Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ rơi vào thế bế tắc trong cuộc chiến chống IS

Tổng thống Barack Obama muốn nước Mỹ tỏ ra đoàn kết trong nỗ lực tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS), song các nghị sĩ Dân chủ không muốn đất nước sa lầy vào xung đột không có hồi kết

Ảnh:
Ảnh: YouTube

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức yêu cầu Quốc hội cho phép ông quyền ra quyết định tuyệt đối trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS), song rất có thể cơ quan lập pháp không thể phê chuẩn yêu cầu do phe Cộng hòa nghĩ rằng kế hoạch chống phiến quân của Nhà Trắng quá khiêm tốn, còn đảng Dân chủ e ngại rằng Washington sẽ can dự quá sâu, New York Times đưa tin.

Và dường như cả Nhà Trắng lẫn Quốc hội đều không hề tỏ ra khẩn trương trong quá trình thu hẹp khoảng cách bất đồng.

Hôm 11/3, Ngoại trưởng John Kerry và một số quan chức hàng đầu trong chính phủ Mỹ kêu gọi Ủy ban Đối ngoại Hạ viện phê chuẩn yêu cầu của Obama. Nhưng trong phiên tranh luận căng thẳng suốt 3 giờ, giới quan sát nhận thấy các nghị sĩ không thể tìm ra tiếng nói chung.

Phát biểu trong cuộc họp báo đầu tiên sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11 năm ngoái – sự kiện mà phe Cộng hòa chính thức giành quyền kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội – Obama tuyên bố ông sẽ yêu cầu cơ quan lập pháp cho phép ông đánh IS.

“Thế giới cần phải biết nước Mỹ đoàn kết trong nỗ lực tiêu diệt IS”, ông nói.

Những 'bằng chứng' cho thấy Mỹ đã góp phần tạo ra IS

Theo một chuyên gia nghiên cứu về Nhà nước Hồi giáo (IS), một số hoạt động trong chính sách ngoại giao của Mỹ nhiều năm gần đây là chất xúc tác hình thành nên tổ chức cực đoan.

Song khi đưa ra đề xuất với Quốc hội, các thành viên chính phủ Mỹ lại bỏ rất ít công sức trong việc vận động các nghị sĩ phê chuẩn yêu cầu. Chỉ vài quan chức Nhà Trắng gợi ý rằng hai phe Dân chủ và Cộng hòa nên thảo luận với nhau để sửa nội dung của đề xuất sao cho Quốc hội có thể thông qua.

Mặc dù kêu gọi Quốc hội cho phép quân đội can thiệp sâu trong cuộc chiến với IS, Ngoại trưởng Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Martin Dempsey đều tin rằng chính phủ có quyền ra mọi quyết định trong cuộc chiến bởi hai tiền lệ. Thứ nhất, Quốc hội từng cho phép tổng thống phát động cuộc chiến chống khủng bố vào năm 2011, sau khi không tặc cướp máy bay chở khách rồi lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và tòa nhà Lầu Năm Góc. Thứ hai, Quốc hội từng cho phép cựu tổng thống George Bush phát động chiến tranh để đưa quân vào Iraq.

“Tổng thống có toàn quyền để hành động trong nỗ lực tiêu diệt IS, nhưng sự đồng thuận dứt khoát và chính thức của Quốc hội trong giai đoạn này sẽ xua tan mọi nghi ngờ của dư luận về tình trạng không đoàn kết của nước Mỹ trong quyết tâm đập tan IS”, ông Kerry nói.

Obama đã cho phép quân đội không kích các mục tiêu của IS tại Iraq và Syria, song vẫn chờ sự phê chuẩn chính thức của Quốc hội.
Obama đã cho phép quân đội không kích các mục tiêu của IS tại Iraq và Syria, song vẫn chờ sự phê chuẩn chính thức của Quốc hội để ông có thể chủ động hoàn toàn trong cuộc chiến chống lực lượng phiến quân. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh liên quân do Mỹ dẫn đầu không kích IS tại Iraq và Syria trong vài tháng qua, Nhà Trắng coi sự tán thành của Quốc hội là hành động quan trọng nhưng chỉ mang tính tượng trưng, chứ không thực sự cần thiết.

Thượng nghị sĩ Rand Paul, thành viên của đảng Cộng hòa tại bang Kentucky và là thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, tỏ ra giận dữ với việc chính phủ tiếp tục các chiến dịch quân sự chống IS mà không xin phép Quốc hội.

“Chính phủ cần Quốc hội thông qua một đề xuất, song việc Quốc hội phê chuẩn hay không lại chẳng quan trọng, vì họ từng có một tiền lệ vào năm 2001. Thực trạng đó cho thấy Quốc hội chẳng có vai trò gì”, ông giải thích.

Giờ đây đề xuất của Obama rơi vào thế bế tắc bởi số lượng nghị sĩ đang do dự quá lớn, song họ phân vân bởi nhiều lý do khác nhau.

Nhiều nghị sĩ Dân chủ lo ngại đất nước sẽ sa lầy trong một cuộc xung đột có thể kéo dài vài năm ở bên ngoài lãnh thổ, trong khi phe Cộng hòa lại muốn tổng thống hành động triệt để trong cuộc chiến chống IS, bao gồm cả khả năng sử dụng bộ binh.

Bob Corker, Thượng nghị sĩ tới từ bang Tennessee và giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói rằng ông chưa phát hiện bất kỳ thượng nghị sĩ Dân chủ nào ủng hộ đề xuất của Obama. Ông cảnh báo rằng tình thế hiện nay có thể buộc phe Cộng hòa nghĩ tới một giải pháp thay thế: Cho phép Nhà Trắng can thiệp quân sự một cách giới hạn.

“Đương nhiên, chẳng ai nghĩ một chiến lược quân sự giới hạn sẽ khiến IS biến mất”, Corker bình luận.

Quan điểm của phe Dân chủ lại trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ của Corker. Robert Menendez, Thượng nghị sĩ Dân chủ từ bang New Jersey và cũng là thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói rằng đảng không muốn Mỹ phát động một cuộc chiến không có hồi kết.

Nhà Trắng từng nói họ sẽ không sử dụng bộ binh trong thời gian quá dài và chiến dịch quân sự sẽ chỉ kéo dài trong tối đa 3 năm.

“Tôi không thể đảm bảo rằng nỗ lực diệt IS sẽ hoàn thành trong 3 năm. Tuy nhiên, đề xuất của tổng thống tạo cơ hội để người dân đánh giá thành tựu của quân đội trong 3 năm. Trên cơ sở những thành tựu ấy, Quốc hội và vị tổng thống tiếp theo sẽ quyết định gia hạn thời gian của chiến dịch nếu họ thấy cần thiết”, Bộ trưởng Quốc phòng Carter giải thích.

IS liên tục bại trận, mất dần căn cứ quan trọng

Quân đội chính phủ Iraq đã giành lại gần trọn vẹn thành phố Tikrit mà lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang chiếm đóng.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm