng khiến ông phải cay đắng rời nhiệm sở cuối năm ngoái.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Anh kéo dài 7 giờ đồng hồ hôm 26/5, ông Cummings công kích Thủ tướng Johnson ở nhiều phương diện, từ cuộc chiến chống dịch tới vấn đề cá nhân.
Qua lời kể của Cummings, chính quyền của Thủ tướng Johnson được miêu tả là tê liệt, hỗn loạn, bối rối và thiếu năng lực.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) và ông Dominic Cummings (trái). Ảnh: Getty. |
Phiên điều trần chấn động
Phát biểu trước quốc hội, ông Cummings - một quan chức không qua bầu cử nhưng lại từng là nhân vật quyền lực thứ 2 ở Anh - phơi bày những góc khuất bên trong công việc của chính phủ.
Đây là điều rất hiếm khi xảy ra trên chính trường xứ sở sương mù.
Vị cựu cố vấn tuyên bố chính quyền của Thủ tướng Johnson là một cơ quan hành chính "hèn nhát", trong khi đương kim thủ tướng là con người quá mức "thất thường".
Khi virus corona mới xuất hiện, Thủ tướng Johnson coi đại dịch chỉ là "câu chuyện kinh dị", một căn bệnh không khác mấy so với cúm lợn, ông Cummings tiết lộ.
Ông Cummings cho biết Bộ trưởng Y tế Matt Hancock khi đó thường xuyên nói dối về dịch bệnh. Ông này cũng đã chỉ đạo nhân viên y tế chuyển bệnh nhân cao tuổi từ bệnh viện tới các nhà dưỡng lão.
Nhiều người trong số này mang virus, tạo ra vô số ổ dịch tại các cơ sở dưỡng lão.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock. Ảnh: AP. |
"Vấn đề trong cuộc khủng hoảng y tế nằm ở chỗ chúng ta bị lãnh đạo bởi những kẻ bất tài, hết lần này đến lần khác", ông Cummings chỉ trích.
"Khi người dân cần chúng ta nhất thì chính phủ lại thất bại", ông Cummings nói, đồng thời cáo buộc cách ứng phó với đại dịch Covid-19 của London khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, dù đáng lý họ có thể được cứu sống.
Trong suốt năm 2020, Thủ tướng Johnson luôn tỏ ra miễn cưỡng khi phải quyết định có phong tỏa đất nước hay không.
Ngay cả sau khi mắc Covid-19, Thủ tướng Johnson vẫn hoài nghi về tầm quan trọng để áp đặt các biện pháp chống dịch mạnh tay, ông Cummings nói.
Đến tháng 9/2020, khi Thủ tướng Johnson kiên quyết từ chối phong tỏa đất nước một lần nữa khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 ập đến, ông Commings đe dọa từ chức để gây áp lực với cấp trên.
"Nếu tôi làm vậy sớm hơn, nhiều người có thể đã sống sót", ông Cummings nói.
Đối với Bộ trưởng Hancock, ông Cummings cho rằng có tới 20 lý do để sai thải quan chức đứng đầu hệ thống y tế của nước Anh.
Vì mục tiêu chính trị, Bộ trưởng Hancock liên tục nói dối, từ thực trạng cung cấp thiết bị bảo hộ y tế cho tới chương trình truy vết và xét nghiệm ca mắc Covid-19.
Một trong những sai lầm lớn nhất của Bộ trưởng Hancock là chuyển bệnh nhân cao tuổi từ bệnh viện tới các cơ sở dưỡng lão mà không tiến hành xét nghiệm virus corona, ông Cummings cáo buộc.
"Hancock nói với chúng tôi là họ sẽ được xét nghiệm trước khi trở về các cơ sở dưỡng lão. Nhưng thay vì bảo vệ họ, chúng ta lại gửi người mắc Covid-19 về các nhà dưỡng lão", ông Cummings nói.
Hôm 26/5, người phát ngôn phủ thủ tướng Anh cho biết Thủ tướng Johnson không tin Bộ trưởng Hancock đã nói dối.
Bạn gái ông Johnson can thiệp vào chính phủ?
Là nhân vật quan trọng của chính quyền Thủ tướng Johnson, ông Cummings không tránh khỏi liên đới trách nhiệm.
Cựu cố vấn thừa nhận ông sai lầm khi không sớm hành động khi nhận thấy việc chậm trễ ban bố lệnh phong tỏa có thể dẫn đến thảm họa cho nước Anh.
"Đúng là tôi đã hoảng sợ. Việc tôi hành động quá muộn là một thảm họa. Lý do căn bản là tôi quá sợ khi phải ra quyết định", ông Cummings thừa nhận.
Vị cựu cố vấn thừa nhận ông không đủ điều kiện giữ một vị trí quá nhiều quyền lực như vậy trong chính phủ.
Ông Cummings nói bản thân không giỏi toán và khoa học để có thể phối hợp với các nhà khoa học hàng đầu. Ông cũng thất bại khi cố gắng cải tổ hệ thống quan liêu của chính phủ Anh.
Ông Cummings tuyên bố hệ thống chính trị của nước Anh đang thực sự có vấn đề. Chính bộ máy này cho phép những chính trị gia như ông Johnson hay Jeremy Corbyn - cựu lãnh đạo đảng Lao động - là hai ứng viên cạnh tranh nhau vai trò thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử 2019.
"Những thông tin ấy không phải điều gì mới, nhưng ông Cummings đã xác thực điều mà rất nhiều chuyên gia từng nghi ngờ về những gì đang xảy ra ở số 10 phố Downing", Devi Sridhar, giám đốc chương trình y tế công toàn cầu tại Đại học Edinburgh, bình luận.
"Đó là một hệ thống thất bại toàn tập dưới tay vị thủ tướng coi thường mạng sống của các công dân", ông Sridhar cáo buộc.
Văn phòng thủ tướng Anh dưới thời Johnson được ông Cummings miêu tả là nơi hỗn loạn, và nhân viên thì nói đủ thứ chuyện phiếm.
Thủ tướng Johnson và vị hôn thê Carrie Symond. Ảnh: AP. |
Vị cựu cố vấn nhắc lại ngày 12/3/2020, ngày ông và các quan chức khác nhận ra chiến lược chống dịch ban đầu (cho phép virus lan rộng để sớm đạt miễn dịch cộng đồng) sẽ làm các bệnh viện quá tải và khiến hơn 250.000 người chết.
Khi các quan chức chuẩn bị cho những cuộc họp thảo luận phương án ứng phó dịch bệnh, London nhận được đề nghị từ chính quyền Mỹ đề nghị hỗ trợ tiến hành một chiến dịch không kích ở Iraq.
Đúng lúc hai cuộc khủng hoảng cùng ập đến, vị hôn thê của ông Johnson là Carrie Symonds lại hùng hổ chạy tới số 10 phố Downing để phàn nàn về một tờ báo đăng bài viết về bà cùng con thú cưng.
Cummings cũng cáo buộc ông Johnson để vị hôn thê can thiệp vào công tác nhân sự tại văn phòng thủ tướng.
Vị cựu trợ lý cho biết quan hệ giữa ông và Thủ tướng Johnson bắt đầu xấu đi từ tháng 7/2020, và "trở nên ngày càng tồi tệ sau lệnh phong tỏa vào tháng 10/2020".
Từ thời điểm này, Cummings nhìn thận ông Johnson "không phù hợp" với vị trí thủ tướng.
Ông Cummings thậm chí tuyên bố từng chính tai nghe Thủ tướng Johnson nói thà nhìn thấy "thi thể chất thành đống" còn hơn lần thứ 3 phải phong tỏa đất nước.
Cáo buộc này từ phía ông Cummings đã bị văn phòng thủ tướng Anh bác bỏ.
Khi các nghị sĩ quốc hội hỏi liệu Thủ tướng Johnson có phải nhà lãnh đạo phù hợp để dẫn dắt đất nước qua đại dịch, ông Cummings trả lời ngắn gọn: "Không".