Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải pháp của đơn vị xuất bản cho tình trạng giá giấy tăng

Giá giấy đang là chủ đề nóng của ngành xuất bản trên thế giới, Việt Nam không phải ngoại lệ. Đại diện vài công ty sách đã trao đổi về tác động của tình trạng này.

nghien cuu xuat ban anh 1

Giá giấy tăng còn ảnh hưởng đến giá sách bán lẻ, gây bất lợi cho không chỉ người tiêu dùng mà cả đơn vị làm sách. Ảnh: Lê Hiếu.

Trao đổi với Zing, bà Nguyễn Nguyệt Nga - Quản lý ViBooks, thuộc Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông AZ Việt Nam - cho biết có nhiều nguyên nhân phức tạp dẫn đến tình trạng giá giấy tăng, đồng thời dự đoán trong tương lai gần, giá giấy sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Giá giấy tăng ảnh hưởng đến giá sách bán lẻ, gây bất lợi cho không chỉ người tiêu dùng mà cả đơn vị làm sách. Các nhà xuất bản, công ty sách cũng tìm nhiều cách để bình ổn giá sách cho độc giả, nhưng mặt bằng chung giá sách tăng là một điều khó tránh. Điều này tác động trực tiếp đến sức mua của độc giả, theo chia sẻ của những đơn vị làm sách, các đầu sách mới đang có xu hướng bị bán chậm hơn.

Giá giấy bây giờ đã tăng ít nhất 20% so với cách đây 2 năm

“Đại dịch Covid-19 ập đến và đảo lộn tất cả. Các ngành kinh tế trên thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đều bị ảnh hưởng nặng nề, ngành sách không đứng ngoài quy luật đó”, bà Nguyễn Nguyệt Nga chia sẻ.

Bà nhận định: “Hiện tại giá giấy đã tăng ít nhất 20% so với cách đây hai năm. Năm 2023 được dự đoán là năm lạm phát kinh tế của toàn thế giới, nên tôi nghĩ giá giấy sẽ vẫn tiếp tục tăng”.

Trả lời phỏng vấn của Zing, bà Hải Miên, đại diện truyền thông của công ty Phanbook, cũng cho rằng giá giấy tăng là do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu.

Theo báo cáo về nguồn cung gỗ quốc tế của tạp chí thương mại Packaging Europe, vào năm 2021, Nga, Belarus và Ukraine chiếm 25% hoạt động buôn bán gỗ của thế giới. Xung đột giữa Nga và Ukraine khiến lượng gỗ xuất khẩu của Nga giảm. Bà Hải Miên cho rằng tình trạng thiếu gỗ này đã đẩy giá giấy tăng cao, và từ châu Âu, lạm phát về giá giấy lan ra khắp thế giới. “Khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine còn tiếp diễn, giá giấy còn tăng nhiều và tăng nhanh”, bà Hải Miên nói.

Trong tình hình lạm phát kinh tế, không những giá giấy, mà chi phí sản xuất và phân phối cũng tăng cao. “Mọi chi phí đều tăng khoảng 30%”, bà Đào Phương Thu, Phó phòng truyền thông Nhã Nam, chia sẻ. Không những giá cao, giấy còn trở nên khan hiếm khiến cho có những khi, công ty Nhã Nam đã phải đối diện với tình trạng không có giấy để in.

Giới xuất bản nước ngoài đã đưa ra những dự đoán về tương lai của ngành xuất bản và phần lớn đều nhận định rằng đây sẽ là một tình trạng kéo dài chứ không chỉ là nhất thời.

Nỗ lực của các đơn vị làm sách

Chia sẻ thêm về những tác động của tình hình ngành giấy hiện nay, bà Nguyễn Nguyệt Nga cho biết: “Mặc dù chưa tới tình trạng thiếu giấy đến mức công ty không in được, việc khan hiếm giấy khiến chúng tôi phải thay đổi kế hoạch sản xuất, tiến độ sản xuất. Ví dụ có cuốn in ở nhà A, nhưng nhà A thiếu loại giấy chúng tôi cần in, chúng tôi phải điều chỉnh sang nhà B, nên cần xin lại giấy phép, mất thêm một thời gian nữa cho việc phát hành cuốn sách đó”.

Để đối phó với tình trạng này, các công ty buộc phải tìm ra giải pháp, hướng thích nghi mới như tinh chọn lại các đầu sách để xuất bản, đồng thời không chọn sản xuất số lượng lớn như trước nữa. Nhiều cuốn sách bị kéo dài thời gian sản xuất và phát hành, dẫn đến thời hạn bản quyền bị ngắn lại, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của các đơn vị.

Giá giấy tăng, lẽ tất nhiên, các đơn vị phải điều chỉnh giá sao cho sách bán ra vẫn có lãi, nhiều đơn vị cho rằng việc này khiến cho nhiều độc giả cảm thấy sách quá đắt và ngại mua.

Phó phòng truyền thông Nhã Nam cũng chia sẻ nỗi băn khoăn khi giá giấy tăng cao, kéo theo giá sách cũng bị buộc phải tăng cao lên. “Nhiều độc giả trẻ cũng phàn nàn là sách không còn hướng đến sinh viên, không còn ưu tiên giá rẻ như xưa, nhưng sự thật là lúc nào chúng tôi cũng cố gắng để giá thấp nhất có thể rồi”, bà Đào Phương Thu nói.

Đối mặt với tình hình này, bà Thu cho biết đội ngũ Nhã Nam chỉ còn cách để lãi ở mức thấp nhất, giữ sao cho giá sách không vọt lên quá cao và chờ thị trường ổn định trở lại. “Cuốn nào giảm giá được tối đa thì chúng tôi đều cố. Như cuốn Các tầng địa ngục theo Phật giáo, ai cũng hỏi sao rẻ thế. Cuốn đó rẻ là vì không mất tiền bản quyền, nên chúng tôi trừ được phần chi phí đó đi”.

Bà Thu cho rằng tình hình lạm phát kéo dài gây ảnh hưởng đến sức mua của độc giả, tuy nhiên, các tựa sách best-seller thì vẫn sẽ tiêu thụ tốt, chỉ có sách mới là bị bán chậm.

Ngoài ra, với những đầu sách hot, đầu sách bán chạy, các công ty cũng có thể chọn tăng số lượng in, từ đó bình ổn được giá tốt hơn cho độc giả.

Về phía Công ty Phanbook, bà Hải Miên cho biết để hỗ trợ độc giả, đội ngũ công ty Phanbook chọn cách tăng cường các chương trình khuyến mại như “Ngày Vàng Phanbook”, “Xả kho cuối năm”… để độc giả dễ tiếp cận sách hơn.

Hệ lụy nghiêm trọng từ giá giấy tăng

Toàn ngành xuất bản thế giới, từ các nhà sáng tạo nội dung, nhà xuất bản, đơn vị in ấn và cả khách hàng đều đang phải thích nghi với cuộc khủng hoảng giấy.

Nguyên nhân giá giấy toàn cầu tăng

Thiếu gỗ, tác động của khủng hoảng năng lượng, giá vận chuyển đắt đỏ... khiến giá giấy tăng cao ở nhiều nơi trên thế giới.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm