Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa phát biểu trước lưỡng viện Mỹ về mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Iran. Việc ông Netanyahu phớt lờ Nhà Trắng để tiếp cận cơ quan lập pháp Mỹ cho thấy mối quan hệ giữa chính quyền Obama và Israel đang căng thẳng. Trước đó, phía Mỹ đe dọa bắn rơi chiến đấu cơ Israel nếu Israel thực hiện kế hoạch không kích các cơ sở hạt nhân Iran. Đây dường như là một phần lý do khiến quốc gia Do Thái chưa quyết định không kích cơ sở hạt nhân của Iran.
Sự chần chừ
Phản lực chiến đấu của không quân Israel. Ảnh: Military.com |
Theo National Interest, nằm giữa Thế giới Hồi giáo, Nhà nước Do thái Israel luôn phải đối mặt với nhiều thách thức từ các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, sự hậu thuẫn của Mỹ và tiềm lực quân sự ngày càng lớn mạnh giúp Tel Aviv đảm bảo sự tồn tại của mình đồng thời đủ sức tấn công các nước khác trong khu vực.
Sau chiến tranh Yom Kippur năm 1973, Israel thường chủ động ra tay nhằm đảm bảo an ninh. Quốc gia Do thái đơn phương không kích lò phản ứng hạt nhân duy nhất của chính phủ Saddam Hussein ở Iraq sau khi phát hiện ra nó. Israel cũng thực hiện cuộc tấn công tương tự vào cơ sở hạt nhân Syria khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hoàn toàn không hay biết về sự tồn tại của cơ sở này.
Tuy nhiên, Israel không áp dụng các hành động tương tự với chương trình hạt nhân của Iran. Quốc gia Hồi giáo là cường quốc quân sự trong khu vực, sở hữu hệ thống phòng không đáng nể bất chấp lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Ngoài ra, Mỹ cũng gây áp lực với Israel nhằm ngăn Tel Aviv tấn công Iran như họ đã làm với Iraq và Syria.
Iran sẽ trả đũa mạnh mẽ
Ngoài ra, nếu Israel tấn công Iran, đó chỉ có thể là một cuộc tấn công chiến thuật. Những đợt không kích sẽ làm gia tăng tham vọng sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iran. Các nhà lãnh đạo Tehran có thể dùng cuộc tấn công để biện minh cho lý do cần phải sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhiều quốc gia không phải đồng minh với Israel có thể hỗ trợ Iran hiện thực hóa tham vọng này.
Ngoài ra, các cuộc không kích của Israel cũng cho Iran cái cớ không thể hợp lý hơn để rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đồng thời trục xuất các thanh sát viên của IAEA. Các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran cũng nhanh chóng đổ vỡ, giúp Iran có nhiều tài nguyên hơn trong nỗ lực tái thiết các cơ sở bị phá hoại.
Tấn công Iran, làm hại Israel
Một cuộc tấn công nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran lại có khả năng giúp Tehran đạt được sự ủng hộ của thế giới Arab. Iran sẽ nhận được những sự trợ giúp nhiều hơn so với thiệt hại phải gánh chịu.
Sự tức giận sau các đợt không kích có thể khiến Iran tấn công tài sản của các nước đồng minh của Israel trong khu vực. Thậm chí, họ có thể chặn eo biển Hormuz, huyết mạch dầu mỏ của thế giới. Mối hợp tác chống Iran giữa Israel và các đồng minh Arab cũng vì thế mà tổn hại. Nó khiến Tel Aviv bị cô lập cả trong khu vực và trên trường quốc tế.
Sự phản đối trong nước
Israel phải cân nhắc lợi hại trước khi không kích Iran. Ảnh: Military.com |
Dù Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã chuẩn bị sẵn các phương án không kích Iran nhưng ông chắc chắn sẽ phải đương đầu với sự phản đối của các chính trị gia trong nước. Thậm chí, ông Netanyahu sẽ không có đủ sự ủng hộ để đưa ra quyết định táo bạo vào nguy hiểm, có khả năng đe dọa cả vị thế và lợi ích của Israel.
Ngoài ra, mọi động thái quân sự của Israel phải nhận được sự chấp thuận của ủy ban an ninh, hay trong một số trường hợp là toàn thể nội các. Rõ ràng, chính trường đa cực của Israel sẽ không giúp ông Netanyahu có được đủ sự ủng hộ. Trong khi đó, mối nguy từ chương trình hạt nhân Iran vẫn là điều gây tranh cãi nên Israel càng có ít cơ sở để phát động chiến dịch không kích.
Thỏa thuận: Có còn hơn không
Lý do cuối cùng khiến Israel có thể không dám tấn công Iran là lợi ích của Mỹ. Nhiều nguồn tin cho biết, Iran và Mỹ đang tiến hành các cuộc đàm phán mật về chương trình hạt nhân của Tehran. Thậm chí, đôi bên đã đạt được nhiều sự đồng thuận tới mức dường như đã ký vào một thỏa thuận. Dù nội dung đàm phán không được tiết lộ nhưng chắc chắn Washington sẽ không để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Mối quan ngại sâu sắc nhất của Tel Aviv là nhà nước Hồi giáo Iran hay bất cứ quốc gia nào trong khu vực, sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Thỏa thuận giữa Mỹ và Iran sẽ giúp Israel có những lợi ích gián tiếp. Tuy nhiên, Nhà nước Do thái sẽ bận rộn trở lại sau khi nhiều nguồn tin cho rằng, Saudi Arabia, đối trọng của Iran trong khu vực, đang tìm kiếm hợp tác với Israel.