TP.HCM đặt mục tiêu nâng tổng số xe buýt điện lên 3.317 chiếc vào năm 2030. Ảnh: Y Kiện. |
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đã có văn bản gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cùng các sở ban ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức về lấy ý kiến xây dựng Nghị quyết của HĐND TP ban hành kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn.
Cụ thể, Sở GTVT đang xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP, trong đó giai đoạn 1 sẽ tập trung chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng sang sử dụng xe buýt điện và năng lượng xanh.
Sở cho biết đề án này xuất phát từ thực trạng ngành giao thông vận tải của TP.HCM và nhiều đô thị khác đang đối mặt với lượng khí thải nhà kính ngày càng gia tăng. Lĩnh vực này chiếm khoảng 18% tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước.
Đáng nói, chỉ riêng ô nhiễm không khí đã và đang gây ra khoảng 60.000 ca tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang phải hứng chịu ô nhiễm bụi PM2.5 cao, với thiệt hại kinh tế ước tính 10,8-13,2 tỷ USD, tương đương 5% GDP cả nước.
Hiện tại, TP.HCM có khoảng 2.209 xe buýt, trong đó 546 xe điện và xe CNG, còn lại 1.663 xe sử dụng diesel, với tổng lượng phát thải CO2 là 553.299 tấn/năm. Dự kiến giai đoạn 2025-2030 sẽ mở thêm 1.108 xe, nâng tổng số xe buýt lên 3.317 chiếc vào năm 2030.
Sở GTVT cho rằng nếu không nhanh chóng triển khai kế hoạch và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt công cộng sang sử dụng điện hoặc năng lượng xanh thì tình trạng ô nhiễm môi trường từ giao thông của TP.HCM sẽ trầm trọng hơn, gây hại cho sức khỏe cộng đồng và thiệt hại kinh tế.
Do đó, Sở GTVT TP.HCM đề xuất có chính sách hỗ trợ lãi suất vay đầu tư chuyển đổi phương tiện. Mục tiêu đặt ra là cung cấp cơ sở pháp lý về lãi suất vay và hỗ trợ ngân sách cho quá trình chuyển đổi phương tiện từ nhiên liệu hóa thạch sang điện, năng lượng xanh.
Theo kế hoạch đề án, TP.HCM đặt mục tiêu đầu tư hơn 3.521 tỷ đồng để chuyển đổi toàn bộ xe buýt công cộng sang sử dụng điện và năng lượng sạch vào năm 2030.
Trong đó, hỗ trợ lãi vay đầu tư phương tiện là 2.095 tỷ đồng và kinh phí hỗ trợ lãi vay đầu tư trạm cung cấp năng lượng điện là 79 tỷ đồng. Phần còn lại 1.347 tỷ đồng, TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng trạm sạc điện.
Đối với chính sách chuyển đổi phương tiện, mức vốn vay tối đa 85% tổng mức đầu tư của dự án. Mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 300 tỷ đồng/dự án, thời gian hỗ trợ tối đa 7 năm.
Đối với chính sách đầu tư trạm sạc, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được vay tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án. Mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 200 tỷ đồng/dự án.
Lãi suất vay được tính bằng 50% mức lãi suất cho vay được công bố của Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM đối với phần vốn vay đầu tư trong suốt thời hạn vay. Ngân sách TP sẽ hỗ trợ 50% mức lãi suất còn lại.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.