Tàu sân bay USS John C. Stennis hoạt động gần vùng biển Philippines ngày 25/2. Ảnh: US Navy |
Theo Navy Times, tàu John C. Stennis đến Biển Đông và gia nhập với các đội tàu gồm tuần dương hạm Antietam và Mobile Bay trang bị tên lửa dẫn đường, cùng các tàu khu trục Chung Hoon và Stockdale hoạt động ở khu vực này.
Tàu Stennis xuất phát từ Washington vào ngày 15/1. Soái hạm của hạm đội 7, tàu Blue Ridge, cũng đang hoạt động ở Biển Đông và trên đường đến cảng ở Philippines, vào khoảng thời gian này.
Các nguồn tin Mỹ cho biết, tàu Antietam khi đó đang tiến hành “tuần tra thường kỳ” và tách bạch với hoạt động của tàu Stennis, để tiếp nối những cuộc tuần tra của tàu khu trục McCambell và tàu đổ bộ Ashland hồi cuối tháng 2.
Sự xuất hiện của các tàu Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây lo ngại ở Biển Đông, bao gồm việc triển khai tên lửa đất đối không trái phép đến quần đảo Hoàng Sa, và lắp đặt các trạm radar ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nói về sự tăng cường hiện diện của Mỹ trong khu vực, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Clay Doss nói: “Các tàu và máy bay của chúng tôi đã hoạt động định kỳ ở khắp Tây Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông, nhiều thập kỷ qua. Chỉ riêng năm 2015, các tàu của hạm đội đã hoạt động cộng lại bằng 700 ngày ở Biển Đông”.
Một số chuyên gia nhận định sự hiện diện của các tàu, cụ thể là tàu Stennis, là tín hiệu rõ ràng gửi đến Trung Quốc và khu vực.
“Hải quân và Lầu Năm Góc đang chứng tỏ cam kết của họ về sự hiện diện và tự do hàng hải trong khu vực. Với đội tàu sân bay và tàu chiến, hải quân đang phô diễn quy mô quan tâm và khả năng hiện diện trong khu vực và trên thế giới”, Jerry Hendrix, nhà phân tích tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), nói.