Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc đưa quân vào Hoàng Sa là bất hợp pháp

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định việc binh sĩ TQ ở đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) và đưa tàu công vụ chặn tàu cá ở bãi Hải Sâm (quần đảo Trường Sa) đều là bất hợp pháp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Hoàng Hà

Trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo chiều 3/3 về việc Trung Quốc tuyên bố cứ 3 trong 4 người sống ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, là binh sĩ, cũng như vụ việc Trung Quốc đưa tàu công vụ tới chặn tàu cá ở bãi Hải Sâm, thuộc quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh, một lần nữa, Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

"Mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không có sự chấp nhận của Việt Nam đều là bất hợp pháp. Các bên liên quan cần có lời nói và hành động thiết thực trong việc duy trì, hòa bình, an toàn, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và tuân thủ luật pháp quốc tế", ông Bình nói.

Trước việc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc đã mời nước ngoài đấu thầu các lô dầu khí trên Biển Đông, biển Hoa Đông và biển Hoàng Hải, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam đã nghiên cứu kỹ nội dung thông báo mời thầu do Trung Quốc công bố. Tuy nhiên, lập trường nhất quán của Việt Nam là tại khu vực mà hai nước đang đàm phán, phân định ranh giới chồng lấn ngoài Vịnh Bắc Bộ theo luật pháp quốc tế, không bên nào được tiến hành khai thác, thăm dò dầu khí.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam có dự định sử dụng những biện pháp mạnh hơn để đáp lại những hành động gây hấn liên tiếp của Trung Quốc trên Biển Đông, chẳng hạn như kiện Trung Quốc ra tòa, ông Lê Hải Bình cho biết:

"Là quốc gia trực tiếp liên quan, Việt Nam ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Việt Nam sẽ kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền cũng như các lợi ích của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp. Đến nay, lập trường Việt Nam góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và được quốc tế hoan nghênh".

Chỉ trong một tuần, Trung Quốc đã liên tiếp có những hành vi gây lo ngại nghiêm trọng ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 16/2, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai các tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa. Đến ngày 22/2, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho biết Trung Quốc xây dựng các tháp radar trên 4 đảo nhân tạo ở Trường Sa. Ngày 23/2, các nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc điều chiến đấu cơ J-11 và JH-7 đến đảo Phú Lâm.

Tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc (PLA), ngày 29/2 cũng công bố thông tin cứ 4 công dân cư trú trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì 3 người là binh lính. Ngoài ra, các cấu trúc khác nhau, gồm các tòa nhà công quyền, được xây dựng phi pháp trên đảo Phú Lâm để “chứng minh chủ quyền của Trung Quốc”.

Theo tờ này, một bệnh viện cùng tháp truyền hình vệ tinh đã được khánh thành và các công trình gần đây đã cải thiện đáng kể nguồn cung cấp điện, nước. Tỷ lệ nhân viên quân sự so với dân thường trên đảo Phú Lâm là 3-1, PLA Daily ngang nhiên viết.

Dù tờ báo không đưa ra con số cụ thể, nhưng truyền thông Trung Quốc trước đó cho hay, cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm có khoảng 1.000 người vào năm 2013.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm