Đến hết tháng 2, tuyến xe buýt điện có trợ giá D4 tại TP.HCM đã thực hiện gần 46.000 chuyến xe. Ảnh: Y Kiện. |
Liên quan đến việc kết thúc thí điểm tuyến xe buýt điện đầu tiên (tuyến D4) tại TP.HCM, đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết đến hết tháng 2, tuyến xe buýt điện có trợ giá này đã thực hiện 45.973 chuyến xe, đạt tỷ lệ 99,4% so với số chuyến kế hoạch.
Sản lượng hành khách bình quân của tuyến buýt điện D4 năm 2022 đạt 22,5 hành khách/chuyến và năm 2023 bình quân đạt 29,5 hành khách/chuyến.
"Tuyến xe buýt này là một trong các tuyến xe buýt có sản lượng hành khách bình quân/chuyến cao trong hệ thống xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP.HCM", cơ quan này đánh giá.
Tuy nhiên, Sở GTVT TP nhìn nhận dù sản lượng hành khách tăng trưởng ổn định, song, trong quá trình hoạt động tuyến xe buýt này vẫn gặp nhiều khó khăn phát sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng hành khách tăng trưởng không đạt như kỳ vọng.
Theo báo cáo của Công ty Vinbus, dù là tuyến mới mở, lượng khách SGT khoán đối với tuyến D4 quá cao, tới 71 HK/chuyến, bằng 105% sức chứa tối đa 68 HK, tỷ lệ trợ giá thấp (44,1%) chỉ bằng 2/3 các tuyến buýt diesel hiện đang hoạt động trong điều kiện sản lượng không đạt được như mức khoán dẫn đến thua lỗ (năm 2022 toàn tuyến lỗ 16,1 tỷ đồng; 8 tháng đầu năm 2023 lỗ 12,5 tỷ đồng).
"Do đó, công ty đề nghị điều chỉnh mức khoán doanh thu, tỷ lệ trợ giá cho các tuyến xe buýt điện tại TP.HCM bằng các tuyến buýt diesel khác. Sở Giao thông vận tải đã tổ chức họp tổ công tác theo dõi, thực hiện tổng kết, đánh giá hoạt động thí điểm vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện", đại diện Sở GTVT cho hay.
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cũng đánh giá, tuyến xe buýt điện D4 là tuyến buýt điện đầu tiên trên địa bàn thành phố, hoạt động bằng đoàn phương tiện hiện đại, sử dụng năng lượng điện thân thiện với môi trường, không phát thải khí nhà kính và tiếng ồn động cơ, đi đầu cho chủ trương phát triển phương tiện giao thông điện của TP.
Do trong giai đoạn thí điểm (chưa có định mức, đơn giá của xe buýt điện) nên các nội dung liên quan chi phí, kinh phí trợ giá phải được sự chấp thuận của UBND thành phố.
Hiện Sở GTVT đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng bộ định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện nhằm đảm bảo chi phí để tuyến hoạt động ổn định.
"Dự kiến kế hoạch thực hiện sau khi bộ định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện được cấp thẩm quyền ban hành, Sở sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức đấu thầu các tuyến xe buýt phù hợp với kế hoạch, lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng điện trên địa bàn thành phố", Sở GTVT cho hay.
Ngoài ra, Sở này cũng cho biết đang phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM đề xuất, xây dựng cơ chế chính sách, khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ phát triển xe buýt điện.
Tuyến xe buýt điện số D4 (Vinhomes Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn) là tuyến cỡ lớn đầu tiên hoạt động tại TP.HCM từ tháng 3/2022. Giá vé dao động từ 3.000 đồng đến 7.000 đồng tùy đối tượng và tuyến xe.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.