Tin giả, thông tin xấu độc đặt ra thách thức cho người làm công tác báo chí, truyền thông. Ảnh: Sorbetto/Getty Images. |
Sự phổ biến của mạng xã hội hiện nay đặt ra những vấn đề về kiểm soát thông tin. Tin giả tràn lan, lượng thông tin quá nhiều dẫn đến tình trạng bội thực thông tin và sự mất niềm tin vào truyền thông ở công chúng. Điều này đặt ra khó khăn, thách thức cho người làm báo - người nắm giữ nguồn thông tin chính thống. Đó là những nhận định của PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang - Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền - tại tọa đàm khoa học "Quản trị khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực chính trị - xã hội ở Việt Nam hiện nay".
Bên cạnh PGS.TS Giang, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã nêu vấn đề, gợi ý giải pháp quản trị khủng hoảng truyền thông trong tọa đàm diễn ra chiều 16/11 ở Hà Nội. Tọa đàm do Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức.
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: N.C. |
Không thể tránh khủng hoảng và thiệt hại
Phát biểu tại tọa đàm, TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng ta không thể loại bỏ khủng hoảng và thiệt hại do khủng hoảng truyền thông gây ra. Mấu chốt là phải làm quen với việc sống chung với khủng hoảng.
Khủng hoảng truyền thông là nguy cơ tiềm ẩn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, khi Internet và mạng xã hội đang trở thành một yếu tố quan trọng, có tác động sâu sắc và mạnh mẽ đến phần đông dân số.
TS Phan Văn Kiền cho rằng tính dân chủ trong xã hội đang tăng cao, đồng nghĩa việc bất đồng quan điểm ngày càng nhiều. Các luồng quan điểm, luồng định hướng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội có thể dễ dàng "dắt mũi" công chúng. Vậy nên, nếu các cơ quan quản lý, bộ, ban, ngành không làm truyền thông tốt thì sẽ khó tạo được ảnh hưởng tích cực trong lĩnh vực chính trị.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự, truyền thông có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội: tác động đến nhận thức và dẫn đến thay đổi hành động của công chúng. Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhận định: "Truyền thông đồng trách nhiệm với chính trị". Ông tin rằng truyền thông có vai trò góp phần tạo sự đồng thuận, cộng lực của tất cả véctơ phát triển trong xã hội.
Ông Phạm Minh Tuấn cũng cho rằng trong thực tiễn, có những chính sách tốt, nhưng do truyền thông chưa tốt đã tạo ra các khủng hoảng gây bức xúc xã hội hoặc xáo trộn tổ chức, đơn vị.
Vì lẽ này, theo ông Phan Văn Kiền, người truyền thông chính trị cần chuẩn bị tâm thế cho khủng hoảng và ứng xử thận trọng trong mọi trường hợp kể cả khi không có khủng hoảng, đồng thời thường xuyên lắng nghe dư luận xã hội để biết công chúng đang nghĩ gì, từ đó có thể đối phó với khủng hoảng dễ hơn.
PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, tại tọa đàm. Ảnh: N.C. |
Chủ động trong việc xử lý khủng hoảng
Thông tin từ ban tổ chức tọa đàm, Việt Nam là một trong những quốc gia có số dân tham gia kết nối trực tuyến lớn tại khu vực ASEAN hiện nay. Số người sử dụng mạng xã hội là 72 triệu người, trong đó 61 triệu khách hàng có thể được tiếp cận thông qua quảng cáo trên Facebook, 5,4 triệu trên Instagram, 3,3 triệu trên LinkedIn và 1,27 triệu người qua Twitter.
Trong bối cảnh này, kỹ năng quản trị và xử lý khủng hoảng truyền thông cần phải trở thành một kỹ năng thiết yếu và thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật đối với các cấp quản lý, lãnh đạo và những người hoạt động, làm việc trong lĩnh vực chính trị - xã hội.
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu ra 6 hướng đi để ứng phó và quản trị hiệu quả khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực chính trị - xã hội ở Việt Nam hiện nay:
Một là xây dựng cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý đồng bộ, khả thi, sát thực tiễn và yêu cầu trong tình hình mới đối với công tác quản lý truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông.
Hai là chủ động dự báo sớm, nhận diện đúng, phản ứng nhanh, đấu tranh kịp thời, hiệu quả.
Ba là nâng cao năng lực xử lý, giải quyết khủng hoảng truyền thông bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, triệt để, tuân thủ pháp luật và có tính răn đe, cảnh tỉnh.
Bốn là nâng cao, chuyên nghiệp hóa và bài bản hóa năng lực khắc phục hậu quả khủng hoảng truyền thông.
Năm là tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, đánh giá thông tin của nhân dân trong môi trường thông tin phức tạp, nhất là trong không gian mạng.
Sáu là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, bản lĩnh và năng lực đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ, trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong trạng thái khủng hoảng.
Kiểm soát khủng hoảng truyền thông là kiểm soát rủi ro, đồng thời bảo đảm môi trường thông tin được sử dụng an toàn, lành mạnh, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ban tổ chức, kết quả của tọa đàm sẽ được tiếp thu để biên soạn và xuất bản cuốn sách chuyên khảo dùng làm tài liệu tham khảo về quản trị, kiểm soát khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực chính trị - xã hội ở Việt Nam hiện nay.