Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: MH. |
Luật Xuất bản được thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Qua thực tiễn 10 năm thi hành, các quy định của Luật Xuất bản đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ưu điểm, còn đó những hạn chế cần khắc phục.
Đại biểu dự Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thi hành Luật xuất bản 2012 (diễn ra ngày 25/11 tại Hà Nội) đã đưa ra những kết quả, đồng thời nêu bất hợp lý trong bộ luật hiện hành. Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến để cải thiện hành lang pháp lý, giúp phát triển kinh tế xuất bản.
Xuất bản hướng tới đẩy mạnh kinh tế công nghệ
Chủ trì hội nghị, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng nhờ có hành lang pháp lý tạo điều kiện, ngành xuất bản đã có những phát triển đáng ghi nhận, như tỷ lệ đọc sách bình quân đầu người. “Nếu năm 2013, tỷ lệ là 3,4 bản/người thì năm nay, con số ấy đã tăng lên thành khoảng 4,6 bản/người”.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết nhịp độ tăng trưởng của ngành đã duy trì ở mức tăng bình quân 6-8%/năm, đưa tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người (chưa tính xuất bản phẩm nhập khẩu) đạt 4,6 bản/người vào năm 2019 (tăng 1,35 lần so với năm 2012).
Đến năm 2021, khoảng 40% nhà xuất bản (trừ một số nhà xuất bản chuyên ngành hẹp) đạt 200 đầu sách trở lên/năm, trong đó có 13 nhà xuất bản đạt trên 1.000 đầu sách/năm. Số lượng xuất bản phẩm nộp lưu chiểu ngày càng tăng. Năm 2021, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid 19, ngành xuất bản vẫn xuất bản được gần 40.000 đầu sách, trên 462 triệu bản sách (chưa kể sách điện tử).
Bà Trần Thị Nhị Thủy (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Nguyễn Thanh Lâm, ông Nguyễn Nguyên tại hội nghị. Ảnh: MH. |
Về doanh thu, tính đến hết năm 2019, toàn ngành đạt 2.700 tỷ đồng, trong đó có 20 nhà xuất bản đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm (chiếm 33% tổng số nhà xuất bản); phần lớn nhà xuất bản doanh thu hàng năm là 3-7 tỷ đồng, một số nhà xuất bản doanh thu dưới 2 tỷ đồng/năm.
Cục trưởng Cục Xuất bản nhận xét mặt kinh tế công nghệ chưa được hiệu quả. So sánh với các nước trong khu vực, ông Nguyên cho rằng các chính sách còn có thể sửa đổi cho phù hợp hơn, đẩy mạnh phát triển theo xu hướng số hóa. Ông cho rằng ngành xuất bản cần khai thác nguồn đầu tư cả trong nước lẫn ngoài nước.
Ông nêu ví dụ về những chính sách kinh tế cụ thể của ngành xuất bản Hàn Quốc, giúp số lượng xuất bản phẩm điện tử tại Hàn tăng. Ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh rằng ngành xuất bản Việt cũng cần hướng tới phát triển mảng kinh tế công nghệ.
Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực xuất bản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Với việc ứng dụng công nghệ, ngành xuất bản sẽ tạo cơ hội để mọi người có thể tiếp cận sách chất lượng, phục vụ phát triển năng lực cá nhân, đóng góp cho sự phát triển xã hội.
Bên cạnh đó, xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử cũng cần phù hợp xu thế chung của thế giới và tạo diện mạo mới cho ngành xuất bản. Cụ thể là thiết lập nền tảng công nghệ, kỹ thuật số chung cho việc phát hành xuất bản phẩm điện tử, tạo điều kiện cho các đơn vị cùng tham gia vào thị trường sách điện tử; đa dạng hóa các loại hình xuất bản phẩm điện tử; điều chỉnh mẫu đề án đơn giản, phù hợp yêu cầu thực tiễn hơn...
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, tại hội nghị. Ảnh: MH. |
Muốn phát triển thị trường, cần có bộ công cụ đo đếm số liệu chính xác
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành ủy TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội In Việt Nam... gửi tham luận tới hội nghị nhằm tìm hành lang pháp lý phù hợp, phát triển kinh tế ngành.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nói: “Đã đến lúc chúng ta cần tinh lọc lại qua thực tế, kinh nghiệm và xu hướng để đề xuất trong Luật sửa đổi lần này một số chính sách mang tính đột phá, có tính khả thi cao, tạo bước chuyển đích thực, căn bản cho hoạt động xuất bản”.
Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nói cần rà soát lại các quy định của Luật hiện nay về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản nhà xuất bản và xem xét, bổ sung nội dung và đối tượng liên kết cho phù hợp trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
Trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam cho rằng cần có quy định cụ thể trong việc thu thập dữ liệu báo cáo, vì thực tế, doanh thu ngành in tương đối lớn, theo bảng số liệu phát triển ngành in, doanh số ngành này tính riêng 10 tháng đầu năm đã đạt 58.327 tỷ đồng. Con số này cho thấy một mức chênh lệch lớn với con số báo cáo doanh thu của ngành xuất bản.
Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Nguyễn Thanh Lâm đồng tình rằng quy mô ngành xuất bản theo báo cáo là chưa tương xứng. “Vấn đề là chúng ta chưa thống kế hết được”. Người dân Việt Nam hiện nay tiếp cận sách rất đa dạng kiểu hình: mua sách qua các trang thương mại điện tử trong và ngoài nước, đọc sách trên mạng…
Ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng muốn quản lý được thì phải đo đếm được và nhấn mạnh vào việc phát triển bộ công cụ, phương thức tổng hợp số liệu xác đáng hơn trong tương lai.
Cần xác định vị trí, vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong Luật Xuất bản sửa đổi
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết hiện nay, tất cả nhà xuất bản và hầu hết đơn vị phát hành sách lớn đều là hội viên tổ chức của Hội Xuất bản Việt Nam. Mới đây, Ban Bí thư đã có kết luận 158 và 32, giao các cơ quan chức năng xây dựng quy định quản lý với 30 hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Hội Xuất bản Việt Nam là một trong 30 hội đó.
Hội Xuất bản Việt Nam bằng hoạt động của mình đã có những hoạt động thiết thực vào công tác xuất bản nói chung, công tác quản lý nói riêng. Ông Hoàng Vĩnh Bảo cũng cho rằng cần xác định vị trí, vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong Luật Xuất bản sửa đổi lần này và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các Luật khác, để đưa vào Luật Xuất bản sửa đổi lần này một điều quy định về Hội Xuất bản Việt Nam.