Thủ phủ xi măng Saburi, nơi Thái Lan chọn triển khai mô hình thành phố carbon thấp. |
Tại "Hội nghị ESG 2024: Thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh toàn diện" diễn ra mới đây tại Bangkok, Thái Lan, ông Thammasak Sethaudom, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SCG cho biết trong 2 tháng qua, hơn 3.500 đại diện từ chính phủ, khối tư nhân và tổ chức xã hội đã cùng đóng góp ý tưởng để xác định các chiến lược thúc đẩy Thái Lan nhanh chóng hướng tới xã hội carbon thấp.
Các đề xuất tập trung vào 2 lĩnh vực chính là chuyển đổi sang năng lượng sạch, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; và tiếp tục hỗ trợ mô hình "Saraburi Sandbox" - thành phố carbon thấp đầu tiên của Thái Lan.
"Các đề xuất được đưa ra sẽ mang lại kết quả hữu hình hơn và phù hợp hơn với bối cảnh Thái Lan nếu chính phủ tiếp tục hỗ trợ mô hình Saraburi Sandbox bằng cách phát huy những nỗ lực từ năm vừa qua", ông Thammasak Sethaudom nhấn mạnh.
Thực tế, mô hình Saraburi Sandbox lần đầu được đề cập tại Hội nghị ESG 2023, khi chính phủ Thái Lan kêu gọi tất cả bên liên quan cùng tham gia thiết lập.
Saraburi là một tỉnh thuộc miền Trung Thái Lan, tập trung nhiều nhà máy xi măng, đóng góp hơn 80% sản lượng xi măng của Thái Lan. Cũng vì vậy, Saraburi gặp rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng đó, tỉnh đã "bắt tay" với Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Thái Lan (TCMA), Văn phòng Hội đồng chính sách đổi mới và nghiên cứu khoa học giáo dục đại học quốc gia (NXPO) xây dựng mô hình "Saraburi Sandbox".
Đây là thành phố carbon thấp kiểu mẫu đầu tiên của Thái Lan, nhằm kết nối các lĩnh vực công, nông nghiệp và cộng đồng, mở đường cho hệ sinh thái đô thị phát thải ròng bằng 0.
Nhiều dự án thí điểm đang được triển khai, bao gồm chuyển đổi sang năng lượng sạch, thúc đẩy công nghiệp xanh, sử dụng xi măng thủy lực trong các công trình xây dựng, quản lý chất thải bằng công nghệ tiên tiến, và mở rộng các khu vực xanh.
Ông Bancha Chaowarin, Thống đốc tỉnh Saraburi, cho biết "Saraburi Sandbox" là kết quả của sự hợp tác đối tác công tư (PPP), trong đó động lực chính là khu vực tư nhân với sự hỗ trợ của chính phủ và đóng góp của các bên.
Tại Hội nghị ESG năm nay, ông Thammasak Sethaudom cho rằng việc chính phủ thúc đẩy phân cấp việc ra quyết định và hoạt động cho các địa phương sẽ giảm thiểu thủ tục và sự mơ hồ trong quá trình triển khai dự án, đẩy nhanh tiến độ trên mọi khía cạnh, qua đó tạo cơ hội mở rộng mô hình thành phố carbon thấp sang các tỉnh khác trên toàn quốc trong tương lai.
Ông Thammasak Sethaudom, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SCG chia sẻ tại Hội nghị ESG 2024. Ảnh: BTC. |
Ông Prasert Jantararuangtong, Phó thủ tướng Thái Lan khẳng định chính phủ sẽ đánh giá các đề xuất và phối hợp kịp thời với các vấn đề có thể triển khai nhanh chóng. Còn với những vấn đề cần hợp tác với các bên liên quan, chính phủ sẵn sàng chia sẻ kiến thức.
Tuy nhiên, bên cạnh các nỗ lực từ chính phủ, Phó thủ tướng Prasert Jantararuangtong cũng nhấn mạnh rằng doanh nghiệp cần thích ứng và tìm kiếm cơ hội để nâng cao năng lực theo nguyên tắc bền vững và ESG, từ đó thúc đẩy nâng cao chất lượng đảm bảo việc thân thiện với môi trường và có khả năng cạnh tranh bền vững.
''Chính phủ sẽ khẩn trương thúc đẩy các chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội của Thái Lan, hướng tới sự phát triển cân bằng và bền vững của quốc gia, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau'', Phó thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.