Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thắng cử, Thủ tướng Israel tiếp tục 'gieo sầu' cho Obama

Chiến thắng của Benjamin Netanyahu trong cuộc bầu cử tại Israel hôm 17/3 đập tan một hy vọng của Tổng thống Barack Obama trong thời gian còn lại ở Nhà Trắng.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu phát biểu trong phiên họp chung của Thượng viện và Hạ viện Mỹ hôm 3/3. Trong bài phát biểu, ông cảnh báo cuộc thương lượng giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân sẽ giúp Tehran có cơ hội chế tạo bom nguyên tử. Ảnh
Thủ tướng Benjamin Netanyahu phát biểu trong phiên họp chung của Thượng viện và Hạ viện Mỹ hôm 3/3. Trong bài phát biểu, ông cảnh báo cuộc thương lượng giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân sẽ giúp Tehran có cơ hội chế tạo bom nguyên tử. Ảnh: AP

Mọi người đều biết mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Israel đang ở trong giai đoạn sóng gió. Vì thế, giới quan sát không cảm thấy lạ khi Nhà Trắng không thực hiện bất kỳ động thái nào đối với kết quả bầu cử tại Israel vào buổi tối 17/3. Kết quả kiểm phiếu cho thấy Netanyahu giành chiến thắng với khoảng cách khá xa so với đối thủ sau một chiến dịch tranh cử gây tranh cãi. Dư luận Israel băn khoăn với câu hỏi: Phải chăng thủ tướng của họ đang phá hoại mối quan hệ khăng khít với Mỹ?

Trong một tuyên bố trước khi Ủy ban Bầu cử Israel công bố kết quả kiểm phiếu, Josh Earnets, thư ký phụ trách báo chí của Nhà Trắng, chỉ nói Obama cam kết rằng ông sẽ phối hợp chặt chẽ với người giành thắng lợi trong cuộc bầu cử để củng cố và tăng chiều sâu trong quan hệ bền chặt giữa Mỹ và Israel. 

“Tổng thống tin rằng ông có thể phối hợp tốt với bất kỳ người nào mà người dân Israel chọn lựa”, Earnets nói.

Netanyahu giành thắng lợi một cách bất ngờ sau khi đọc bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng 3. Trong bài phát biểu, ông nhấn mạnh tới tham vọng hạt nhân của Iran và khơi sâu mối rạn nét giữa ông với Obama và các trợ lý của tổng thống Mỹ.

Nếu Netanyahu có thể thành lập một chính phủ trong vài tuần tới, ông có thể trở thành “kẻ phá bĩnh” đầy quyền lực đối với Mỹ trong thời gian còn lại của Obama tại Nhà Trắng.

Đương kim thủ tướng Israel trở thành ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc bầu cử tại Israel bằng cách tuyên bố nhà nước Palestine sẽ không thể ra đời nếu ông tiếp tục đứng đầu chính phủ. Trong khi đó, sự thành lập nhà nước Palestine lại là yếu tố trung tâm trong học thuyết đối ngoại của Mỹ tại khu vực Trung Đông. Trong vài giờ cuối cùng trước khi cử tri bỏ phiếu, Netanyahu nhắc nhở những người ủng hộ ông rằng một cơn sóng mạnh của những cử tri gốc Arab có thể đẩy ông ra khỏi ghế thủ tướng.

Mọi hy vọng tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine có thể trở nên xa vời hơn bởi quan điểm quyết liệt của Netanyahu.

Việc Netanyahu tiếp tục lãnh đạo Israel khiến mức độ phản đối của Nhà nước Do Thái đối với các cuộc đàm phán giữa phương Tây và Iran trở nên mạnh hơn trong bối cảnh thời hạn chót để ký kết một thỏa thuận hạt nhân đã cận kề. Obama và các nhà lãnh đạo của 5 cường quốc từng tuyên bố rằng họ muốn đạt một thỏa thuận khung với Iran vào cuối tháng 3.

Mỹ có quan hệ thân thiết với Israel
Mỹ có quan hệ thân thiết với Israel, song quan hệ cá nhân giữa Obama và Netanyahu chưa bao giờ gần gũi. Ảnh: ABC

Nhưng điều quan trọng nhất là: Chiến thắng của Netanyahu đồng nghĩa với việc Obama sẽ không còn cơ hội "tái khởi động" một trong những mối quan hệ gian nan, phức tạp nhất. Một mặt giới chức Nhà Trắng đã nói chuyện với Netanyahu - qua điện thoại và gặp trực tiếp - nhiều hơn so với mọi nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Họ cũng nói mối quan hệ quân sự và tình báo giữa hai nước đang ở mức mạnh nhất trong lịch sử.

Song về phương diện cá nhân, Obama và Netanyahu chưa bao giờ có quan hệ thân mật, các trợ lý khẳng định. Vị Thủ tướng Israel nổi tiếng vì sự cứng rắn và bướng bỉnh. James A. Baker III, cựu Ngoại trưởng Mỹ, từng ngăn chặn Netanyahu - khi đó chỉ là một quan chức cấp thấp trong chính phủ - khi ông xuất hiện trong trụ sở của Bộ Ngoại giao Mỹ. Cựu tổng thống Bill Clinton không ưa Netanyahu.

"Chúng ta có thể thấy mối quan hệ giữa Netanyahu và Obama đang trở nên xấu dần", Robert Gibbs, cựu thư ký báo chí của Nhà Trắng, nhận định với MSNBC.

Một câu hỏi dành cho Obama là: Ông sẽ thể hiện thái độ rõ rệt với Netanyahu giống như cách ông đang áp dụng với Tổng thống Vladimir Putin hay không? Ngoài ra, Obama vẫn còn một lựa chọn khác. Ông có thể sử dụng cuộc bầu cử của Israel như một cái cớ để xây dựng mối quan hệ hợp tác hơn với Netanyahu. Nhưng ngay cả khi ông làm thế, chẳng ai dám chắc Netanyahu sẽ đón nhận, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Iran sẽ diễn ra trong mùa hè năm nay.

Đương kim Thủ tướng Israel từng tuyên bố nhiều lần rằng ông coi tham vọng hạt nhân của Iran là mối đe dọa mang tính sống còn đối với sự tồn tại của Nhà nước Do Thái. Chẳng ai tin ông sẽ lùi bước trước tham vọng hạt nhân của Tehran để đổi lấy một mối quan hệ nồng ấm với bất kỳ nhà lãnh đạo nào - kể cả Tổng thống Mỹ.

Mỹ rơi vào thế bế tắc trong cuộc chiến chống IS

Tổng thống Barack Obama muốn nước Mỹ tỏ ra đoàn kết trong nỗ lực tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS), song các nghị sĩ Dân chủ không muốn đất nước sa lầy vào xung đột không có hồi kết

Thu Hoài

Bạn có thể quan tâm