Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Việt Linh. |
Tham dự Lễ kỷ niệm “70 năm ngày truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10/10/1952-10/10/2022) chiều 10/10 tại Hà Nội, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - ghi nhận những đóng góp của người làm xuất bản.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá cao những đóng góp quan trọng, to lớn của các thế hệ người làm xuất bản tiêu biểu; khẳng định ngành xuất bản, in và phát hành sách đã phát huy tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong việc lưu trữ, tích lũy và truyền bá tri thức, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, bồi đắp tâm hồn, xây dựng nhân cách, trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hoạt động xuất bản phải kịp thời thích ứng, chuyển đổi
Bên cạnh ghi nhận đóng góp của người làm sách, ông Võ Văn Thưởng cũng nêu một vài gợi ý để ngành xuất bản quan tâm thực hiện trong thời gian tới.
Phải tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân nhất là thế hệ trẻ về vai trò của sách, sự cần thiết phải đọc sách, học từ sách để có thêm tri thức, trình độ, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chỉ khi có đông đảo người đọc sách, ngành xuất bản mới phát triển.
Muốn có đông bạn đọc thì phải không ngừng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, có nhiều đầu sách hay, giá trị, bảo đảm mỗi xuất bản phẩm ra đời không chỉ cung cấp, phổ biến tri thức, đáp ứng nhu cầu giải trí, nghiên cứu, học hỏi của độc giả mà quan trọng hơn là để người đọc sau khi tiếp nhận, lĩnh hội tri thức, thông tin trong sách sẽ có những bước tiến bộ nhất định trong nhìn nhận, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, sống tốt hơn, đẹp hơn.
Mỗi tác phẩm khi xuất bản, phải lấy việc phụng sự quốc gia, dân tộc làm mục đích cao nhất.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng
Ông Võ Văn Thưởng cho rằng để có sách hay, sách đẹp, thiết thực, đòi hỏi đội ngũ những người làm xuất bản phải nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, tiếp thu tinh hoa dân tộc và nhân loại, bám sát hơi thở cuộc sống, ứng dụng khoa học - công nghệ, đề cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.
Mỗi tác phẩm khi xuất bản, phải lấy việc phụng sự quốc gia, dân tộc làm mục đích cao nhất; không chỉ cung cấp tri thức mà còn cổ vũ, khuyến khích bảo vệ cái tốt, hướng con người tới chân, thiện, mỹ; phê bình những thói hư tật xấu, khơi dậy khát vọng, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ cho người đọc.
Các nhà xuất bản phải là nơi để các tác giả gửi gắm niềm tin, là bệ đỡ cho các tác phẩm; chủ động khai thác bản thảo, phối hợp với các cấp, các ngành, tổ chức các cuộc vận động sáng tác theo chủ đề để có thêm nhiều tác phẩm giá trị. Mỗi nhà xuất bản phải là "bộ lọc" để chọn được những tác phẩm có giá trị đích thực; dũng cảm từ chối những bản thảo tầm thường, vô bổ, lệch lạc về tư tưởng, không phù hợp với văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Các nhà in phải tiếp tục đổi mới, cải tiến công nghệ in, chất liệu thân thiện, in thêm nhiều sách đẹp. Các công ty phát hành sách phải bám sát cơ sở, đưa sách tới đúng địa chỉ người cần đọc, giúp độc giả tiếp cận sách một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Hoạt động xuất bản phải kịp thời thích ứng, chuyển đổi, lựa chọn cách thức, mô hình hoạt động phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, kinh tế xuất bản phải trở thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, một bộ phận của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển vững chắc, toàn diện, hiệu quả.
Các nhà xuất bản phải đổi mới tư duy, có giải pháp đồng bộ để giải quyết những vấn đề chiến lược của ngành như đổi mới mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả quản trị; có chính sách thu hút đầu tư cho ngành xuất bản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thông tin, tri thức, hưởng thụ văn hóa của người dân trong thời kỳ mới, trước sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện nghe nhìn hiện đại.
Cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan Hội Xuất bản cần chủ động rà soát, nghiên cứu, tham mưu, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách trong lĩnh vực xuất bản; bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của tổ chức Hội đối với hoạt động xuất bản; tạo hành lang pháp lý, cơ chế phù hợp, thuận lợi để ngành xuất bản phát triển; bảo đảm nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất cho hoạt động xuất bản; đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, in và phát hành; bảo vệ bản quyền, quyền tác giả, xử lý nghiêm tình trạng in sách lậu, tạo lập môi trường xuất bản lành mạnh.
Trước mắt phải tập trung, nghiên cứu giải quyết thỏa đáng, hài hòa các mối quan hệ trong hoạt động xuất bản, như: giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; giữa định hướng tư tưởng với đáp ứng nhu cầu của độc giả; giữa xuất bản và văn hóa đọc; giữa xuất bản truyền thống và xuất bản theo xu hướng hiện đại.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngành xuất bản có chuyên môn, nghiệp vụ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết và ý thức trách nhiệm cao, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với ngành xuất bản trong thời kỳ mới.
Ông Võ Văn Thưởng nói Đảng, Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò, vị trí quan trọng của ngành xuất bản trong sự nghiệp cách mạng; luôn quan tâm, tạo điều kiện để ngành xuất bản phát triển. Thường trực Ban Bí thư tin tưởng ngành xuất bản sẽ tiếp tục phát huy thành tựu đã đạt được, hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm 70 năm ngành xuất bản. Ảnh: Việt Linh. |
Diện mạo mới của ngành xuất bản
Lễ kỷ niệm là dịp để ôn lại những dấu mốc trên hành trình 70 năm xuất bản. Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, điểm lại những thành tựu chính của ngành xuất bản, in và phát hành sách.
Theo ông, Việt Nam, từ quốc gia thiếu sách vào những năm 80-90 thế kỷ XX đã vươn lên phát triển cả về quy mô, trình độ, năng lực ngành xuất bản với hệ thống gồm 57 nhà xuất bản, trên 2.300 cơ sở in, trên 2.000 doanh nghiệp phát hành, gần 13.000 điểm phát hành trên cả nước; đã in và phát hành khoảng 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân đầu người/sách đạt 4,4-4,5 bản, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Những năm gần đây, nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành xuất bản, in và phát hành đã không ngừng đổi mới. Nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành mở rộng chức năng xuất bản, phát hành sách điện tử, nhiều loại hình sách điện tử hiện đại được xuất bản, nhiều cơ sở in quy mô, hiện đại ngang tầm khu vực được xây dựng, tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản, in và phát hành.
Tôn vinh người làm xuất bản tiêu biểu
Tại lễ kỷ niệm, ông Võ Văn Thưởng trao biểu trưng, tuyên dương, tri ân bốn cán bộ lão thành tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam: ông Phan Khắc Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, nguyên Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; ông Đinh Xuân Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất bản, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chi nhánh phía Nam, Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ; ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam.
Ông Huỳnh Văn Bé, Anh hùng Lao động, lão thành ngành in Tây Nam Bộ cũng có trong danh sách được vinh danh, tuy nhiên vì vấn đề sức khỏe, ông không tới dự lễ kỷ niệm được.
Tại lễ kỷ niệm, 81 người làm xuất bản tiêu biểu trên cả nước đã được trao bằng khen. Trong số các đại biểu, có những người cống hiến lâu năm, có những đại biểu trẻ đã góp tài năng, nhiệt huyết cho ngành sách.
Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng, đây là lần đầu tiên những người làm xuất bản được tham dự một chương trình tôn vinh như thế này.
GS Đinh Xuân Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Việt Linh. |
Người làm xuất bản xúc động và tự hào trong dịp kỷ niệm
Là một trong năm cán bộ được trao biểu trưng, ông Lê Hoàng không nén nổi xúc động. Ông Lê Hoàng có hơn 30 năm gắn bó với ngành xuất bản, đồng hành với con chữ, góp phần thực hiện sứ mệnh khai trí dưỡng tâm người đọc, nhất là đối với thế hệ trẻ, người đọc thanh thiếu niên.
Trao đổi với Zing, ông nói: "Tôi thực sự xúc động và cảm thấy vinh dự về quá trình đóng góp của mình. Xin cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tôi càng phải hứa với lòng mình sẽ tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hoá đọc với sự phấn đấu không mệt mỏi”.
Phát biểu tại buổi lễ, GS Đinh Xuân Dũng chia sẻ niềm vinh dự khi nhận biểu trưng. Ông nói lớp người làm xuất bản lâu năm như ông với những cống hiến cho ngành sách đã được ghi nhận.
Đại diện cho thế hệ người trẻ làm xuất bản, bà Cù Thị Thúy Lan, Trưởng ban Sách Quốc tế, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, cho rằng công việc xuất bản chứa đựng giá trị tinh thần lớn lao. Được những người đi trước truyền cảm hứng, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận, bà cảm thấy được tiếp động lực để thực hiện tốt hơn vai trò “người đỡ đầu của các xuất bản phẩm”.
Ông Trần Đình Ba, Trưởng phòng biên tập 2, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, cũng là một trong 81 người làm xuất bản tiêu biểu được khen thưởng, ông cho rằng hoạt động này thể hiện sự quan tâm, ghi nhận tầm quan trọng của các cấp lãnh đạo đối với lĩnh vực xuất bản, một lĩnh vực văn hóa đặc thù góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, xây dựng văn hóa.
Việc được vinh danh vào dịp kỷ niệm 70 năm ngành xuất bản, in và phát hành với ông Đình Ba là một niềm vinh dự lớn. Ông cho rằng ai trong danh sách được vinh danh hẳn cũng cảm thấy vui mừng, xúc động, đồng thời, cảm nhận về trách nhiệm rõ hơn, muốn phấn đấu hơn để ngành xuất bản, in và phát hành có được những ấn phẩm tốt, chất lượng phục vụ nhu cầu của xã hội.
Bà Trần Hoài Phương, Giám đốc Omega+, cho rằng đây là một dịp rất đặc biệt. “Từ 2015 đến nay, ngành xuất bản bước sang một giai đoạn mới, có sự dịch chuyển mới, khi mà các đơn vị tư nhân xuất hiện nhiều hơn, bức tranh xuất bản phát triển cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Dịp kỷ niệm đặt trong bối cảnh này thực sự có ý nghĩa rất lớn”, bà Trần Hoài Phương nói.