Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết của những người ‘xa quê nhớ xứ’ ở TP.HCM

Nhà văn Tống Phước Bảo cho biết “nếu là người Việt dù bạn sống ở đâu vẫn luôn có cái Tết cộng đồng rất vui. Bởi truyền thống Tết của người Việt là chia sẻ”.

Nhà văn Tống Phước Bảo rất chăm viết về Sài Gòn - TP.HCM. Anh cũng có nhiều bài viết về ngày Tết của những người xa quê hương, làm ăn sinh sống, lập nghiệp ở thành phố này. Trong những ngày cận xuân Giáp Thìn, tác giả sách Biết vọng cố hương biết thương xứ mình có những chia sẻ về trải nghiệm của anh với ngày Tết của những người “xa quê nhớ xứ” trên thành phố mang tên Bác.

Những người “xa quê nhớ xứ” gìn giữ phong vị Tết quê

Trong tập tản văn "Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình", Tống Phước Bảo đã đi sâu vào những con hẻm và kể về không khí ngày Tết của những người xa quê hương, làm ăn sinh sống, lập nghiệp ở TP.HCM. Anh có thể cho biết cách những người “xa quê nhớ xứ” này gìn giữ phong vị Tết quê mình ở TP.HCM ra sao?

Tôi có may mắn khi lang thang khắp các xóm nhỏ Sài thành để viết cuốn sách Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình vào những ngày Tết. Đó là câu chuyện góp nhặt của 3 năm vào một cuốn sách.

Tet o TP.HCM anh 1

Nhà văn Tống Phước Bảo. Ảnh: NVCC.

Tôi nói may mắn vì hữu duyên tôi lang thang nhiều nơi lại bắt gặp nhiều cộng đồng lưu dân từ nhiều vùng miền đến, hồn quê vị xứ cát cứ trong từng xóm nhỏ như vậy mỗi khi xuân về. Trăm nghìn cái xóm là trăm nghìn phong vị ăn Tết khác nhau, đậm đà bản sắc văn hoá cố hương.

Ví dụ dân Bắc ở khu cư xá Bắc Hải ăn Tết hay trang trí khu phố sáng rực dãy đèn, hẻm nhỏ nào cũng nấu bánh chưng từ 27-28 Tết. Dịp đó mà vào các khu hẻm nhỏ này sẽ thấy mùi Tết rạo rực lòng mình. Len lỏi trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Văn Đang (Q.3, TP.HCM), rồi vòng qua Rạch Bùng Binh, tận khuya lắc mới đến được khu Cống Lở (Q.Tân Bình, TP.HCM), hay như khu chợ Bà Hoa là phong vị Tết miền Trung đậm đà với các loại bánh tổ, bánh thuẫn, bánh nổ, bánh in…

Ngay cả tục trưng mâm ngũ quả cũng khác. Ví dụ người miền Tây Nam Bộ sẽ không bao giờ trưng chuối vì quan niệm chuối là chúi nhủi. Nhưng người miền Trung thì vẫn để chuối lên mâm ngũ quả.

Tuy mỗi vùng miền là một tập quán ăn Tết khác nhau nhưng hồn quê, vị xứ vẫn được giữ gìn và lưu truyền cho con cháu họ tại mảnh đất này như một nếp quen ngày Tết của quê xứ không thể thiếu, không thể khác khi đón xuân về.

Tôi thấy đó là điều hay bởi cái Tết của TP.HCM nhờ đó mà trở thành “Tết toàn quốc”. Không đất nào như đất này, lưu dân tứ chiếng mỗi vùng miền khi đến đây mưu sinh và chọn gắn bó phần đời còn lại với đất này, họ đã mang tinh tuý cố hương để hoà nhập cùng văn hoá đô thị. Chính vì vậy, Tết ở TPHCM đa dạng, phong phú nhưng vẫn giữ được cốt lõi giá trị của văn hoá dân tộc.

Tết miền Trung và Tết Bắc ở TP.HCM

Trong sách, anh có nói Tết của người miền Trung tuy nghèo nhưng ấm áp tình đồng hương và cố gắng chắt chiu để đủ vị quê cho đỡ nhớ. Vậy cái Tết đầy đủ vị quê của người miền Trung ở TP.HCM sẽ gồm những gì?

Tôi có quen bạn bè dân miền Trung ăn Tết ở Sài thành, tôi thấy phần lớn người miền Trung ăn Tết nhất định chẳng thể thiếu món thịt heo ngâm mắm. Không chỉ là một món ngon ngày Tết, đây còn là đặc sản nổi tiếng của khu vực này. Thịt heo ngâm mắm thường sử dụng thịt ba chỉ hoặc chân giò, luộc chín rồi ngâm trong hỗn hợp gồm nước mắm, giấm và đường tối thiểu ba ngày.

Từ 25 Tết, những người miền Trung xa quê chọn cái Tết ở lại, bắt đầu kéo nhau ra chợ, chọn những miếng thịt ngon nhất, để lưu giữ chút cội rễ quê hương giữa trời xuân của miền nắng ấm phương Nam.

Trưa 30 Tết, cúng rước ông bà, dù nghèo đến đâu cũng phải có món thịt ngâm mắm. Hay như món bắp bò mật mía mà một lần tôi được tặng. Ngoại người bạn bảo, quý ai lắm mới dám làm tặng. Bởi người miền Trung vốn dĩ tích cóp, cần kiệm, chẳng dám ăn cao sang nên chỉ dịp Tết nhất mới làm món này.

Hồi ngoại còn nhỏ, cứ hễ nghe mùi mật mía dậy thơm lừng trong căn bếp, là biết Tết về. Bắp bò kho mật mía sẽ được thái thật mỏng, cuốn với lá mơ, chuối chát, khế chua thái sợi, chấm tương Nam Đàn hoặc mắm nêm đâm ớt ngon. Bỏ một miếng thịt vào miệng là nghe cả một trời quê mình trong đó.

Ngoại người bạn kể, mà ánh mắt xa xăm. Bận đó, tôi nhớ cả nhà mình đã xuýt xoa khen lấy khen để người miền Trung đúng là có món Tết quá ư tinh túy.

Cứ độ Tết về, người miền Trung lại làm hàng chục loại bánh đặc trưng. Tết mà thiếu mấy loại bánh này, thì với người miền Trung thể như thiếu mất hồn quê. Bánh thuẫn là loại bánh lâu đời, có vị ngọt thơm và dễ làm nên được rất nhiều người yêu thích vào mỗi mùa Tết. Bánh thuẫn khá giống bánh bông lan bởi vị ngọt, thơm.

Riêng bánh nổ không chỉ là món bánh đặc sản mà còn gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Bánh có vị ngọt vừa phải, mùi thơm dịu nhẹ từ gừng và đường nâu. Làm bánh nổ khá đơn giản: người ta cho gạo nếp vào chảo rang khô, cho ít gừng và đường vào trộn đều, đổ vào khuôn gỗ, ép thật chặt, rồi lấy bánh ra cắt thành từng miếng nhỏ.

Quá trình làm bánh nổ thường tạo nhiều tiếng nổ lúc rang gạo nên bánh mới có tên như thế. Nhưng bánh in mới là bánh người người nhà nhà đều làm vào mỗi dịp Tết đến xuân về.

Bánh in thường được làm dạng hình tròn, biểu thị sự đủ đầy, đoàn viên. Để làm bánh in, trước tiên, người ta rang bột năng, bột nếp và thêm vài cọng lá dứa để tạo mùi thơm, trộn với nước đường, cho hỗn hợp vào khuôn, ép chặt tay rồi lấy bánh ra. Theo tôi, đây cũng chính là cầu nối giữa các thế hệ con cháu với tổ tiên đồng thời là thông điệp gắn kết mỗi người với quê hương mình.

Tet o TP.HCM anh 2

Gian hàng Tết ở khu chợ Bắc trên đường Chu Mạnh Trinh (quận 1. TP.HCM). Ảnh: Ý Linh.

Trong sách Bảo có chia sẻ không khó để tìm Tết Bắc giữa Sài Gòn - TP.HCM. Vậy Tết Bắc ở TP.HCM có gì đặc biệt?

Tôi có nhiều bạn bè trong gia đình gốc Bắc và đã sinh sống mấy chục năm ở TP.HCM, những ngày Tết đến tôi hay ghé nhà bạn chúc Tết và thấy người gốc Bắc ăn Tết rất thú vị. Giờ ở Sài Gòn, đồ Bắc đúng chuẩn đầy rẫy chứ nào khó kiếm, muốn ăn Tết Bắc đúng phong vị, cứ rảo một vòng là gom đủ.

Khắp các cửa hàng dọc đường Chu Mạnh Trinh (Q.1), Trần Quốc Toản (Q.3), Ông Tạ (Q. Tân Bình), Hòa Hưng (Q.10), Xóm Mới (Q. Gò Vấp), Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) hay chợ Đo Đạc (Q.2, TP.HCM) buôn bán rất nhiều hàng hoá, thực phẩm chuẩn vị Bắc.

Người miền Bắc thường cầu kỳ trong ăn uống và có nhiều món ngon trở thành đặc sản, như măng vầu, thịt nấu đông, miến dong, tương bần, hành muối chua hay những thứ quà bánh mà chỉ nghe tên thôi đã thấy hương vị Bắc đặc trưng (bánh cốm, ô mai sấu, nem, bánh đậu xanh…).

Người Bắc ăn Tết đúng chuẩn phải “mâm cao cỗ đầy”, tức là mỗi mâm phải đủ “bốn bát sáu đĩa”, được chế biến cầu kỳ, bắt mắt và hẳn nhiên là ngon miệng. Vậy nên dẫu xa quê, nhưng gia đình bạn tôi vẫn có bó miến dong Bắc Kạn.

Miến có thể được sản xuất từ nhiều loại nguyên liệu ngũ cốc khác nhau. Tuy nhiên, miến dong (loại miến được làm bằng tinh bột lấy từ củ dong riềng) được ưa chuộng vì hương vị thơm ngon, dai, không bị nát khi nấu như những loại miến khác. Miến dong nấu măng vầu là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của người Bắc dịp Tết.

Hay như bạn kể, Tết của người Bắc, đậu phụ Làng Mơ là thứ có thể chế biến rất nhiều món, làm cho cỗ cao, thêm đầy đặn và ít ngấy khi ăn. Nào đâu chỉ có mấy món trứ danh Hà thành, ở Sài Gòn vẫn có thể bắt gặp hằng hà sa số đặc sản vùng miền lân cận thủ đô để làm mâm cỗ chuẩn Tết Bắc như bánh đậu xanh Hải Dương, rượu cần Hòa Bình, bánh phu thê Đình Bảng - Bắc Ninh, thịt dê Ninh Bình…

Mâm cúng ngày 30 Tết không thiếu bánh chưng, giò chả, tô miến dong và chén mắm dậy mùi vị đất kinh kỳ. Thậm chí, có nhà còn không quên chọn những con cua thật ngon để nấu tô canh rau đay thuần Bắc ăn với cà pháo muối “giải mỡ” sau ê hề món Tết. Tôi thấy người Bắc ăn Tết rất lý thú là bởi cái nếp trọng thị và kĩ càng trong từng món ăn bởi Tết với họ là khoảng thời gian rất thiêng liêng.

Tết đoàn viên, Tết chia sẻ

- Anh muốn gửi gắm điều gì đến những người xa quê nhớ xứ không thể về quê ăn Tết?

Tết là đoàn viên, là sự trở về để vui vầy bên người thân gia đình và bạn bè. Nhưng, không phải ai cũng có thể trở gót thiên di mùa xuân này. Tuy nhiên, tôi tin lòng mình có Tết, tức là mình đã mang một niệm ý sum vầy đâu đó trong tâm tưởng.

Bằng cách này hay cách khác chúng ta vẫn có thể gặp gỡ, thăm hỏi mọi người giữa thời đại công nghệ phát triển này. Năm nay có thể không thể về đón xuân quê hương thì có thể để lại tình cảm ấy cho năm sau.

Hoặc tích cực trong suy nghĩ rằng đón xuân một nơi xa lạ cho chúng ta trải nghiệm mới hơn. Biết đâu trải nghiệm ấy làm đầy nỗi thương quê thèm Tết để chặng đời sau này chúng ta luôn có những cái Tết ấm áp nhất.

Tôi tin nếu là người Việt dù bạn sống ở đâu vẫn luôn có cái Tết cộng đồng rất vui. Bởi truyền thống Tết của người Việt là chia sẻ. Điều quan trọng trong đời người là an lành mỗi mùa xuân sang. Đó đã là một niềm hạnh phúc nhất mỗi khi gặp nhau chúc nhau đầu năm mới!

Người Việt ăn Tết trong bao nhiêu ngày?

Người Việt mừng đón ba ngày Tết gồm: Đêm trừ tịch, mùng một, mùng hai, mùng ba Tết.

Tại sao Tết là dịp đặc biệt để con cháu hiếu kính cha mẹ

Vào dịp cuối năm, con cháu xa gần đều quy tụ về gia đình, dòng tộc để thăm hỏi ông bà, cha mẹ.

Nét riêng ngày Tết miền Trung

“Bán một cành mai ăn Tết” là tập sách gồm hai mươi truyện ngắn viết về chủ đề Tết và mùa xuân của tác giả Hoàng Công Danh.

Co giao 'cham sach' hinh anh

Cô giáo 'chạm sách'

0

“Chạm sách” là hoạt động khuyến khích học sinh trường THPT Hòa Ninh (Long Hồ, Vĩnh Long) đọc sách, yêu quý sách do thạc sĩ Văn học nước ngoài Trần Huỳnh Nhị chủ trương.

Lam sao de co duoc nang luc lam Dan hinh anh

Làm sao để có được năng lực làm Dân

0

Không ai sinh ra đã là con người đúng nghĩa. Tương tự vậy, để trở thành một công dân biết làm “đúng việc” của mình, mỗi người cũng cần phải trải qua một hành trình khai minh để hiểu “làm dân” nghĩa là gì và trang bị cho mình những năng lực cần thiết để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đó. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm