Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Ngoại giao văn hóa qua xuất bản phẩm

Sách của Nhà xuất bản Thế giới đã tỏa đi nhiều hướng, đóng góp vào xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, năng động, với nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc.

Ông Phạm Trần Long - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Thế giới. Ảnh: Việt Linh.

Ông Phạm Trần Long - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Thế giới. Ảnh: Việt Linh.

Ðã gần trọn 80 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam phát động và lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến thắng lợi huy hoàng, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước liên minh công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Dân tộc ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành lại độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Công cuộc Đổi mới đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cho dân tộc. Việt Nam mở rộng hơn bao giờ hết quan hệ quốc tế cả về chính trị lẫn kinh tế, văn hóa.

Vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó 3 nước có “quan hệ đặc biệt”, 17 nước “đối tác chiến lược” và 13 nước “đối tác toàn diện”. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...

Nguyên do nào khiến một nước như Việt Nam trong một thời gian ngắn lại có thể thực hiện được những đổi thay thần kỳ như vậy. Nhiều ý kiến cho rằng, những thành tựu ấy có được một phần quan trọng chính là nhờ sự đổi mới tư duy sâu sắc về cục diện thế giới cũng như đổi mới trong đường lối, chính sách và phương châm hành động trên mặt trận đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Từ sau khi thực hiện đường lối Đổi mới đến nay, vận dụng những cốt lõi của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh như “độc lập, tự chủ, kiên định nguyên tắc ‘dĩ bất biến ứng vạn biến’, gắn kết Việt Nam với khu vực và thế giới vì sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới”, Việt Nam dần dần từng bước hoàn thiện chính sách đối ngoại quốc gia. Chính sách đó tuân thủ nguyên tắc “độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế”, coi trọng việc giải quyết tranh chấp thông qua con đường thương lượng hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Trên tinh thần đó, Đảng và Nhà nước ta cũng có những thay đổi quan trọng trong hình thức đối ngoại, mở rộng các kênh đối ngoại khác nhau. Ngoài hình thức đối ngoại nhà nước truyền thống, Việt Nam cũng coi trọng những hình thức đối ngoại mới như ngoại giao kinh tế, ngoại giao nhân dân và ngoại giao văn hóa.

Đối với Việt Nam, ngoại giao văn hóa là một công cụ hữu hiệu nhằm thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Ngoại giao văn hóa cùng ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị tạo thành thế chân kiềng vững chắc của ngoại giao Việt Nam hiện đại. Với tư cách là một thành tố quan trọng trong chính sách đối ngoại, ngoại giao văn hóa là tổng hợp các hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua nhiều loại hình chủ yếu, trong đó có hoạt động thông tin đối ngoại.

Có thể nói, ngoại giao văn hóa ở Việt Nam gồm hai chiều: chiều ra và chiều vào, với mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ. Chiều vào hay “nhập khẩu” là kế thừa, tiếp nhận có chọn lọc những giá trị văn hóa của thế giới thông qua trao đổi các sản phẩm văn hóa đa dạng, phong phú. Đó có thể là âm nhạc, ca múa, phim ảnh, hay ẩm thực. Đó có thể là các hoạt động giao lưu, liên hoan văn hóa nghệ thuật, hội thảo quốc tế, chương trình truyền hình, phát thanh, thông tấn. Đó cũng có thể là các xuất bản phẩm sách báo, kể cả dạng giấy và bản điện tử, các văn hóa phẩm như bưu ảnh, tờ rơi, các loại lịch, băng đĩa. Công việc “nhập khẩu” văn hóa này mang tính chất hai chiều, tương tác với nhau giữa một bên là mong muốn truyền bá, phổ biến giá trị văn hóa của một nước vào Việt Nam và một bên là việc Việt Nam mở cửa với tinh thần tiếp thu có chọn lọc những giá trị ấy. Còn chiều ra hay “xuất khẩu”, trong đó có thông tin đối ngoại, cũng mang tính tương tác như vậy nhưng trọng tâm nhấn mạnh hơn vào mục đích truyền bá, phổ biến giá trị văn hóa của mình cho đối tượng hướng tới.

Như trên đã phân tích, có thể thấy công tác thông tin đối ngoại nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa dân tộc có nhiều loại hình đa dạng, phong phú, thông qua nhiều kênh khác nhau. Một trong những loại hình đó là kênh xuất bản phẩm bằng ngoại ngữ qua sách, tài liệu và các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí (gồm cả báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử).

Đây được coi là một trong những loại hình cơ bản, chủ chốt, hiệu quả cao, chi phí thấp của ngoại giao văn hóa. Công tác này có mối liên quan mật thiết với lĩnh vực chính trị-tư tưởng. Nói cách khác, nó là một vùng chồng lấn giữa lĩnh vực văn hóa - tư tưởng và đối ngoại - ngoại giao. Cùng sự đi lên của đất nước, công tác thông tin đối ngoại đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức, đối tượng và địa bàn hoạt động, góp phần quan trọng chuyển tải đến thế giới thông tin và hình ảnh một đất nước Việt Nam đổi mới, hội nhập thành công và giàu tiềm năng hợp tác. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo nhằm củng cố, tăng cường tính hiệu quả của công tác này. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về công tác thông tin đối ngoại, trong đó có kênh thông tin đối ngoại qua xuất bản phẩm, cũng ngày càng được củng cố và hoàn thiện.

Từ sau khi tiến hành công cuộc Đổi mới năm 1986 đến nay, vai trò quan trọng của công tác thông tin đối ngoại ngày càng được quan tâm, thể hiện ở trong nội dung những nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng; các chỉ thị của Ban Bí thư cụ thể hóa về mặt nội dung, phương châm và phương hướng hoạt động của thông tin đối ngoại; hệ thống Luật Xuất bản và những quyết định, quy chế, nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể việc thực hiện công tác này. Hệ thống cơ sở lý luận vững chắc này giúp công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam nói chung, trong đó có thông tin đối ngoại qua xuất bản phẩm nói riêng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đóng góp không nhỏ vào những thành tựu chung của đất nước trong thời kỳ phát triển, mở cửa và hội nhập quốc tế.

Ba loại hình tiêu biểu truyền thống của xuất bản phẩm phục vụ thông tin đối ngoại là báo, tạp chí và sách. Nếu coi thông tin đối ngoại là một mặt trận, thì báo đóng vai trò lực lượng đánh “giáp lá cà”, tạp chí là lực lượng “pháo binh tầm trung”, còn sách là “binh chủng tên lửa tầm xa”. Cả ba loại hình này đều nhằm phục vụ mục tiêu chung về quảng bá hệ giá trị văn hóa Việt Nam, tuy nhiên đối tượng độc giả của từng loại hình có khác nhau, nên cách thức tiếp cận và hình thức thể hiện vẫn có những điểm khác biệt.

Báo và tạp chí hướng đến những đối tượng độc giả cần thông tin thời sự nhanh chóng, cấp thời, hoặc tương đối chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể nào đó. Hiện nay, do sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, mạng Internet, các báo, tạp chí in giấy hiện chịu sự cạnh tranh gay gắt của các phiên bản điện tử trực tuyến, khiến vị trí, vai trò của chúng phần nào bị lu mờ. Còn sách đối ngoại thì vẫn tiếp tục hướng tới đối tượng độc giả có “thời gian” hơn, mong muốn tiếp cận những tri thức sâu về các lĩnh vực chuyên ngành.

Các phương tiện thông tin đối ngoại như đài phát thanh, truyền hình, báo mạng… có một ưu thế nổi bật là tin tức thời sự được truyền tải kịp thời, nhanh nhạy, sinh động, có tác dụng gây ấn tượng thị giác lớn và số lượng đối tượng chịu tác động (khán giả, thính giả) cùng một lúc cũng rất lớn. Xuất bản phẩm không có ưu thế đó nhưng lại tỏ ra là phương tiện có hiệu ứng về mặt tinh thần lâu bền hơn, sâu sắc hơn. Bất chấp sự bùng nổ của phương tiện thông tin điện tử, ấn phẩm theo lối truyền thống chắc chắn sẽ còn tồn tại trong đời sống văn hóa - tinh thần loài người, vì thói quen tiếp nhận và chuyển hóa thông tin từ ấn phẩm in truyền thống đã trở thành một phản xạ trong não bộ con người, một truyền thống văn hóa, một thói quen trong đời sống xã hội nên không dễ gì một sớm một chiều có thể thay đổi được. Như vậy, sự xuất hiện hay phổ biến các kênh hay phương thức thông tin đối ngoại phi xuất bản phẩm chỉ làm phong phú thêm, đa dạng thêm các loại hình thông tin-truyền thông chứ không triệt tiêu sự tồn tại của kênh thông tin bằng xuất bản phẩm.

Giữa bối cảnh trong nước và quốc tế giai đoạn sau năm 1954, mục tiêu đối ngoại quan trọng của Việt Nam là tập trung làm sao tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng hòa bình dân chủ trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập, thống nhất và tự do của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam là “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.

Để góp phần thực hiện mục tiêu đó, cần thiết phải có một bộ máy đủ sức lo công tác thông tin đối ngoại bằng xuất bản phẩm tiếng nước ngoài, bởi tiếng Việt không phải là một ngôn ngữ thông dụng trên thế giới. Ngày 16/3/1957, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Hoàng Minh Giám, ký quyết định số 14/VH/QĐ thành lập Nhà xuất bản Ngoại văn trên cơ sở hai phòng biên tập ngoại văn và phiên dịch trước đó thuộc Cục xuất bản. Kể từ đây, công tác thông tin đối ngoại qua xuất bản phẩm - chủ yếu là sách ngoại văn, cùng một số tờ tạp chí, báo cũng bằng tiếng nước ngoài - được Đảng và Nhà nước giao cho một đơn vị xuất bản chuyên trách.

Sách ngoại văn, song ngữ của NXB Thế giới. Ảnh: NXB Thế giới.
nghien cuu xuat ban anh 1
nghien cuu xuat ban anh 1

Sách ngoại văn, song ngữ của NXB Thế giới. Ảnh: NXB Thế giới.

Xuyên suốt lịch sử 65 năm thành lập và phát triển, hoạt động của Nhà xuất bản Thế Giới (tiền thân là Nhà xuất bản Ngoại văn) thể hiện minh chứng sinh động, rõ nét cho công tác thông tin đối ngoại qua xuất bản phẩm. Thông qua các ấn phẩm đa dạng bằng nhiều thứ tiếng của mình, Nhà xuất bản Thế Giới góp phần thông tin tới bạn bè quốc tế về thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm, phát huy quyền con người và hội nhập quốc tế, chủ quyền biển đảo và biên giới lãnh thổ quốc gia, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu xuyên tạc về tình hình ở Việt Nam, góp phần tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế, nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam.

Có thể nói, Nhà xuất bản Thế Giới đã xuất bản được nhiều ấn phẩm có giá trị, bao quát nhiều lĩnh vực, bám sát nhiệm vụ chính trị, phục vụ kịp thời hoạt động thông tin đối ngoại của đất nước, góp phần nhỏ bé vào những thành tựu chung của dân tộc. Những xuất bản phẩm của Nhà xuất bản đã tỏa đi nhiều hướng, tỏa đến nhiều phương, đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam, hòa bình, năng động, với nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc, một đất nước sẵn sàng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai vì sự phát triển chung của cộng đồng quốc tế. Từ đó, mối thiện cảm với Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được củng cố, dẫn tới sự ủng hộ mọi mặt của họ, đặc biệt trong mảng đầu tư, cung cấp bổ sung nguồn “ngoại lực” cho công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước ta.

Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Thế Giới cũng xây dựng và từng bước phát triển hoàn thiện một trường phái làm thông tin đối ngoại qua xuất bản phẩm với hai nguyên tắc ngắn gọn “đúng và trúng” được nguyên Giám đốc Nguyễn Khắc Viện khởi xướng. Theo thời gian, trường phái này ngày càng được khẳng định tính đúng đắn, bởi nó vận dụng nguyên lý của ngoại giao “tâm công”, đánh vào lòng người nên sức thuyết phục tuy có thể đến chậm nhưng hiệu quả tác động lại mang tính chắc chắn, vững bền. Minh chứng cụ thể là nhiều cuốn sách tiêu biểu của Nhà xuất bản được tái bản nhiều lần, nhiều cuốn được trao tặng Giải thưởng Sách Việt Nam và Giải thưởng Sách Quốc gia qua các năm.

Tình hình thế giới hiện nay đan xen nhiều cơ hội và thách thức, với những biến chuyển mạnh mẽ không ngừng. Chính vì vậy, trong thời gian tới, công tác thông tin đối ngoại nói chung và công tác thông tin đối ngoại qua xuất bản phẩm nói riêng cũng cần hướng tới đổi mới về mục tiêu, phương châm, đối tượng và các nhiệm vụ tương ứng nhằm xây dựng, quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, công tác thông tin đối ngoại cũng cần góp phần nâng cao đồng thuận xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, tranh thủ sự ủng hộ, đoàn kết, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược được Đại hội XIII của Đảng đề ra đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Là một trong những đơn vị chủ lực được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về công tác thông tin đối ngoại qua xuất bản phẩm, Nhà xuất bản Thế Giới đề xuất ba nhóm giải pháp lớn nhằm hỗ trợ hoạt động thông tin đối ngoại qua xuất bản phẩm trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ngày càng trở nên hiệu quả, thiết thực.

Giải pháp về nhận thức và chính sách

Kể từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 42-CT/TW năm 2004 về nâng cao chất lượng toàn diện của toàn bộ ngành xuất bản, trong đó bao gồm cả hoạt động thông tin đối ngoại qua xuất bản phẩm, đến nay đã gần tròn 20 năm. Trong quãng thời gian ấy, ngành xuất bản Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm tiếp tục làm tròn nhiệm vụ được giao.

Tuy vậy, những vấn đề cấp bách của hoạt động xuất bản nêu trong Chỉ thị 42 và các chỉ thị, kết luận tiếp sau vẫn chưa thực sự được triển khai đồng bộ. Nhận thức của các cấp ủy đảng, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản các nhà xuất bản về vai trò, vị trí của hoạt động xuất bản nói chung, hoạt động thông tin đối ngoại qua xuất bản phẩm nói riêng, nhiều lúc vẫn còn chưa đúng, chưa đầy đủ và thống nhất.

Trong bối cảnh chung ấy, điều cần thiết là phải tiếp tục kiên trì nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, cơ quan chủ quản, và các cơ quan hữu quan về vị trí và tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại qua xuất bản phẩm. Các cơ quan này cần nhìn nhận công tác thông tin đối ngoại qua xuất bản phẩm như một hoạt động sẽ mang lại “hiệu ứng tinh thần” không thấy ngay được trước mắt nhưng về lâu về dài, sẽ phát huy tác dụng to lớn. Đó là bởi một khi bạn đọc nước ngoài, trong đó có các trí thức, học giả, doanh nhân, đã tìm hiểu về Việt Nam thông qua đọc sách báo của Việt Nam một cách thường xuyên liên tục, tình cảm của họ nhiều khả năng sẽ dần được chuyển hóa sang thông cảm và chia sẻ, từ đó sẽ dẫn họ tới có những hành động ủng hộ thiết thực và cụ thể cả về tinh thần và vật chất: viết báo, viết sách quảng bá hình ảnh Việt Nam, kêu gọi tài trợ hoặc đầu tư.

Chất lượng đội ngũ cán bộ luôn là yếu tố “xương sống” quyết định hiệu quả thành công của những ấn phẩm thông tin đối ngoại. Nhưng một thực trạng đáng suy nghĩ hiện nay là đội ngũ cán bộ chủ lực của Nhà xuất bản Thế Giới ngày cảng mỏng đi, cán bộ giỏi dần nghỉ hưu, độ tuổi bình quân giờ đã xấp xỉ 40, trong khi khó tuyển được cán bộ trẻ có năng lực để đào tạo. Lý do thì có nhiều, nhưng chủ yếu là việc thực hiện chế độ về mặt đãi ngộ vật chất, lương bổng.

Nhà nước cần nghiên cứu để tạo thay đổi căn bản cho việc hỗ trợ những cán bộ trẻ này yên tâm làm việc bởi tính chất rất đặc thù của công tác làm thông tin đối ngoại qua xuất bản phẩm. Một cán bộ trẻ có năng lực khi được tuyển vào nhà xuất bản có khi chưa thể nào đáp ứng ngay được cho nhu cầu công việc. Họ cần phải trải qua quá trình đào tạo lại, qua trao truyền kinh nghiệm tại chỗ, qua công việc được giao hàng ngày, qua trao đổi với các cán bộ lâu năm giàu kinh nghiệm. Họ cần được phân loại theo năng lực để có hướng đào tạo phát huy tối đa sở trường của họ. Theo đó, họ có thể sẽ được phát triển về mặt viết lách, làm phóng viên, hoặc đào tạo về mặt biên tập, biên dịch, phát hành, tiếp thị, hay đào tạo về bản quyền, thương mại điện tử quốc tế, công nghệ làm sách e-book.

Việc đào tạo này có thể được thực hiện tại chỗ qua công việc tại nhà xuất bản, trong các cơ sở đào tạo trong nước, hoặc các cơ sở đào tạo ở nước ngoài. Hẳn nhiên, việc này không thể một sớm một chiều mà thành công, cần phải đầu tư thời gian và công sức mới hy vọng thu được kết quả mong muốn. Trong thời gian này, cần làm sao đảm bảo đời sống của cán bộ trẻ để họ yên tâm phấn đấu, nếu không họ dễ bị phân tán tư tưởng, và nhiều khi bỏ cuộc chuyển sang làm công việc khác. Có nhiều trường hợp cán bộ trẻ rất triển vọng nhưng rất tiếc, nhà xuất bản không thể giữ chân họ được, cũng chủ yếu là do nguyên nhân về mặt đãi ngộ vật chất chưa thỏa đáng.

nghien cuu xuat ban anh 2

Làm sách e-book cũng là một khía cạnh được chú ý khi đào tạo nguồn nhân lực cho ngành. Ảnh: Getty images.

Giải pháp về mở rộng hợp tác

Xu thế toàn cầu hóa, giao lưu văn hóa đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng trở thành dòng chủ lưu trong tình hình thế giới hiện nay. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài dòng chảy chung đó. Để tăng cường và phát huy sức mạnh mềm trong ngoại giao văn hóa, Việt Nam cần chăm lo củng cố hoạt động hợp tác, giao lưu trao đổi văn hóa, bởi hợp tác quốc tế có thể mang lại hiệu quả hai chiều. Một mặt, nó giúp Việt Nam tiếp thu được những tinh hoa tri thức của nhân loại để bổ sung làm phong phú thêm nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của mình. Mặt khác, nó trở thành một kênh quan trọng để quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, giàu tiềm năng, sẵn sàng hợp tác với các nước vì sự nghiệp tiến bộ chung của nhân loại. Hợp tác có thể với các đối tác nước ngoài ở trong và ngoài nước, gồm các đại sứ quán, lãnh sự quán, đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ văn hóa, quỹ dịch thuật, xuất bản.

Lĩnh vực hợp tác quốc tế có nội dung rất đa dạng. Thứ nhất, hợp tác để phối hợp cùng tìm kiếm nguồn bản thảo cho việc dịch thuật và quảng bá. Nhiều nước trên thế giới được chính phủ đảm bảo dành khoản kinh phí đầy đủ để thực hiện việc này rất bài bản, từ việc lập hội đồng tuyển chọn các tác phẩm để quảng bá, đến lên danh sách các tác phẩm đó, rồi chọn lựa ngôn ngữ để tài trợ dịch thuật, xuất bản… Việt Nam cần nhìn nhận đúng vai trò của việc cần phải nhanh chóng thành lập một trung tâm, quỹ kiểu như thế này để có kế hoạch triển khai thực hiện. Việc này còn giúp chúng ta nắm bắt thêm về xu hướng thị hiếu của bạn đọc nước ngoài để điều chỉnh ấn phẩm thông tin đối ngoại cho phù hợp.

Thứ hai, hợp tác quốc tế còn nhằm tìm kiếm, xây dựng và phát triển đội ngũ mạng lưới cộng tác viên ở các khâu biên tập, biên dịch, hiệu đính. Để quảng bá hình ảnh Việt Nam qua xuất bản phẩm bằng các ngôn ngữ thông dụng chủ yếu trên thế giới, như Anh, Pháp, Trung, Nga, Tây Ban Nha… các bản dịch “thô” cần phải được chuyên gia bản ngữ, hoặc người Việt Nam giỏi ngoại ngữ đó, hiệu chỉnh lại về văn phong, cách trình bày, cách diễn đạt cho phù hợp đối tượng độc giả nước ngoài cần nhắm tới.

Tiếp theo, hợp tác quốc tế còn mở rộng khả năng nâng cao tính chuyên nghiệp ngành xuất bản, in, phát hành nước ta. Với những đòi hỏi thị hiếu ngày càng đa dạng của người đọc, hình thức kỹ mỹ thuật của các xuất bản phẩm đối ngoại cần phải được nâng cao cho ngang tầm với khu vực và trên thế giới. Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ giao lưu với các nước có nền xuất bản tiên tiến như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm tiến tới hợp tác chặt chẽ hơn trong chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ làm sách điện tử, trang thiết bị ngành in cũng như những xu thế phát triển của in ấn thế giới.

Cuối cùng, có lẽ không thể không kể đến mảng hợp tác với cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài, những con người mà trong thẳm sâu tâm hồn luôn đau đáu hướng về tổ quốc. Nhà nước cần có chế độ chính sách đãi ngộ hợp lý để huy động khả năng và tiềm năng rất lớn của đội ngũ trí thức Việt kiều, nhiều người trong số họ rất nặng tình với quê hương, sẵn sàng cống hiến sức lực cho công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.

Bài liên quan

Phạm Trần Long

Bạn có thể quan tâm