-
"Ứng dụng công nghệ, đưa sách ra thế giới"
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - nói ông vui mừng khi nghe nhiều ý kiến, góp ý tại hội thảo hôm nay.
"Rõ ràng thủ tục hành chính thời gian qua đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn cần cải cách thêm nữa. Về cắt giảm thủ tục hành chính, chúng tôi đã giảm nhiều thủ tục. Hoạt động in giảm 17 thủ tục, hoạt động xuất bản, phát hành sửa đổi 4 thủ tục kinh doanh, đơn giản 6 thủ tục kinh doanh, cắt giảm 1 và đơn giản 6 thủ tục hành chính".
Trao đổi lại ý kiến xóa bỏ quyết định phát hành, ông Nguyễn Nguyên nói điều này khó. Quyết định phát hành để biết sau thời gian lưu chiểu có thể đảm bảo nội dung xuất bản phẩm. “Nếu không thực hiện khâu này, chúng ta thả nổi chất lượng sách. Riêng thực hiện cấp quyết định phát hành là yêu cầu cần thiết. Việc cần làm của chúng ta là cải thiện thủ tục để rút ngắn thời gian cấp quyết định này”, Cục trưởng Cục Xuất bản nói.
Liên quan đến vấn đề ISBN, thời gian tới cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, đã đến lúc cần nghiêm túc đánh giá, tránh lãng phí, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này. Về căn cứ pháp lý cho xuất bản, sang năm 2020 sẽ sơ kết đánh giá quá trình làm luật Xuất bản mới.
“Rõ ràng luật Xuất bản 2012 là căn cứ tốt để chúng ta triển khai, là động lực xuất bản phát triển”, ông Nguyễn Nguyên đánh giá. "Xuất bản điện tử là vấn đề chúng ta cần tập trung trong thời gian tới. Phải tạo sân chơi, tạo điều kiện để NXB tham gia sân chơi này. Hiện nay với sự phát triển của các công cụ như smart phone, máy tính bảng… thì chúng ta phải triển khai thế nào để chỉ cần mỗi smart phone có một cuốn sách, thì chúng ta đã có 60 triệu sách".
Về đầu tư hỗ trợ xuất bản, ông Nguyễn Nguyên nói nên xem xét theo phương pháp Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ông cho biết đã có tập đoàn trích 2% doanh thu một năm của họ để hỗ trợ xuất bản. Nhiều dự án xuất bản khác cũng đang xem xét triển khai.
Ông Nguyễn Nguyên chia sẻ khát vọng muốn đưa sách Việt Nam đến với thế giới bằng nhiều cách, "Làm thế nào để sách chúng ta bước ra thế giới?". Thông qua những hội chợ sách quốc tế như Frankfurt (Đức), Cục Xuất bản đang nỗ lực với nhiều hoạt động để biến khát vọng vươn tầm thế giới của sách Việt trở thành hiện thực.
-
"Có những loại hình sách có thể cấp phép trong 24h"
Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty sách Alpha - mong muốn có thêm nhiều hơn nữa những hội thảo, để cùng bàn bạc về các vấn đề, tìm giải pháp phát triển ngành xuất bản.
Không gian cho cải cách, cắt bỏ thủ tục hành chính xuất bản còn rất lớn. Chúng ta có thể sử dụng công cụ (AI, platform...) cho cấp phép, phê duyệt bản thảo để thuận tiện hơn, có những loại hình có thể cấp phép trong 24h. “Các ý kiến, đề xuất, trao đổi hôm nay rất hay. Tôi đề nghị chúng ta thành lập một nhóm làm việc, để những gì chúng ta nói hôm nay trở thành sự thật, áp dụng trong thực tiễn xuất bản”, ông Cảnh Bình nói. Ông Cảnh Bình nói tỷ phú giàu hạng nhất thế giới hiện nay xuất thân từ ngành sách (tỷ phú Jeff Bezos của Amazon). Vì thế, những người làm sách cần lạc quan, cùng nhau kiến tạo ngành sách phát triển. -
Thành lập nhà sách công nghệ
Ông Hoàng Duy Thịnh - Giám đốc Fahasa tại Hà Nội - cho biết công ty đang đầu tư công nghệ cho hệ thống nhà sách của mình. Theo đó, bạn đọc đến mua có thể tra cứu thông tin, vị trí của cuốn sách trong nhà sách.
Với công tác phát hành, ông Thịnh nói hiện nay có nhiều đầu sách không được lưu hành mà các nhà sách chưa được rõ: "Vì thế tôi kiến nghị công khai trên website những xuất bản phẩm vi phạm để những người phát hành biết và loại bỏ khỏi hệ thống nhà sách”. -
Audio book đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới
Bà Trần Phương Thảo - Phó tổng giám đốc công ty Thái Hà Books - nói về thực tiễn xuất bản trên thế giới. Thị trường xuất bản toàn cầu 2018-2022 dự kiến đạt doanh thu khoảng 356 tỷ USD vào năm 2022. Xu thế ngày càng phổ biến là các NXB chỉ in sách sau khi nhận được đơn đặt hàng. Một xu thế đang phát triển mạnh mẽ đó là tự xuất bản sách qua Amazon. Tự xuất bản, tác giả tự quyết định khi nào sẽ ra sách. Họ không cần thông qua NXB, công ty mà chỉ cần mã ISBN để tự xuất bản.
Vì thế các NXB cung cấp nền tảng thu hút các tác giả tự làm sách. Ở Mỹ - quốc gia số một về xuất bản - audio book đang tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2018 tăng 181,8% doanh thu so với 5 năm qua. Ở nước Anh, doanh thu audio book cũng tăng. Phần lớn các nước trên thế giới, không cần bất cứ giấy phép nào từ phía nhà nước để cho phép xuất bản sách. NXB chỉ tập trung vào việc xuất bản sách phục vụ độc giả. Các đơn vị xuất bản phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với sách mình làm ra. Chính phủ kiểm soát nội dung xuất bản phẩm bằng cách ban hành luật, chỉ rõ những nội dung bị cấm trên xuất bản phẩm. Đại diện Thái Hà Books đưa ra một số kiến nghị, quan trọng nhất là kiến nghị bỏ giấy phép phát hành, kiến nghị bỏ hợp đồng ba bên giữa nhà in - nhà xuất bản - đơn vị liên kết. Thái Hà Books cũng gửi gắm mong muốn kiến tạo hệ sinh thái cho ngành Xuất bản Việt Nam, trong đó cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xây dựng quỹ hỗ trợ dịch thuật, phía các nhà Xuất bản In và Phát hành, Hội In, Hội Xuất bản đưa ra những quy chế hoạt động cho các đơn vị thành viên, bảo vệ các hoạt động kinh doanh lành mạnh của các thành viên trong hội và phía các kênh truyền thông thì tiếp cận thông tin một cách đa chiều. -
"ISBN là tài nguyên, cần tiết kiệm từ bây giờ"
Ông Nguyễn Kiểm - Nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, nguyên Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nói về mô hình tổ chức của NXB. Hiện nay các NXB hoạt động theo hai mô hình: đơn vị sự nghiệp công lập có thu và công ty TNHH một thành viên do Nhà nước hoặc các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và các tổ chức khác làm chủ sở hữu. “Nếu ta coi NXB như doanh nghiệp thì quyền lợi của biên tập viên phải giải quyết ra sao”, ông Nguyễn Kiểm nêu vấn đề.
Theo ông Nguyễn Kiểm, Nhà nước nên cụ thể hóa cơ chế chính sách hỗ trợ các NXB. Nguyên Phó chủ tịch Hội Xuất bản nói: “Cần có chính sách hỗ trợ với việc quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài. Indonesia có dự án chi 4 triệu USD để dịch nhiều sách của họ giới thiệu ở Hội sách Frankfurt. Tại sao ta không đầu tư quảng bá cho sách Việt?”. Về ISBN (mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách), ông Nguyễn Kiểm đưa quan điểm: “ISBN giống như một nguồn tài nguyên quốc gia, nó có giới hạn và nhiệm vụ của các NXB là phải sử dụng tài nguyên này cho xứng đáng. Nếu sử dụng phung phí, mã số hết sớm sẽ phải xin cấp lại mã mới và sẽ phải chờ khá lâu và tốn kém”. Ông Nguyễn Kiểm cho rằng mã ISBN phải được dùng tiết kiệm ngay từ bây giờ. -
Đề nghị chỉ thực hiện đăng ký xuất bản bằng phương thức điện tử
Ông Trần Chí Đạt - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Thông tin và Truyền thông - đề xuất một số nội dung cải cách trong thủ tục hành chính. Đầu tiên, việc báo cáo định kỳ nên bổ sung hình thức gửi báo cáo bằng văn bản điện tử. Hiện nay báo cáo bằng văn bản giấy, có chữ ký cá nhân lãnh đạo và con dấu. Cách thức ký duyệt bản thảo hoàn chỉnh của giám đốc, tổng biên tập, đề nghị sử dụng chữ ký số điện tử của đơn vị.
“Tôi đề nghị chỉ thực hiện đăng ký xuất bản và gửi xác nhận đăng ký xuất bản bằng phương thức điện tử để tiết kiệm thời gian và chi phí văn phòng phẩm”, ông Trần Chí Đạt nói. Hiện nay đăng ký xuất bản phẩm điện tử chỉ có một định dạng, nhưng thực tế mỗi cuốn sách điện tử có nhiều phiên bản, ví dụ pdf, epub… Ông Đạt cho rằng nên có mã ISBN riêng cho sách điện tử. Khó khăn trong việc xuất bản sách điện tử xuất phát từ nhiều khúc mắc. Hiện nay một NXB muốn làm sách điện tử phải đầu tư rất nhiều trang thiết bị, tốn kém, trong khi tiềm lực của nhiều NXB không đủ đáp ứng. Đầu tư nhân lực công nghệ thông tin cũng đòi hỏi cao, trong khi nhân lực của NXB về công nghệ còn yếu. “Vì thế tôi đề nghị có thể cho các NXB thuê hạ tầng, thuê dịch vụ làm sách điện tử từ công ty công nghệ. Như vậy các NXB mới có thể tháo gỡ làm sách điện tử thuận lợi”, ông Trần Chí Đạt đề xuất.
-
Kiến nghị chỉ cấp một mã ISBN chung cho một đầu sách
Ông Nguyễn Nhật Anh - Giám đốc công ty sách Nhã Nam - nêu thực trạng một cuốn sách có nhiều mã ISBN (mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách). Hiện nay mỗi cuốn sách xin cấp phép xuất bản với một lượng bản sách sẽ được cấp một mã ISBN. Khi in hết số lượng bản sách như đã đăng ký, mà sách cần tái bản, nối bản thì phải xin cấp phép mới, có mã ISBN mới. Điều này dẫn tới hiện trạng một cuốn sách có nhiều ISBN. “Với những cuốn long-seller, như Nhật ký Đặng Thùy Trâm chẳng hạn, có đến mười mấy mã ISBN. Giống một người có nhiều chứng minh thư, điều này khiến sách bị loạn. Tôi kiến nghị xem xét mã ISBN được cấp một lần đối với một tác phẩm", ông Nhật Anh nói. Trên thực tế nhiều dịch phẩm là công trình chung của nhiều dịch giả, nếu phải viết tên cả tập thể lên bìa sách thì khó”, ông Nhật Anh nói.Đại diện công ty Nhã Nam cũng đề nghị xóa bỏ giấy phép đối với sách nối bản. Vì sách nối bản đã qua đọc, duyệt ở lần in đầu, lần in sau nên bỏ để giảm thiểu thủ tục hành chính. “Chúng tôi gặp lúng túng trong việc ghi tên dịch giả lên bìa sách. Các xuất bản phẩm ở quốc gia khác không ghi tên dịch giả trên bìa, nhưng sách của chúng ta có quy định phải ghi. Với công ty liên kết, các công ty có quyền biên tập sơ bộ mảng sách không phải hồi ký, lịch sử, tôn giáo… Mặc dù Cục Xuất bản đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng biên tập viên cho công ty tư nhân, có giấy tờ chứng nhận biên tập viên của khối công ty liên kết. Nhưng trên thực tế chúng tôi chưa có biên tập viên nào được cấp chứng chỉ. Điều này khiến chúng tôi chạnh lòng trong làm sách, vì biên tập viên không được chính danh.
-
Đề xuất dựng cổng thông tin điện tử chung ngành Xuất bản
Bản tham luận của ông Kim Quang Minh, Chủ tịch kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam, đề xuất xây dựng cổng thông tin điện tử.
Với sách, bản thảo của xuất bản phẩm được biên tập viên trực tiếp biên tập trên hệ thống, duyệt bản thảo trên hệ thống và cấp số để phát hành. Với bản đồ, các lớp bản đồ nền được đặt tại hệ thống xuất bản điện tử của NXB, bản đồ nền do các biên tập viên NXB biên tập và phát hành ra bên ngoài dưới dạng dịch vụ. Các khách hàng sử dụng dịch vụ này chồng xếp các lớp bản đồ của đối tác vào trong các ứng dụng của họ như GIS Chính phủ, atlas Bình Dương, Lào Cai... và phát hành ra Internet. Điều này giúp NXB kiểm soát tốt được toàn bộ nội dung của xuất bản phẩm, nhanh chóng gỡ bỏ (nếu phát hiện sai sót) hoặc khôi phục phát hành lại được xuất bản phẩm. Ông Kim Quang Minh đề xuất ngành xuất bản, in và phát hành nên xây dựng một cổng thông tin điện tử của ngành (Cổng thông tin điện tử Xuất bản, In và Phát hành). Cổng này cho phép tác giả, các biên tập viên, các nhà xuất bản, Cục Xuất bản, In và Phát hành, chuyên viên Bộ Thông tin và Truyền thông truy cập, sử dụng để thực hiện điều hành tác nghiệp (thực hiện các thủ tục hành chính và dịch vụ hỗ trợ xuất bản, in và phát hành). Các cửa hàng, nhà sách, độc giả truy cập cổng để tìm kiếm, tra cứu thông tin về quá trình xuất bản (tác giả, nhà xuất bản, công ty in ấn, mã xuất bản...) của các xuất bản phẩm. -
"Hoàn thiện cấp phép cho NXB làm sách điện tử"
Bà Đinh Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM - đưa ra một số kiến nghị tháo gỡ thủ tục hành chính trong xuất bản trước yêu cầu cách mạng công nghệ 4.0. Bà nói hiện nay việc chờ đợi giấy xác nhận đăng ký xuất bản khá lâu, làm chậm quá trình xuất bản sách. Bà kiến nghị xem xét việc cho phép các nhà xuất bản trên Quyết định xuất bản không cần ghi rõ số và ngày tháng công văn mà chỉ cần ghi số xác nhận đăng ký.
Đại diện NXB Tổng hợp TP.HCM cũng nói về sản xuất ebook hiện nay. Bà nói NXB Tổng hợp TP.HCM tham gia xuất bản và phát hành sách điện tử từ tháng 10/2012. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được chính thức cấp phép hoạt động. Bà kiến nghị cơ quan quản lý hoàn thiện bộ thủ tục hướng dẫn theo quy định để các NXB có thể đưa ebook tới bạn đọc.
-
"Cải cách hành chính trong ngành Xuất bản là cần thiết"
Ông Phạm Chí Thành - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật - nói hội thảo lần này về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, phát hành là hết sức kịp thời, có ý nghĩa và cần thiết.
Xuất bản là một trong những ngành chịu tác động sâu sắc của cách mạng công nghệ 4.0. Nó mở ra những cơ hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức. Về cơ hội, cuộc cách mạng 4.0 giúp NXB tiếp nhận phong phú nguồn bản thảo, đa dạng về đầu vào. Biên tập viên thuận tiện trong tra cứu, kiểm chứng thông tin, bộ phận in ấn nhanh hơn. Từ đó giúp NXB giảm thiểu nhân lực, tăng hiệu quả. Về thách thức, thời nay, các tác giả chủ động tiếp cận độc giả qua Internet, tác động trực diện tới hoạt động các NXB.
-
Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phát biểu đề dẫn hội thảo
Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn An Tiêm - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nói hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, phát hành nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghệ 4.0” nhằm cung cấp những luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn của hoạt động xuất bản, phát hành cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý Nhà nước xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách phù hợp với tính đặc thù của ngành và yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để giúp ngành xuất bản không ngừng phát triển mạnh mẽ theo kịp sự phát triển của khu vực và thế giới.
-
Hội thảo cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, phát hành
Hội thảo khoa học “Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, phát hành nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghệ 4.0” diễn ra sáng 9/10 tại Hà Nội. Chương trình do Hội Xuất bản Việt Nam chủ trì phối hợp với Vụ Báo chí Xuất bản, Cục Xuất bản, In và Phát hành, nhà xuất bản (NXB) Chính trị Quốc gia Sự thật và các cơ quan liên quan tổ chức. Hội thảo thực hiện để chào mừng ngày truyền thống của ngành Xuất bản Việt Nam 10/10.
Trong những năm qua, việc xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản cũng từng bước đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, xây dựng được nhiều mô hình mới, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính để giảm tối đa thời gian, chi phí của các nhà xuất bản, doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm và các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản.
Tuy vậy, trước những yêu cầu, đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, phát hành tiếp tục cần được cải cách, chuyển đổi sâu sắc hơn nữa.
Hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, phát hành nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghệ 4.0” được thực hiện kỷ niệm chào mừng ngày truyền thống của ngành Xuất bản Việt Nam 10/10.
Chương trình diễn ra ngày ngày 9/10 tại NXB Chính trị Quốc gia Sự thật (Cầu Giấy, Hà Nội). Tham gia chương trình có ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và và Phát hành, ông Nguyễn An Tiêm - Phó chủ tịch hội Xuất bản Việt Nam cùng đông đảo đại diện các NXB, công ty sách liên kết, đơn vị phát hành.
Chương trình là nơi các đại biểu nêu ý kiến, trao đổi về những vấn đề của thủ tục hành chính trong xuất bản. Các tham luận tập trung bàn vào những nội dung chủ yếu: Yêu cầu cấp thiết của cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, phát hành trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bàn cách ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết những thủ tục hành chính trong xuất bản. Phản ánh, đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết.
Đề xuất kiến nghị giải pháp căn bản nhằm đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả trong thủ tục hành chính của xuất bản. Những người làm xuất bản bày tỏ sự lạc quan với tương lai ngành sách, kiến nghị lập nhóm tiếp tục bàn thảo, hành động để cải cách, giúp ngành sách phát triển.