Thể loại khoa học viễn tưởng đã được đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông. Ảnh: WIRED. |
Khoa học viễn tưởng là một thể loại thường bị gắn mác nặng giải trí, ít giá trị nghệ thuật. Trên thế giới, dòng văn học này cũng mất nhiều thời gian để có một chỗ đứng vững vàng trong dòng chảy văn học và đến nay, đã trở thành một trong những thể loại ăn khách bậc nhất.
Trong buổi tọa đàm “Văn học khoa học viễn tưởng: Từ trang sách đến bài học” tổ chức tại Viện Văn học hôm 17/11, các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh đến lịch sử và sự phát triển đa dạng của mạng lưới văn học khoa học viễn tưởng tại Việt Nam, đồng thời giới thiệu mô hình phân phối chương trình những tác phẩm văn học khoa học viễn tưởng được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam hiện nay.
Tiến độ phát triển của văn học khoa học viễn tưởng tại Việt Nam
Theo TS Nguyễn Thị Minh Thương, Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, truyện khoa học viễn tưởng Việt Nam có lịch sử phát triển muộn hơn, vì vậy, diện mạo chưa được đa dạng, dung lượng vừa phải, kết cấu cốt truyện tương đối đơn giản.
Một trong những đại diện tiêu biểu sớm ở Việt Nam mà TS Ngô Bích Thu, Phó trưởng Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông đa phương tiện, Đại học Hòa Bình, chỉ ra được là Viết Linh (1931-2021). Theo bà, Viết Linh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Edgar Allan Poe, sử dụng cùng những chủ đề cốt truyện như người đẹp sống lại, thôi miên, khám phá hành tinh khác.
Nhà nghiên cứu cho rằng Edgar Allan Poe là cha đẻ của truyện khoa học viễn tưởng phương Tây, nên rất nhiều nhà văn trên thế giới chịu ảnh hưởng từ kỹ thuật cũng như tư duy viết của ông, chứ không riêng gì Việt Nam.
Xét về tính khoa học của dòng văn học khoa học viễn tưởng Việt Nam, TS Nguyễn Thị Minh Thương cho rằng cốt truyện, nhân vật và kiến thức khoa học trong các tiểu thuyết còn tương đối đơn giản, chủ yếu hướng đến đối tượng tiếp nhận là độc giả nhỏ tuổi.
Trong khi đó, nhìn sang nước láng giềng là Trung Quốc, có tác phẩm như Tam thể của Lưu Tử Hân đã vận dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật như vật lý vi sinh, lượng tử, trí tuệ nhân tạo…
Dưới góc nhìn chủ nghĩa hậu nhân văn của ThS Đặng Thị Thái Hà, Nghiên cứu viên, phòng Văn học Việt Nam đương đại, Viện Văn học, thể loại khoa học viễn tưởng nói chung mang tới một góc nhìn cảnh báo, phần nào phản ánh nỗi sợ của con người trước sự phát triển không kiểm soát của công nghệ. Một motif thường thấy trong thể loại này là con người đụng độ một chủng loài xa lạ và xảy ra tranh đấu, bạo lực.
Trên thế giới, motif này vẫn còn rất phổ biến, tuy cũng đã có những sáng tạo phá cách, mang tới một góc nhìn khác nhân văn hơn, có tính chiêm nghiệm hơn. Ở Việt Nam, phần đông các tác phẩm thuộc thể loại này vẫn theo motif cũ, motif đụng độ, chiến tranh.
Tọa đàm thu hút nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn học. Ảnh: Viện Văn học. |
Nội dung được quan tâm tại trường học
Chia sẻ tại tọa đàm, TS Nguyễn Thị Minh Thương cho biết giáo dục đổi mới từ năm 2018 đã đưa truyện khoa học viễn tưởng vào giảng dạy ở các cấp phổ thông, cụ thể là lớp 5 và lớp 7. Trong chương trình lớp 5, học sinh được yêu cầu đọc ngữ liệu về truyện viễn tưởng. Chương trình giảng dạy lớp 7 thì yêu cầu học sinh nhận biết đặc điểm thể loại văn học khoa học viễn tưởng như đề tài, sự kiện, tình huống, cốt truyện, không gian, thời gian, nhân vật…
Bà cho biết thêm rằng trong danh mục văn bản gợi ý chương trình giáo dục phổ thông 2018 có tác phẩm Hai vạn dặm dưới đáy biển của Jules Verne. Bên cạnh đó, trong 3 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Cánh diều và Chân trời sáng tạo, có 10% viết về nội dung khoa học viễn tưởng. Điều đó cho thấy truyện khoa học viễn tưởng đã trở thành nội dung được quan tâm và coi trọng.
Bà Nguyễn Thị Minh Thương liệt kê một số đoạn trích trong sách giáo khoa như Cuộc chạm trán trên đại dương, Đường vào trung tâm vũ trụ, Chiếc đũa thần, truyện Bạch tuộc, Chất làm gỉ, Nhật trình Sol 6, 100 dặm dưới lòng đất, Dòng “sông đen”, Xưởng sô-cô-la, Trái tim Đan-kô, Một ngày của Ích-chi-an.
Sự lựa chọn của mỗi bộ sách khác nhau, dù vậy, vị tiến sĩ quan sát thấy phần lớn các đoạn trích là từ các tác phẩm văn học kinh điển nước ngoài. Bà trích lời lý giải của TS Đỗ Ngọc Thống, theo đó, các tác phẩm văn học viễn tưởng ở Việt Nam còn chưa phát triển, khó tìm ra một tác phẩm để giúp học sinh nhìn ra rõ nét thể loại. Mục tiêu của chương trình đặt ra là giúp học sinh sau khi học sẽ nhận diện được đặc điểm nổi bật của thể loại này, nên người soạn sách chọn các tác phẩm kinh điển nước ngoài cho các em đọc.
Đoạn trích trong tác phẩm Thiên mã được đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông. Ảnh: K.Đ. |
Có một văn bản trích trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống là được trích từ tác phẩm Thiên mã của nhà văn Việt - Hà Thủy Nguyên. Đó là đoạn trích Đường vào trung tâm vũ trụ. Bà Nguyễn Thị Minh Thương bày tỏ sự thích thú trước sự lựa chọn này, đồng thời đánh giá cao đoạn trích Đường vào trung tâm vũ trụ.
Bà cho rằng đoạn trích này có motif giải đố, tạo sự hồi hộp, kịch tính, thu hút người đọc vào hành trình phiêu lưu, khám phá cùng nhân vật.
Nhìn chung, các đoạn trích trong sách giáo khoa nhấn mạnh 2 vấn đề chính: Những phát minh đi trước thời đại, những đột phá, triển vọng, tầm cao mới của tri thức khoa học, khả năng vô bờ bến của con người trong chinh phục tự nhiên; Những hệ quả tâm lý nảy sinh từ các phát minh, các sáng chế, tiên liệu về những bi kịch tương lai.
TS Nguyễn Thị Minh Thương nhận xét rằng việc đưa các tác phẩm khoa học viễn tưởng vào văn học nhà trường giúp giáo dục, khơi dậy ở học sinh những ý tưởng và niềm đam mê khoa học, cho các em thấy giá trị của lòng dũng cảm, khám phá, trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo.