Ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 122/SL quyết định thành lập Nhà in Quốc gia với nhiệm vụ thống nhất tổ chức và quản lý nhà in Chính phủ, đánh dấu bước phát triển mới của ngành xuất bản, in và phát hành sách cách mạng nước ta. Từ đó, ngày 10/10 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam.
Nhìn lại hành trình 70 năm qua, ngành xuất bản, in và phát hành sách đã có những bước tiến ấn tượng, đang dần chuyển mình, thực hiện chuyển đổi số, phát triển bền vững.
70 năm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước
Hoạt động xuất bản luôn gắn chặt với sự nghiệp cách mạng. Những ấn phẩm nổi bật như Đường kách mệnh (năm 1927) của Nguyễn Ái Quốc; tác phẩm Làm gì? của Lenin cùng nhiều tài liệu quan trọng khác ra đời và nhận đã được đón nhận nhiệt tình, được truyền tay nhau đọc.
Cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công, các nhà xuất bản đầu tiên ở Việt Nam được thành lập như Nhà xuất bản Lao động, Nhà xuất bản Sự thật… Sách báo thời kỳ này đã đóng góp vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Năm 1952, cuộc kháng chiến chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi sách báo được in nhiều hơn, với chất lượng tốt hơn, cần đến một tổ chức thống nhất điều hành hoạt động xuất bản sách báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 122/SL quyết định thành lập Nhà in Quốc gia.
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước, xuất bản đã trở thành một vũ khí tinh thần sắc bén. Nhiều ấn phẩm quan trọng ra đời, góp phần không nhỏ cổ vũ, động viên toàn quân, toàn dân chiến đấu và chiến thắng xâm lược giành lại sự độc lập của Tổ quốc.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 21/7/1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới, nhân dân ta phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Trong khoảng 1955-1960, số sách xuất bản ở miền Bắc đã tăng gấp 10 lần, nhiều nhà xuất bản lớn ra đời.
Thời kỳ 1965-1975, toàn ngành đã xuất bản được 521 triệu bản sách (năm 1975 xuất bản được 2.905 đầu sách với khoảng 40 triệu bản). Với những kết quả đạt được, ngành xuất bản đã đóng góp vào thắng lợi chung với tư cách là một bộ phận quan trọng của cách mạng.
Năm 1975, đất nước thống nhất, ngành xuất bản bước vào một giai đoạn phát triển mới. Đến năm 1985, số nhà xuất bản đã lên đến 40; nhiều cuốn sách có giá trị, phục vụ kịp thời công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa, khoa học, giáo dục cho toàn xã hội. Các phong trào “đọc và làm theo sách”, “đọc sách có hướng dẫn”, đọc “sách người tốt, việc tốt” được phát động, lan tỏa sâu rộng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986 của Đảng đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp cách mạng, tạo bước đột phá lớn và toàn diện, đưa đất nước ta tiến lên phù hợp với quy luật vận động, phát triển của lịch sử. Trong bối cảnh chung đó, ngành xuất bản đã vượt qua các khó khăn, thách thức, đồng thời nỗ lực tìm tòi, thể nghiệm, từng bước phát triển, thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường.
Từ 1991-2001, mặc dù còn có những khó khăn nhất định, toàn ngành đã giữ vững đà tăng trưởng, chỉ tiêu về số cuốn, số bản đều tăng gấp 4-4,5 lần sau 10 năm, trở thành cơ sở cho toàn ngành bước vào giai đoạn phát triển mới.
Những năm đầu thế kỷ XXI, ngành xuất bản tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Đánh giá về tình hình xuất bản giai đoạn này, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã nhận định: “Hoạt động xuất bản đã có bước phát triển nhanh, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - văn hoá... Nhiều bộ sách có giá trị được xuất bản. Các mảng sách chính trị - xã hội, khoa học - kỹ thuật - công nghệ và sách cho thanh niên, thiếu niên khá phong phú, đa dạng. Chất lượng sách giáo khoa từng bước được nâng cao cả về nội dung và hình thức”.
Thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ của Chỉ thị số 42-CT/TW, hoạt động xuất bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngành xuất bản phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, ổn định hệ thống tổ chức, có bước phát triển mới về năng lực hoạt động, thích ứng tốt hơn với cơ chế thị trường, bước đầu đáp ứng nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân, tiếp tục khẳng định vị thế là một lĩnh vực tư tưởng - văn hóa quan trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những kết quả nổi bật đó là: Các chỉ số phát triển về đầu sách, bản sách vẫn cơ bản duy trì được tốc độ tăng trưởng khá (khoảng trên 4%/năm).
Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong giai đoạn 2011-2021, ngành xuất bản đã cho ra mắt 369.230 cuốn sách, hơn 4,2 triệu bản sách.
Đến năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất bản vẫn có bước phát triển tích cực. Tổng doanh thu lĩnh vực xuất bản đạt 2.996,7 tỷ đồng.
Có thể khẳng định ngành xuất bản (bao gồm 3 lĩnh vực: xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm) đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, tích luỹ và truyền bá tri thức, góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đưa Việt Nam vào nhóm 3 nền xuất bản phát triển hàng đầu khu vực
Thế giới đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trên mọi bình diện, chuyển đổi số đã và đang là xu thế chính yếu, những thay đổi về đời sống kinh tế - xã hội gắn liền với những thay đổi, nhu cầu và phương thức tiếp cận sách của độc giả cùng văn hóa đọc có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ. Do vậy, ngành xuất bản đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Thực hiện chuyển đổi số trở thành một yêu cầu tất yếu trong giai đoạn phát triển mới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Sắp xếp ngành Xuất bản, In và Phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá”.
Theo đó, trong giai đoạn phát triển mới, ngành Xuất bản, In và Phát hành cần được xác định rõ về tầm nhìn, quan điểm phát triển, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp.
Về tầm nhìn, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - chia sẻ 2 chủ đề.
Đầu tiên, xuất bản giữ vững vai trò là lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền tảng tư tưởng, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập.
Kế đó là xây dựng ngành xuất bản trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa, xuất bản nhiều đầu sách hay, giá trị, đúng định hướng, phát hành với số lượng lớn, tạo sức lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội, tạo lập sức mạnh quốc gia.
Về quan điểm phát triển, ông Nguyên cho rằng trước hết, cần tổ chức, sắp xếp ngành xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đưa xu thế tiến bộ, hiện đại của thế giới vào phát triển ngành xuất bản.
Ông cũng cho rằng phát triển ngành xuất bản thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, chuyển đổi số thành công, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển, khẳng định vị thế ngành xuất bản Việt Nam trong khu vực.
Bên cạnh đó, kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa thu hút các nguồn lực phát triển ngành xuất bản cũng là một hướng phát triển cần được chú trọng.
Cùng đó, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành chia sẻ 3 mục tiêu chính của ngành.
Thứ nhất là duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm đạt 4,5-5%; tăng số lượng sách xuất bản/người/năm đạt 5-5,5 bản vào năm 2025; đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử (tính theo đầu sách) đạt 15% vào năm 2025; đưa Việt Nam vào nhóm 3 nước có nền xuất bản phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á; xuất bản nhiều đầu sách hay, giá trị, đúng định hướng với số lượng lớn (trên 100.000 bản).
Thứ hai là duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm từ 5-5,5%; đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước có ngành công nghiệp in phát triển ở khu vực Đông Nam Á.
Thứ ba là duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm 4-5%; phấn đấu đến năm 2025, phát hành 500 triệu bản sách, đạt mốc doanh thu 4.600 tỷ đồng.