Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giữ gìn và phát huy hệ giá trị dân tộc

Trong tham luận của mình, PGS.TS Bùi Hoài Sơn bàn về giải pháp giữ gìn và phát huy hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học của nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

hoi thao van hoa anh 1

PGS.TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Công luận.

Về mặt khái niệm, giá trị là những đánh giá của con người về các hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy theo nghĩa tất cả những gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp, hay chính là các giá trị chân-thiện-mỹ giúp khẳng định và nâng cao chất Người.

Một khi những nhận thức giá trị ấy được hình thành và định hình, chúng sẽ chi phối mạnh mẽ suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và hành vi ứng xử của con người. Nhiều giá trị liên kết với nhau thì tạo thành hệ giá trị, trong đó các giá trị được cấu trúc theo một trật tự thứ bậc nhất định, có mối liên hệ mang tính lịch sử cụ thể để thực hiện một hay một số chức năng.

Tính cấp thiết phải xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam

Hệ giá trị đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa, xây dựng con người. Việc xác định hệ giá trị Việt Nam, dù là một việc làm khó khăn, vẫn phải thực hiện. Hệ giá trị được xem là những định hướng lớn cho sự phát triển con người và dân tộc Việt Nam.

Nhờ có những định hướng lớn này, chúng ta có thể huy động sự tập trung, thống nhất, đoàn kết, từ đó, giúp dân tộc ta đạt thắng lợi một cách thuận lợi hơn. Nhờ có định hướng giá trị, chúng ta mới có thể điều tiết được sự năng động, đa dạng của xã hội.

Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc xác định và ứng dụng hệ giá trị Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Khó khăn lớn nhất trong việc xác định hệ giá trị Việt Nam (hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người) đến từ sự đa dạng của chính xã hội.

Trên thực tế, trong Nghị quyết 33-NQ/TW, chúng ta đã xác định đầy đủ phẩm chất con người Việt Nam như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, đặc trưng của văn hóa Việt Nam: dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Ở phương diện nào đó, đây chính là hệ giá trị. Song sự đa dạng của xã hội không cho phép chúng ta hiểu và vận dụng một cách chung chung.

Có nghĩa là, yêu nước sẽ cần phải được hiểu khác nhau ở các nhóm đối tượng khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, công việc khác nhau. Yêu nước trong thời kỳ Covid-19 là ở nhà, yêu nước đối với người nông dân đôi khi đơn giản chỉ là làm tốt, có trách nhiệm đối với công việc đồng áng của mình, với học sinh đó là học thật giỏi để kiến thiết đất nước…

Như vậy, từ những giá trị chung, chúng ta cần cụ thể hóa hệ giá trị văn hóa Việt Nam thành những tiêu chí cụ thể, phù hợp, khả thi.

Nhìn chung, hệ giá trị văn hóa Việt Nam được thể hiện ở: Giá trị dân tộc được phản ánh qua cả nội dung và hình thức của nền văn hóa, thể hiện sự phong phú, độc đáo, sức sống của văn hóa dân tộc.

Giá trị dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện truyền thống văn hiến của dân tộc, được nuôi dưỡng từ mạch nguồn dân tộc. Đó cũng là nền văn hóa độc lập, tự chủ, không bị nô dịch, bị lấn át trước văn hóa ngoại lai, nhưng đồng thời có khả năng tiếp thu, “dân tộc hóa”, “Việt hóa” những ảnh hưởng tốt đẹp của văn hóa bên ngoài, làm giàu và nâng tầm văn hóa dân tộc ngang tầm thế giới và thời đại; Giá trị dân chủ là một giá trị tiến bộ của thời đại, đề cao các quyền tự do cá nhân, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do sáng tạo văn hóa, mọi công dân đều bình đẳng và được tôn trọng.

Người dân vừa là chủ thể vừa là khách thể của văn hóa, vừa là người sáng tạo vừa là người hưởng thụ các giá trị văn hóa; Giá trị nhân văn đề cao tình nghĩa, nhân ái, yêu thương con người, tôn trọng nhân phẩm, đặc trưng cho văn hóa Việt Nam vốn trọng tình cảm, thương yêu con người, đề cao tình nghĩa.

Trong khi đó, Giá trị khoa học là hướng các hoạt động xây dựng con người có thế giới quan khoa học, nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và xã hội học tập.

Bối cảnh xây dựng hệ giá trị

Trải qua quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài trong lịch sử, con người Việt Nam luôn được thử thách, tôi luyện, hun đúc để hình thành nên nhiều giá trị tốt đẹp. Giáo sư Trần Văn Giàu từng đưa ra 7 giá trị con người Việt Nam truyền thống tiêu biểu là: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa.

Những giá trị này trong một thời gian dài đã trở thành hằng số giúp dân tộc ta vượt qua bao khó khăn, thử thách, giữ vững nền độc lập trong các cuộc chiến chống ngoại xâm và đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng đất nước.

Năm 1943, Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời và được xem là một trong những định hướng chính sách quan trọng đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Sau gần 80 năm, những giá trị của bản Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sức sống của Đề cương trong xã hội đương đại.

Những nguyên tắc phát triển văn hóa như Dân tộc hóa - Khoa học hóa - Đại chúng hóa là những tiền đề để hình thành nên hệ giá trị dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, đang được bổ sung những nội dung mới, để làm phong phú thêm những giá trị văn hóa, tạo điều kiện phát triển bền vững đất nước.

Hiện nay, trong bối cảnh đất nước ta đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đang có những tác động lớn lao tới hệ giá trị con người Việt Nam. Bên cạnh những giá trị tốt đẹp tiếp tục được củng cố và phát huy thì cũng có không ít biểu hiện “lệch chuẩn”, hành vi “phản giá trị”, ứng xử vô văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống.

Những năm gần đây, sự xuống cấp về đạo đức, sự băng hoại về lối sống, sự tha hóa về nhân cách có chiều hướng gia tăng đang là những biểu hiện đáng lo ngại về sự đảo lộn các giá trị. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng chúng ta đang ở vào thời kỳ khủng hoảng các giá trị.

Giáo sư Phan Huy Lê từng nhận xét: “Chúng ta đang ở trong một giai đoạn khủng hoảng hệ giá trị nghiêm trọng. Đây là lúc hệ giá trị cổ truyền bị giải thể, giải cấu trúc, không còn nguyên giá trị và tính hệ thống, nhưng hệ giá trị mới lại chưa thành hình để có thể thay thế hệ giá trị cũ. Cái cũ thì giải thể, chưa được cấu trúc lại, cái mới chưa được xác lập. Đây đúng là giai đoạn quá độ, rối loạn từ trong hệ giá trị”.

Do vậy, vấn đề xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay đang đặt ra rất cấp thiết. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã đặt ra mục tiêu: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII cũng xác định nhiệm vụ: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” và đến Kết luận 76 của Bộ Chính trị một lần nữa cũng nhấn mạnh nhiệm vụ “Khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế".

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã kêu gọi: “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị văn hoá, khát vọng phát triển đất nước, sức mạnh con người Việt Nam”.

Gần đây nhất, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định yêu cầu: “phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”.

Cũng phải nói thêm rằng hệ giá trị nêu trên mới là “hệ giá trị tổng quát”, “hệ giá trị gốc”, “hệ giá trị chủ đạo”, mà từ đó có thể triển khai thành các “hệ giá trị bộ phận”, “hệ giá trị cụ thể”, “hệ giá trị phái sinh” cho sát hơn với từng đối tượng, thành phần, ngành nghề, lứa tuổi trong xã hội.

Có thể thấy, hệ giá trị này đã cố gắng kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời bổ sung những giá trị mới của nhân loại và thời đại nhằm hướng đến hiện đại, hướng ra thế giới và hướng tới tương lai.

Giải pháp giữ gìn và phát huy hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học

Xác định nội hàm cụ thể của hệ giá trị

Để xây dựng thành công hệ giá trị văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới đòi hỏi phải xác định được đúng đắn, xác đáng hệ giá trị mới, trên cơ sở khoa học và thực tiễn khách quan, tránh chủ quan, duy ý chí, hô hào suông. Điều đó đòi hỏi một cách tiếp cận hệ thống, tổng thể, đa chiều, vừa có được sự đồng thuận cao trong giới nghiên cứu khoa học và các nhà lãnh đạo, vừa được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ và thực hiện.

Chính vì vậy, cần phải tổng kết, đúc rút kết quả nghiên cứu của nhiều thế hệ các nhà khoa học đi trước, đồng thời tham khảo học hỏi kinh nghiệm quốc tế, vừa kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời tiếp thu các giá trị tiến bộ, phổ quát của nhân loại; vừa bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, vừa tiếp thu ý kiến của giới trí thức tinh hoa; vừa dựa trên các quan điểm lý thuyết vừa phải bám sát tình hình thực tiễn, trưng cầu, lắng nghe ý kiến nhân dân, vừa đáp ứng ý chí và kỳ vọng của tầng lớp lãnh đạo, vừa đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Vì thế, trước hết cần nhìn nhận, xem xét hệ giá trị văn hóa Việt Nam trên các chiều cạnh của bối cảnh trong nước và quốc tế:về kinh tế, đó là sự chuyển đổi từ cơ chế kinh tế bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường và nền kinh tế tri thức; về xã hội là sự chuyển đổi từ xã hội truyền thống nông nghiệp sang xã hội công nghiệp hiện đại, tiên tiến; về bối cảnh quốc tế là xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển vượt bậc của khoa học-công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...

Khi cụ thể hóa hệ giá trị văn hóa mới cần đặc biệt quan tâm đến xu hướng vận động của các giá trị trong những điều kiện mới, ở đó có 6 sự chuyển đổi quan trọng gồm: Chuyển từ coi trọng giá trị tinh thần sang coi trọng giá trị kinh tế; Chuyển từ coi trọng quyền lợi tập thể sang coi trọng quyền lợi cá nhân; Từ nặng cống hiến sang nặng hưởng thụ; Từ những mục tiêu lâu dài sang lo sống ngắn hạn; Từ thái độ chờ đợi phân phối sang chủ động tự đáp ứng nhu cầu; Từ chấp nhận bình đẳng, trọng nghèo thanh đạm sang chấp nhận phân hóa, trọng giàu chính đáng.

Bên cạnh đó, việc triển khai hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học rất cần cụ thể hóa bằng cách bổ sung các nội hàm mới của thời đại như: coi trọng tài năng cá nhân, đề cao học thức, chuyên môn, khoa học và công nghệ, đề cao sự sáng tạo và nhân văn, hướng tới tự do, dân chủ và hạnh phúc của con người. Hệ giá trị này còn được xem xét trên các yêu cầu khác biệt, đa dạng về cấp độ: các giá trị cá nhân, giá trị nghề nghiệp, giá trị xã hội, giá trị mang tính toàn cầu.

Hoàn thiện thể chế, chính sách

Do văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, tồn tại trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nên việc hoàn thiện thể chế, chính sách chính là cách chúng ta đưa hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn bộ xã hội. Có những thể chế, chính sách trực tiếp tác động đến việc hình thành và phổ biến của giá trị văn hóa; có những thể chế, chính sách tác động gián tiếp nhưng có tầm quan trọng không nhỏ đối với việc vận hành của các giá trị văn hóa.

Vì thế, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công-tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật... có tác dụng giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa.

Cụ thể hơn, hoàn thiện thể chế, chính sách để xây dựng hệ giá trị văn hóa phải tiến hành đồng thời với đổi mới phương thức lãnh đạo văn hóa, cần đổi mới tư duy quản lý văn hóa dựa trên tư tưởng về quyền văn hóa và tinh thần xây dựng hệ thống hành chính công hiện đại; từng bước xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mới theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hệ thống thể chế, đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng chủ chốt, phát triển nguồn nhân lực bậc cao, tổ chức một số hoạt động và sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia.

Đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội đồng thời giữ nghiêm kỷ cương, phép nước

Giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa cần dựa trên thực hành dân chủ hóa đời sống xã hội nhưng vẫn dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, theo đó người dân được thực hiện những điều pháp luật không cấm, đồng thời tôn trọng quyền của người khác và tôn trọng cộng đồng.

Pháp luật là văn hóa tối thiểu; Văn hóa là pháp luật tối đa. Tôn trọng các biểu đạt đa dạng của văn hóa, tránh máy móc trong việc áp dụng các mô hình phát triển văn hóa là một nguyên tắc quan trọng để giữ gìn và phát huy hệ giá trị.

Chính vì thế, giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học phải được xây dựng, hình thành và phát triển trên cơ sở thực hành dân chủ. Tôn trọng dân chủ trong đời sống xã hội qua các hình thức: dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp và tự quản ở cơ sở để đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực: kinh tế, xã hội, chính trị, tư tưởng, văn hóa… là cách chúng ta xây dựng niềm tin, hình thành nên các giá trị tốt đẹp trong xã hội.

Nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội, đội ngũ văn nghệ sĩ

Giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa cần dựa trên sự thực hành các giá trị đó. Trong bối cảnh xã hội rất phức tạp, khiến con người rất dễ phân tâm trong việc xác định định hướng giá trị của mình thì việc làm gương là một giải pháp quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Do tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội và đội ngũ văn nghệ sĩ là những người được nhân dân quan tâm, chú ý nên việc làm gương của họ có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và thực hành giá trị văn hóa.

Những năm vừa qua, dù có những hiện tượng tiêu cực vẫn xảy ra nhưng nhìn chung Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện rất tốt việc thực hành phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng viên có chất lượng bảo đảm với yêu cầu phát triển đất nước. Đây là bước đi quan trọng để chúng ta củng cố giá trị văn hóa.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị và hệ giá trị

Nhận thức đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng hành vi của con người, trong đó có giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa. Khi chúng ta hiểu rõ ý nghĩa, vai trò của hệ giá trị văn hóa trong việc phát triển con người, đất nước, chúng ta sẽ có những hành động phù hợp để giữ gìn và xây dựng những giá trị này. Để làm được điều đó, chúng ta nhất thiết phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa.

Việc tuyên truyền phải được thực hiện một cách sinh động, có nội dung phong phú, hình thức đa dạng trên nhiều phương tiện và môi trường khác nhau, đặc biệt chú ý đến môi trường mạng Internet, đặc biệt là các mạng xã hội. Việc tuyên truyền phải coi trọng nguyên tắc lấy cái tốt đẹp dẹp cái xấu, ác để tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển hành vi của con người.

Phát huy vai trò của các thiết chế gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng hệ giá trị

Hệ giá trị văn hóa không tồn tại chung chung, mà rất cụ thể trong những không gian nhất định như gia đình, nhà trường và xã hội. Trong xã hội học, đây là các môi trường xã hội hóa quan trọng nhất để hình thành nên nhân cách của con người.

Nếu trong gia đình, việc giáo dục, thực hành giá trị văn hóa là qua các bài học làm gương, thì trường học lại là những bài học mô phạm, sinh hoạt có tổ chức, còn xã hội thì thông qua luật pháp, các sự kiện và tuyên truyền khác.

Phát huy vai trò của các thiết chế này sẽ tạo điều kiện để các giá trị văn hóa được thực hành, từ đó định hình vững chắc trong đời sống xã hội. Điều quan trọng nữa là phải có sự đồng bộ giữa các thiết chế để những điều được truyền đạt, thực hành trong thiết chế này không bị mâu thuẫn trong các thiết chế khác.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần hình thành và củng cố các giá trị tốt đẹp

Xem xét mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng văn hóa và phát triển con người, theo đó, văn hóa là sản phẩm của con người, đồng thời con người là sản phẩm của văn hóa, trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Khoá XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW), Đảng ta nhấn mạnh xây dựng môi trường văn hóa là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm.

Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 đặt nhiệm vụ: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

Môi trường văn hóa là nơi lưu giữ các giá trị, chuẩn mực để giúp con người tự hoàn thiện bản thân, để phát triển và phát huy những năng lực bẩm sinh hướng tới cái chân, cái thiện, cái mỹ. Xây dựng môi trường văn hóa là hình thành những giá trị, chuẩn mực cụ thể trong từng lĩnh vực cuộc sống mà mỗi con người phải trải qua: đó là gia đình, nhà trường, cụm dân cư, cơ quan, đơn vị công tác.

Bối cảnh xã hội hiện nay, phát triển đất nước không thể thiếu những con người phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, giàu tinh thần yêu nước, trong sáng, lối sống trong sạch…

Những con người như thế chỉ có thể hình thành trong môi trường văn hóa lành mạnh. Đó chính là lý do tại sao, xây dựng môi trường văn hóa từ cơ sở trở nên quan trọng, tạo nền tảng phát triển văn hóa cho đất nước.

Khi chúng ta có môi trường văn hóa cơ sở lành mạnh, văn hóa sẽ trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển chung của xã hội, đạo đức, nhân cách cho mỗi cá nhân. Môi trường văn hóa lành mạnh sẽ giúp những hành vi đẹp, hành động tốt dễ đơm hoa, kết trái, đồng thời tạo ra sức đề kháng để những hành vi xấu, cái ác bị lên án, không thể tồn tại.

Phát huy vai trò, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật trong xây dựng giá trị.

Để giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa, chúng ta cần phát huy hơn nữa vai trò của văn học nghệ thuật trong việc củng cố các giá trị đạo đức xã hội, hướng con người tới những giá trị chân-thiện-mỹ. Những tác phẩm văn học nghệ thuật có đặc điểm tuyệt vời là hướng con người tới những giá trị tốt đẹp, từ đó truyền năng lực tích cực của cuộc sống cho mọi người.

Những bài học về đạo đức mà các loại hình nghệ thuật truyền thống đã giúp văn hóa, đất nước và con người Việt Nam trở thành niềm tự hào của châu Á. Để làm tốt điều này, chúng ta cũng cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phê bình văn học - nghệ thuật, không chỉ trên các phương tiện truyền thống, mà cả trên mạng xã hội, để định hướng thẩm mỹ cho nhân dân.

Để làm được điều đó, chúng ta cần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục nghệ thuật trong và ngoài nhà trường. Giáo dục nghệ thuật quan trọng không kém giáo dục về khoa học. Nếu giáo dục về khoa học cung cấp cho chúng ta kiến thức thì giáo dục nghệ thuật giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cái đẹp, tính thiện và chia sẻ tình yêu thương.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO, mục đích của giáo dục là: học để biết, học để làm, học để chung sống, và học để tự khẳng định mình. Chính vì thế, để tạo ra con người toàn diện, giáo dục nghệ thuật phải là một trọng tâm trong phát triển giáo dục ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng ta cần củng cố, thực hiện hiệu quả và thực chất các phong trào văn hóa - nghệ thuật. Khi các phong trào văn hóa - nghệ thuật đi vào thực chất, tránh giả dối, chạy theo thành tích, sẽ tạo được lòng tin của người dân về lợi ích của việc tham gia vào đời sống văn hóa văn nghệ.

Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để ngành văn hóa phát huy mọi tiềm năng văn hóa - văn nghệ của người dân. Khi mọi người dân đều mong muốn và có cơ hội tham gia vào các phong trào văn hóa - văn nghệ, chắc chắn hoạt động này sẽ có sức phát triển mới, tạo ra cơ sở tốt cho việc xây dựng thị trường các sản phẩm văn hóa nghệ thuật; từ đó, biến các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật thực sự trở thành động lực cho sự phát triển đất nước.

Tóm lại, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ mới có thành công hay không rất cần sự vào cuộc quyết liệt của tầng lớp lãnh đạo, sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ trí thức, sự tham gia của các gia đình, nhà trường và sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn xã hội.

Xây dựng hệ giá trị văn hóa thời kỳ mới là yêu cầu cấp thiết

GS.TS Đinh Xuân Dũng bàn về tính cấp thiết và những yêu cầu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đẩy mạnh kinh tế công nghệ của ngành xuất bản

Đại biểu tham dự hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản 2012 cho rằng cần tạo hành lang pháp lý để phát triển mảng kinh tế công nghệ trong xuất bản.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Bạn có thể quan tâm