Nếu những thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/7 là chính xác về việc máy bay không người lái của Iran bị phá hủy khi tiếp cận tàu đổ bộ USS Boxer của Mỹ ở eo biển Hormuz, rõ ràng Washington đã tiến thêm một bước trong leo thang tới xung đột với Tehran.
Tehran chắc hẳn sẽ coi việc máy bay không người lái của nước này bị tàu chiến Mỹ phá hủy là hành động thù địch, dù cho Washington nói rằng tàu USS Boxer chỉ "hành động tự vệ".
"Đây là hành động mới nhất trong nhiều hành động khiêu khích và thù địch của Iran đối với các tàu hoạt động trong vùng biển quốc tế. Mỹ có quyền bảo vệ nhân sự, cơ sở và lợi ích của chúng tôi", ông Trump nói.
Tổng thống Donald Trump cáo buộc Iran bay drone ở khoảng cách 900 mét so với tàu USS Boxer của Mỹ ở eo biển Hormuz. Ảnh: Getty. |
Người phát ngôn quân đội Iran Abolfazl Shekarchi hôm 18/7 nói với hãng thông tấn Tansim rằng toàn bộ máy bay không người lái của Iran ở vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz đều về căn cứ an toàn.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho biết trên Twitter rằng tàu chiến Mỹ có thể đã vô tình bắn hạ máy bay không người lái của chính Washington.
Hai bên có thể bị cuốn vào cuộc chiến không mong muốn
Theo phân tích của bà Deborah Haynes, biên tập viên về các vấn đề đối ngoại của trang Sky News (Anh), nếu Iran chọn trả đũa, hai nước sẽ tiến thêm bước nữa tới một cuộc chiến tranh mà đôi bên đều không mong muốn.
Anh, nước cũng đang căng thẳng với Iran liên quan tới việc Hải quân Hoàng gia Anh bắt giữ một con tàu chở dầu lớn của Iran ngoài khơi Gibraltar ngày 4/7, đã bày tỏ lập trường về vụ việc này.
“Chúng tôi đã biết sự việc ở eo biển Hormuz và đang theo dõi chặt chẽ tình hình”, người phát ngôn chính phủ Anh cho hay.
“Leo thang trong khu vực này chẳng ích lợi cho ai cả”.
Giới phân tích cho rằng trừ khi hai bên sẵn sàng xuống thang căng thẳng, tình hình trong khu vực nhiều khả năng sẽ trượt vào quỹ đạo dẫn tới một số hình thức đối đầu vũ trang, dù là do kế hoạch, tai nạn hay tính toán sai lầm.
Trước khi xảy ra vụ việc phá hủy máy bay không người lái của Iran ở eo biển Hormuz, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 18/7 xác nhận đã bắt giữ một tàu dầu nước ngoài cùng thủy thủ đoàn 12 người, cáo buộc tàu buôn lậu nhiên liệu của Iran.
Thông báo của IRGC được công bố giữa lúc Mỹ nghi ngờ Iran "bắt cóc" tàu dầu Riah của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tàu này đi qua eo biển Hormuz để vào vùng biển Iran hôm 13/7, sau đó tắt thiết bị định vị và mất liên lạc nhiều ngày qua.
Hành động này của Iran được đánh giá là khiến tình hình thêm phức tạp trong khi nước này từng nhiều lần tuyên bố nếu căng thẳng leo thang, họ sẽ đóng eo biển Hormuz và tấn công mọi tàu chở dầu đi qua đây.
Hệ thống tích hợp phòng không trên biển hạng nhẹ của Thủy quân lục chiến, được gọi là LMADIS, trên tàu USS Boxer hôm 18/7 khi đi ngang eo biển Hormuz. Hệ thống này được cho là đã phá hủy máy bay không người lái của Iran. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ. |
Giữa lúc căng thẳng giữa hai nước không ngừng tăng nhiệt, Washington cũng tỏ ra có thể leo thang căng thẳng xa hơn nữa. Mỹ đang xây dựng một liên minh các lực lượng hải quân ở Vùng Vịnh để hộ tống tàu chở dầu và các tàu thương mại khác qua eo biển Hormuz.
Việc gia tăng hiện diện của tàu quân sự nước ngoài trong khu vực này nhằm đảm bảo an toàn cho lưu thông hàng hải. Tuy nhiên, từ góc nhìn của Iran, nó giống như sự leo thang khiêu khích của vũ khí quân sự phương Tây.
Thỏa hiệp là con đường duy nhất
Căng thẳng ngày hôm nay xuất phát từ việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, vốn đạt được giữa các cường quốc thế giới và Iran, khiến Tehran đồng ý hạn chế sản xuất hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm kìm hãm hoạt động buôn bán dầu của Iran và nói rằng họ muốn buộc Tehran phải đàm phán lại hiệp định, thảo luận về chương trình tên lửa đạn đạo và sửa đổi hành vi của mình ở Trung Đông, nơi Washington liên minh với một số quốc gia Arab chống lại Iran.
Đối thoại giữa Washington và Tehran được cho là cách duy nhất để hóa giải cuộc khủng hoảng. Để đi tới cái kết đó, chìa khóa là sự sẵn sàng thỏa hiệp ở cả hai phía. Thế nhưng cho tới nay, chưa có bên nào có ý định đó.
Trong một động thái có phần tích cực, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif, trong chuyến thăm New York ngày 18/7 đã nói rằng Tehran đã đưa ra lời đề nghị với Mỹ, theo đó nước này sẽ chính thức và vĩnh viễn chấp nhận kiểm tra tăng cường chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump dường như không đón nhận nồng nhiệt lời đề nghị và yêu cầu Iran nhượng bộ nhiều hơn nữa, bao gồm chấm dứt làm giàu uranium cũng như ngưng hỗ trợ cho lực lượng đồng minh trong khu vực, theo Guardian.
Tuy vậy, đề nghị được ông Zarif khẳng định là "một động thái đáng kể" nói trên của Iran được đưa ra trước khi nổi lên thông tin Mỹ phá hủy máy bay không người lái của Iran ở eo biển Hormuz.
Cho tới nay, phản ứng với diễn biến mới nhất, phía Iran vẫn một mực khẳng định họ không mất chiếc drone nào cả.
Các phiên bản máy bay không người lái tàng hình được Iran được chế tạo dựa trên việc đảo ngược kỹ thuật từ chiếc UAV RQ-170 Sentinel thu được của Mỹ hồi tháng 12/2011, sau khi chiếc máy bay này gặp tai nạn và phải hạ cánh xuống vùng đông bắc Iran. Ảnh: Reuters. |