Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu dầu TQ đổi tên, 'bốc hơi' 42 ngày né lệnh trừng phạt của Mỹ

Khi đang ở Ấn Độ Dương hướng về eo biển Malacca, tàu dầu cỡ lớn Pacific Bravo ngày 5/6 bất ngờ dừng phát tín hiệu định vị và hướng đi. Tàu chở theo dầu thô từ Iran.

Giới chức Mỹ đã gửi cảnh báo đến các cảng quốc tế ở châu Á không cho tàu dầu Pacific Bravo cập cảng, cáo buộc tàu chở dầu thô từ Iran và vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, theo Reuters.

Một tàu dầu cỡ lớn như Pacific Bravo thường có năng lực vận tải khoảng 2 triệu thùng dầu, với tổng giá trị tính theo thị trường lên đến 120 triệu USD.

Đến ngày 18/7, máy phát tín hiệu của một tàu dầu tên Latin Venture được kích hoạt ngoài cảng Dickson, Malaysia, trên eo biển Malacca. Vị trí của tàu Latin Venture cách tọa độ phát tín hiệu cuối cùng của Pacific Bravo là 1.500 km.

tau dau Trung Quoc ne lenh trung phat anh 1
Tàu Pacific Bravo được cho là đã đổi tên thành tàu Latin Venture do có cùng tín hiệu nhận diện IMO. Ảnh: FleetMon.

Điều đáng nói là cả Latin Venture và Pacific Bravo phát đi cùng tín hiệu nhận diện IMO9206035, đươc cấp bởi Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Thông tin này được phát hiện bởi hãng cung cấp dữ liệu tàu biển Refinitiv và công ty VesselsValue, chuyên truy vết tàu và hoạt động mua bán tàu.

Số IMO của tàu không thay đổi. Điều này cho thấy Latin Venture thực tế chính là Pacific Bravo và chủ tàu đã tìm cách lách lệnh trừng phạt Iran.

"Không cần bàn đến các hành động khác của chủ tàu, riêng việc tàu thay tên đổi họ ngay sau khi nhận cáo buộc từ Mỹ đủ để cho thấy chủ tàu muốn đánh lừa thị trường, dù chỉ bằng cách sơ sài là đổi tên", Matt Stanley, một nhà môi giới dầu mỏ tại StarFuels, Dubai, nhận định.

Con tàu thuộc sở hữu của công ty Kunlunb Holdings, theo Equasis.org, một trang minh bạch hóa thông tin tàu bè tại Thượng Hải do Ủy ban Châu Âu (EC) và Cơ quan Hàng hải Pháp (FMA) thành lập.

Công ty Kunlun Holdings có một văn phòng ở Singapore. Theo thông tin trên Insurance Marine News, Kunlun Holdings thuộc ngân hàng CNPC Capital, là một nhánh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Khi hoạt động với tên gọi Pacific Bravo, dữ liệu của tàu ngay trước khi được tắt cho thấy các khoang chứa dầu đã đầy. Khi xuất hiện 42 ngày sau với tên Latin Venture, con tàu đã thải hết hàng hóa, theo Refinitiv và VesselsValue.

tau dau Trung Quoc ne lenh trung phat anh 2
Tàu thuộc sở hữu của công ty Kunlun Holdings. Ảnh: SCMP.

Theo thông báo của Bộ Hàng hải Malaysia, tàu Latin Venture tiến vào cảng Dickson ngày 29/6 để thay thủy thủ đoàn rồi rời đi vào ngày 18/7. Thông cáo khẳng định không có hàng hóa được dỡ khỏi tàu.

Phản hồi Reuters về tàu hàng Pacific Bravo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ không nắm thông tin về vụ việc. Tuy nhiên, người này nhấn mạnh Bắc Kinh luôn phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương và kiểu "vươn dài quyền lực pháp lý" (việc tòa án ở một nước thực thi quyền lực pháp lý với một bị đơn ở nước ngoài).

"Cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc, tham gia hoạt động hợp tác hợp pháp với Iran trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Điều này cần được tôn trọng và bảo vệ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 1/8 nhấn mạnh sẽ tiếp tục tìm cách để buộc Iran nhận ra "những hoạt động gây bất ổn của nước này sẽ trả giá rất lớn". 

Iran cảnh báo chiến tranh với nước này sẽ là 'mẹ của mọi cuộc chiến'

Tổng thống Rouhani đưa ra lời cảnh cáo giữa lúc căng thẳng Washington - Tehran leo thang. Iran liên tục bắt giữ tàu dầu, trong khi Mỹ kêu gọi đồng minh tham gia tuần tra Hormuz.

Iran nổi giận với kế hoạch hải quân châu Âu tuần tra Vùng Vịnh

Chính phủ Iran chỉ trích việc Anh đề xuất hải quân châu Âu hộ tống tàu dầu qua Vùng Vịnh là hành động khiêu khích, giữa lúc hai nước căng thẳng sau khi bắt tàu dầu của nhau.


Lê Thanh

Bạn có thể quan tâm