Tại buổi chia sẻ mới đây, bà Lê Thị Khánh Hà - Giám đốc truyền thông, đối ngoại của Amazon Global Selling Việt Nam cho biết số lượng đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng hơn 80%, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này góp phần làm cho giá trị xuất khẩu của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng hơn 45%.
"Đáng chú ý, số lượng đối tác bán hàng Việt Nam có doanh số trên 1 triệu USD tăng 30% so với cùng kỳ", bà nhấn mạnh.
Bà cũng cho biết dù tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều thách thức trong những tháng đầu năm 2023, Amazon vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực của các đối tác bán hàng từ Việt Nam tham gia xuất khẩu online qua nền tảng này.
Với những kết quả trên, ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhìn nhận trong 2-3 năm trở lại đây, bán hàng toàn cầu qua Amazon của doanh nghiệp Việt đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất so với các nước trong khu vực châu Á.
"Điều này không có ý nghĩa quá lớn, tuy nhiên nó cho thấy tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới", đại diện đơn vị này nói thêm.
Thực tế, một khảo sát do AlphaBeta thực hiện mới đây cho thấy 88% doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử đối với năng lực xuất khẩu của họ.
Cũng từ đây, xuất khẩu trực tuyến hay thương mại điện tử xuyên biên giới là cơ hội mới cho Việt Nam với quy mô tiềm năng tăng trưởng lớn trong 5 năm tới, dự báo tốc độ tăng trưởng hơn 20%/năm.
Tuy nhiên, nếu so sánh về tổng dung lượng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hàng năm khoảng 370 tỷ USD, ông Gijae Seong khẳng định tiềm năng của xuất khẩu online vẫn còn rất lớn khi mới chỉ chiếm khoảng 1%.
Chia sẻ với báo chí mới đây, đại diện Alibaba khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng cho biết thông qua dữ liệu xuất khẩu của Việt Nam trong những năm vừa qua, hàng hóa Việt Nam đang đứng hàng đầu về nhu cầu thu mua của thế giới và ngày càng có nhiều đối tác mua hàng ngoại quốc sẵn sàng coi sản phẩm ''made in Vietnam'' là lựa chọn hàng đầu để thu mua.
"Sản phẩm từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng thành phẩm, kỹ năng xuất khẩu cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng", vị này nhấn mạnh.
Dù vậy, khảo sát của AlphaBeta cũng cho thấy hơn 80% trong số các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử thừa nhận rằng họ thiếu thông tin về các quy định liên quan ở nước ngoài. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải gặp nhiều khó khăn khác khi vận hành xuất khẩu online như logistics, thanh toán, pháp lý, xây dựng thương hiệu...
Phía Amazon cho biết đang cố gắng hỗ trợ việc tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng muốn mở rộng thêm các ngành hàng, để nhiều doanh nghiệp Việt thấy được cơ hội và ngành hàng của họ có thể kinh doanh trên Amazon.
"Hiện tại, bên cạnh 5 nhóm ngành hàng bán chạy như dụng cụ nhà bếp, đồ gia dụng, dệt may, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân, tiện ích gia đình. Thời gian gần đây, những ngành hàng như chăm sóc sắc đẹp, sản phẩm quà tặng, sản phẩm tiêu dùng (hạt điều, trái cây sấy khô, trà...) cũng bắt đầu cho thấy tín hiệu tốt", ông bổ sung.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.