Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tháo điểm nghẽn chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa

PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ góc nhìn về thể chế, chính sách và nguồn lực cho văn hóa Việt Nam. Ông cho biết công nghiệp văn hóa là vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Quochoi.

Trước thềm Hội thảo văn hóa 2022 do Quốc hội tổ chức với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa", PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, đã có những chia sẻ với Zing về những vấn đề được đặt ra đối với lĩnh vực văn hóa trong bối cảnh mới.

Ông cho biết công nghiệp văn hóa đang là một trong những chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm, nếu công nghiệp văn hóa phát triển, văn hóa sẽ có những tác động lan tỏa sang các lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế xã hội.

Văn hóa, nghệ thuật đang gặp nhiều điểm nghẽn

- Hội thảo văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá" sẽ bàn đến những vấn đề gì?

- Đây là một hội thảo quan trọng với nhiều lý do. Thứ nhất, thể chế, đặc biệt là luật pháp và chính sách, cũng như nguồn lực là những vấn đề quan trọng cho phát triển văn hóa. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, những vấn đề này gặp phải nhiều điểm nghẽn. Nếu chúng ta giải quyết được, văn hóa sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.

Ví dụ, đối với thể chế, cụ thể là luật pháp, chúng ta đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để hoàn thiện. Tuy nhiên, luật pháp trong lĩnh vực này vẫn còn một số vấn đề. Những luật đã ban hành cần được cập nhật để phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn của cuộc sống, vì cuộc sống bao giờ cũng thay đổi nhanh hơn luật.

Chúng ta đã có luật như Luật Di sản văn hóa, Luật Điện ảnh, Luật Sở hữu trí tuệ... tôi nghĩ những luật đó chưa hoàn toàn đủ và hoàn thiện cho bối cảnh mới. Chúng ta mới chỉ sửa được Luật Điện ảnh. Còn một số luật ở lĩnh vực khác cũng cần sửa đổi để việc thực thi luật không chỉ có tác dụng trong riêng một lĩnh vực mà còn phải có tác động đến những lĩnh vực khác, giúp cho xã hội phát triển.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần xây dựng một số luật mới để hình thành khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Ví dụ, chúng ta còn thiếu luật về nghệ thuật biểu diễn, luật về văn học, còn cần luật về hiến tặng và tài trợ cho văn hóa nghệ thuật (đơn cử như trường hợp ấn triều Nguyễn gặp khá nhiều rắc rối về mặt luật pháp khi thực hiện mua ấn, đem về Việt Nam). Vẫn còn nhiều bước để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Bên cạnh đó, chính sách cũng có khá nhiều điểm chưa phù hợp với bối cảnh mới. Tất nhiên, chính sách và luật thường có mối liên hệ với nhau.

- Chúng ta cần chú trọng vào những nguồn lực nào để phát triển văn hóa?

- Người làm văn hóa, nghệ thuật luôn mong huy động được nguồn lực cho phát triển văn hóa. Nhưng nguồn lực nhà nước có hạn và phải dành cho nhiều lĩnh vực khác nhau, lĩnh vực nào cũng quan trọng. Vì vậy, cần huy động thêm nguồn lực xã hội.

Tôi nghĩ cần có cơ chế tháo gỡ những điểm nghẽn đang tồn tại. Ví dụ, trong chính sách thuế, những ưu đãi thuế cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật còn yếu, dẫn đến các nhà tài trợ khi tài trợ cho lĩnh vực văn hóa ít khi được hưởng lợi. Rất khó khuyến khích, huy động nguồn tài trợ cho lĩnh vực văn hóa, trong khi giáo dục, y tế thì dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó còn có nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa. Lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là một lĩnh vực tinh tế. Nó liên quan đến sáng tạo, liên quan đến tài năng. Nếu sử dụng nguồn nhân lực như bao lĩnh vực khác, ta không khuyến khích được tài năng hay sự sáng tạo. Nếu để ý sẽ thấy những nghệ sĩ xiếc, múa, nhạc... họ học nghề từ rất sớm, nhưng đến khoảng ngoài 30, họ có thể không biểu diễn được nữa. Trong luật lao động, Nhà nước quy định tuổi nghỉ hưu là 60, vậy tôi đặt ra câu hỏi: Thời gian còn lại, những người nghệ sĩ trên làm gì, ở đâu?

Chính sách đào tạo cũng chưa thỏa đáng. Thay vì một thầy dạy nhiều trò, trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đôi khi nhiều thầy mới dạy được một trò. Hay còn lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, những loại hình nghệ thuật mới có thể đang thu hút hơn, nhưng tôi thấy nghệ thuật truyền thống phản ánh được văn hóa của chúng ta tốt hơn. Nếu để người làm nghệ thuật truyền thống theo cơ chế tự chủ, họ sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt kinh tế, thị trường.

van hoa nghe thuat anh 1

Hình ảnh trong Mắt biếc - phim chuyển thể tác phẩm văn học cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh: Galaxy.

Chính sách cho kinh tế văn hóa

- Theo ông, cần chính sách gì để phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta?

- Phát triển công nghiệp văn hóa là một xu thế lớn trên thế giới, khi các quốc gia mong muốn sử dụng tài năng sáng tạo của công dân, tạo nên sức mạnh cho đất nước. Tài năng sáng tạo, khác với than đá, dầu lửa, là một nguồn tài nguyên vô hạn. Vì lẽ này, nhiều quốc gia đã và đang quan tâm đến việc tận dụng tài năng nghệ thuật. Trên thực tế, nước nào làm được việc ấy sẽ có cơ hội phát triển nhanh hơn các quốc gia khác. Chúng ta cũng cần quan tâm nhiều hơn đến phát triển công nghiệp văn hóa.

Nhiều quốc gia đã và đang quan tâm đến việc tận dụng tài năng nghệ thuật. Trên thực tế, nước nào làm được việc ấy sẽ có cơ hội phát triển nhanh hơn các quốc gia khác.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Công nghiệp văn hóa mang theo rất nhiều lợi thế. Có 4 yếu tố cần quan tâm khi phát triển công nghiệp văn hóa: tài năng sáng tạo, nguồn lực văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra những sản phẩm văn hóa.

Với yếu tố đầu tiên, người Việt Nam vốn nổi tiếng là có nhiều tài năng, óc sáng tạo, cái thiếu là một môi trường để con người tỏa sáng, tạo ra được sản phẩm tôn vinh văn hóa nước nhà.

Về nguồn lực, chúng ta có 54 dân tộc anh em, trải qua hàng nghìn năm lịch sử chung sống với nhau, có rất nhiều câu chuyện, phong tục tập quán, lễ hội, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú. Nếu biết cách tận dụng những chất liệu này cho sản phẩm văn hóa, không những các sản phẩm sẽ có bản sắc, người làm nghệ thuật cũng sẽ có chỗ đứng tốt hơn, có sự tự tin để hội nhập văn hóa cùng thế giới.

Trong bối cảnh hội nhập, quốc gia nào không có bản lĩnh văn hóa, quốc gia đó sẽ dễ bị hòa tan. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Chính văn hóa tạo cho con người bản lĩnh và sự tự tin.

Hơn thế nữa, công nghiệp văn hóa sẽ tạo ra kinh tế văn hóa. Các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh, thời trang, du lịch văn hóa sẽ là chất xúc tác để tạo ra kinh tế cho đất nước. Ví dụ, một bộ phim như Parasite của Hàn Quốc, một ban nhạc như BTS đã tạo ra rất nhiều lan tỏa sang lĩnh vực kinh tế. Mỗi đêm nhạc của BTS đem lại 984 triệu USD cho kinh tế Hàn Quốc. Những bài học như thế cho chúng ta một mong muốn, một khao khát học tập kinh nghiệm của họ để phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Trong số 105 bài tham luận trong hội thảo lần này, có đến 2/3 số bài có nhắc đến công nghiệp văn hóa. Điều đó cho thấy chúng ta đang rất quan tâm đến mô hình này, muốn văn hóa không chỉ là một lĩnh vực tinh thần mà còn lan tỏa đến các lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp quốc gia, tạo ra niềm tự hào và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong những năm sắp tới.

- Ông kỳ vọng hội thảo sẽ đạt được những kết quả gì?

- Nếu hội thảo giải quyết được những vấn đề nêu trên, chúng ta sẽ tìm được cách phát triển văn hóa trong thời gian tới. Đây là hội thảo do Quốc hội tổ chức. Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Nếu những vấn đề không được Quốc hội thảo luận và đưa ra những kết luận để từ đó, Nhà nước dành ra sự quan tâm, định hướng chính sách, sẽ khó đạt hiệu quả hơn.

Vì thế, tôi hy vọng hội thảo lần này, các đại biểu sẽ thảo luận kỹ và đưa ra được những giải pháp, để có chính sách phù hợp hơn giúp phát triển văn hóa.

Giữ gìn và phát huy hệ giá trị dân tộc

Trong tham luận của mình, PGS.TS Bùi Hoài Sơn bàn về giải pháp giữ gìn và phát huy hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học của nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hà Nội có đủ điều kiện để xây dựng hệ sinh thái truyện tranh

Hệ sinh thái truyện tranh là chuỗi liên kết nghệ thuật có tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa. Và Hà Nội đang hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển chuỗi liên kết đó.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm