Ngày 10/7, tại Hội trường lớn Học viện Báo chí và Tuyên Truyền, 36 Xuân Thủy, Hà Nội, Khoa Xuất bản tổ chức hội thảo với chủ đề “Truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản”.
Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực truyền thông – xuất bản tại các cơ sở đào tạo, nhà xuất bản, doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm, đơn vị truyền thông tham luận về công tác truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực xuất bản.
Buổi hội thảo tập trung vào hai nội dung quan trọng. Một là những vấn đề lý luận về truyền thông xuất bản. Vấn đề thứ hai là về thực trạng truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản hiện nay.
Bà Vũ Thùy Dương (váy đen), đại diện ban tổ chức phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hứa Mộc. |
Trong chương trình hội thảo, nhiều khách mời, đại biểu quan trọng đã có mặt: Ông Phan Ngọc Chính – Giám đốc, Tổng biên tập NXB Tài chính, bà Đỗ Huyền Trang – đại diện Công ty CP sách Bách Việt, bà Trương Ngọc Lan – Phụ trách truyền thông NXB Phụ nữ Việt Nam…
Ngoài những vấn đề lý luận về truyền thông xuất bản, các đại biểu đã đề cập rất nhiều tới tình hình thực tiễn và những giải pháp mới đối với truyền thông xuất bản, đặc biệt là trong thời đại Internet và công nghệ số phát triển vượt bậc như hiện nay.
Bà Đỗ Huyền Trang, đại diện công ty CP sách Bách Việt cho rằng sách là một trong sáu hình thức truyền thông từ cổ xưa cho tới nay (sách, báo, truyền thanh, truyền hình, truyền miệng, quảng cáo). Nếu có thể tận dụng tốt, sách chính là “content”, là chất liệu tốt cho truyền thông marketing.
Sản phẩm marketing đặc biệt này có thể đem lại rất nhiều lợi ích. Trong đó có hai điều nổi bật nhất: “Đem đến cho độc giả trải nghiệm sản phẩm ngay trong content marketing” và “Có khả năng khảo sát và phân loại đối tượng độc giả”.
Bà Đỗ Huyền Trang , đại diện Công ty CP sách Bách Việt đưa ra ý kiến về tầm quan trọng của sách đối với truyền thông hiện đại. Ảnh: AJC. |
Dựa trên định hướng đó cùng những nghiên cứu về thị hiếu, thói quen của độc giả, Công ty CP sách Bách Việt đầu tư nhiều chất xám vào các khâu sản xuất sách, từ kích thước, dàn trang đến bìa, tít phụ… để có thể tối ưu hóa hiệu quả truyền thông qua chính sản phẩm.
Đối với thực trạng truyền thông và các giải pháp xử lý khủng hoảng truyền thông xuất bản, các đại biểu cũng nêu lên nhiều hướng đi mới, đặc biệt là những trải nghiệm khó quên trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Bà Trương Ngọc Lan, đại diện truyền thông của NXB Phụ nữ Việt Nam nêu lên ví dụ mà chính đơn vị này từng trải qua. Trong đợt dịch Covid-19, NXB Phụ nữ Việt Nam cũng như các đơn vị xuất bản khác đều phải đối mặt với những khó khăn lớn về doanh thu cũng như mô hình hoạt động.
Họ phải tập trung cho những đầu sách bán chạy nhất để có thể tối ưu hóa chi phí và doanh thu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra khi đó là sự xuất hiện của cuốn "Con đã về nhà" - Ký họa cách ly dịch Covid-19 của tác giả Tăng Quang.
Đó là sản phẩm chất lượng và có tính thời sự cao, tuy nhiên, đầu tư vào đó cũng đồng nghĩa với một thách thức đối với nhà xuất bản. Cho nên dự án phải đối mặt với rất nhiều ý kiến trái chiều, không đồng tình, đã có lúc tưởng chừng như cuốn ký họa xuất sắc này sẽ không thể trở thành sách.
Đến cuối cùng, NXB Phụ nữ Việt Nam vẫn quyết định tiến hành trong thời gian ngắn nhất để có thể đưa đến cộng đồng một tác phẩm ý nghĩa.
Kết quả, "Con đã về nhà" - Ký họa cách ly dịch Covid-19 ngay lập tức trở thành cơn sốt đối với độc giả Việt Nam trong và ngoài nước. Ngoài ra, sự kiện này cũng quyên góp được một số tiền để hỗ trợ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ông Phan Ngọc Chính, Tổng biên tập NXB Tài chính cũng đưa ra nhiều ví dụ về khủng hoảng truyền thông trong quá khứ và hiện tại.
Ông nhấn mạnh đến sức ảnh hưởng của truyền thông số tới khủng hoảng truyền thông cũng như tầm quan trọng của việc truyền thông đa nền tảng đối với các sản phẩm xuất bản.