Hội thảo “Đánh giá tình hình 7 năm thực hiện Luật Xuất bản năm 2012” khu vực phía Bắc do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục Xuất bản), Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức.
Đại diện các Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản, nhà xuất bản, công ty phát hành, doanh nghiệp in tham dự và cho ý kiến về luật (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013). Đến nay, luật này được sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó cục trưởng Cục Xuất bản - nói: “Hệ thống pháp luật về xuất bản (bao gồm lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm) đã cơ bản đồng bộ, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động xuất bản thời gian qua”.
Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế, xã hội và cuộc cách mạng 4.0, quá trình thực thi hệ thống pháp luật về xuất bản còn bộc lộ một số hạn chế.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - chủ trì hội thảo. Ảnh: Hải Trung. |
Cần quy định cụ thể với xuất bản điện tử, kinh doanh sách online
Hà Nội là nơi tập trung nhiều nhà xuất bản, cơ sở in, đơn vị phát hành và liên kết xuất bản sách. Hoạt động xuất bản sách trên địa bàn thành phố diễn ra sôi động, nhưng cũng ngày càng phức tạp, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cơ quan chỉ đạo, quản lý.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội - nêu hiện nay, nhiều doanh nghiệp chỉ kinh doanh, bán xuất bản phẩm online trên trang giao dịch thương mại điện tử. Địa điểm kinh doanh tại trụ sở chính có diện tích nhỏ, không thực hiện phát hành sản phẩm tại trụ sở.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, ban hành quy định cụ thể đối với việc đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm và loại hình kinh doanh sách online.
Trong khi đó, tham luận của đại diện Công ty Alpha Books đưa ra nhiều câu hỏi, phần nào cho thấy còn khoảng trống của Luật Xuất bản 2012: “Xuất bản phẩm dưới định dạnh sách giấy có được phép thực hiện format khác không? Nếu liên kết với đơn vịchưa có chức năng xuất bản điện tử, xuất bản phẩm đó sẽ được xử lý như thế nào?”.
Một số trang bán sách giả trên mạng xã hội. |
Quản lý xuất bản phẩm nhập khẩu
Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu sách báo Việt Nam (XUNHASABA) đưa ra một số kiến nghị trong việc cấp phép, quản lý nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu.
Đại diện đơn vị này kiến nghị luật cần quy định rõ kinh phí thuê chuyên gia thẩm định nội dung, đơn vị nào phải chi trả tiền thẩm định, trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề này. Họ cũng kiến nghị “giao cho doanh nghiệp tự trang trải chi phí trên và được tính vào giá thành xuất bản phẩm nhập khẩu phù hợp kinh tế thị trường".
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình - nêu bất cập trong việc quản lý xuất bản phẩm không kinh doanh. Khi doanh nghiệp nhập khẩu xuất bản phẩm, có dấu hiệu vi phạm, sở sẽ thành lập hội đồng thẩm định trước khi cấp giấy phép. Với số lượng nhập khẩu lớn (lên đến hàng nghìn), sở khó có thể dịch được toàn bộ nội dung, bao quát hết sách nước ngoài nhập khẩu.
“Có những trường hợp họ nói nhập về tặng cho cơ sở đào tạo tiếng Anh, nhưng thực tế nhập bán cho phụ huynh rồi”, bà Thái nói.
Với việc xem xét xử lý xuất bản phẩm nhập khẩu vi phạm, bà Nguyễn Thị Mai Hương cũng nêu một số bất cập. Đối với thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, Hà Nội cấp trung bình 6.000 giấy phép/năm.
Điều 41 Luật Xuất bản quy định về “xuất bản phẩm nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật”, nhưng các xuất bản phẩm nằm trong kho hải quan, đơn vị quản lý không cầm được xuất bản phẩm để thẩm định.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đề nghị làm rõ khái niệm “dấu hiệu vi phạm pháp luật” để các địa phương có cơ sở tiến hành kiểm tra xuất bản phẩm trước khi cấp giấy phép nhập khẩu.
Luật Xuất bản 2012 đã tạo hành lang pháp lý cho ngành sách phát triển trong 7 năm qua. Tuy vậy, một số điểm cần điều chỉnh. |
Mong rút ngắn thời gian nộp lưu chiểu
Theo đại diện Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, những năm qua, việc xác nhận đăng ký xuất bản đã khắc phục được tình trạng xếp hàng chờ đăng ký. Tuy nhiên, thời hạn xác nhận đăng ký 7 ngày, thời gian chờ đợi khá lâu, gây khó cho những bản thảo cần làm gấp.
"Chúng tôi mong có sự linh hoạt trong cấp giấy phép", đại diện Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật - nói.
10 ngày là quá dài, không đảm bảo tính thời sự của sách, làm lỡ cơ hội cạnh tranh, giảm hiệu quả kinh tế. Chúng tôi mong rút ngắn thời gian nộp lưu chiểu.
Đại diện NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật
Người này cũng cho rằng việc nộp lưu chiểu theo luật chậm nhất là 10 ngày trước khi phát hành.
“10 ngày là quá dài, không đảm bảo tính thời sự của sách, làm lỡ cơ hội cạnh tranh, giảm hiệu quả kinh tế. Chúng tôi mong rút ngắn thời gian nộp lưu chiểu”, vị này nói.
Đối với nạn sách lậu đang hoành hành, đại diện Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật cho rằng cơ quan quản lý cần có chế tài mạnh, phạt nặng, rút giấy phép kinh doanh.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành - đánh giá cao việc đại biểu đã nêu ra, thảo luận thẳng thắn về 4 vấn đề chính.
Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản đề nghị các đơn vị tiếp tục tham gia gửi ý kiến về Luật Xuất bản 2012 qua email để có những nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh phù hợp.