Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam. Ảnh: AGS. |
Chia sẻ với báo chí tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới ngày 9/6, ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling tại Việt Nam cho biết Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng bán hàng xuyên biên giới qua Amazon cao hàng đầu.
"Điều này không phải do giá trị xuất khẩu cao nhất mà nhờ tốc độ phát triển về ngành thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua Amazon ngày càng nhiều. Và Việt Nam cũng nhận được sự chú ý của tập đoàn về sự phát triển nổi bật này", ông nói.
Đáng chú ý, số lượng nhà bán hàng Việt Nam trên nền tảng này trong năm 2022 tăng trưởng tới 80% so với năm trước đó. Ông Gijae Seong cho biết số lượng nhà bán hàng tăng đã đóng góp lượng lớn sản phẩm bán trên nền tảng và tổng kim ngạch xuất khẩu thông qua Amazon từ đó cũng tăng mạnh.
Đồng thời, Việt Nam chiếm lợi thế khi có một cộng đồng người bán online năng động và lớn. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt còn có thế mạnh về sản xuất.
"Chúng tôi có mặt tại Việt Nam năm 2019, và năm 2022 là năm mà lượng lớn doanh nghiệp sản xuất bắt đầu tham gia để lên sàn nên mới có con số tăng trưởng như vậy", ông nói thêm.
Cũng tại hội nghị, ông cho biết giá trị xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng 45% vào năm 2022, với 10 triệu sản phẩm được bán trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới này.
Theo nghiên cứu mới nhất của Access Partnership, doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam đạt 80.700 tỷ đồng vào năm 2022.
Thậm chí, doanh thu thương mại điện tử còn có thể đạt đến 256.100 tỷ đồng vào năm 2026 và gần chạm mốc 300.000 tỷ đồng vào năm 2027 nếu các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ đầy đủ và đẩy nhanh tốc độ áp dụng thương mại điện tử để xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ.
Ngoài ra, trong một khảo sát với 300 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tại Việt Nam, 86% cho rằng họ sẽ không thể thực hiện hoạt động xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử. Những thị trường mà các MSMEs này muốn nhắm đến trong vòng 5 năm tới là Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu.
Về tình hình xuất khẩu online qua Amazon trong những tháng đầu năm nay, ông Gijae Seong cho hay các đối tác Việt hiện có kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực. Đáng chú ý, năm 2023 chi phí logistics bình ổn hơn nhiều so với các năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, điều này giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, đơn vị này sắp tới sẽ kết nối các nhà bán hàng xuyên quốc gia để giúp chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Đơn cử, đối với Trung Quốc, các nhà bán hàng đã có kinh nghiệm xuất khẩu online 10 năm hoặc Hàn Quốc là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại hàng đầu thế giới. Do đó, thông qua các đối tác, nhà bán hàng này có thể giúp doanh nghiệp Việt chia sẻ kinh nghiệm thực chiến hơn.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.