Tuy là một phong tục phổ biến của người Việt xưa, nhưng nhiều bộ phim cổ trang Việt rất ít khi để cho các nhân vật xuất hiện với hàm răng đen, trừ các nhân vật cụ bà.
Với quan điểm làm tác phẩm có bối cảnh lịch sử, thì dù nội dung có hư cấu đến đâu, bối cảnh văn hóa, sinh hoạt đều phải giống với lịch sử, nhóm tác giả Long thần tướng đưa nhiều đặc trưng văn hóa người Việt xưa vào. Bộ truyện có bối cảnh thời Trần, nên hầu hết nhân vật đều xăm mình, và nhuộm răng đen. Duy chỉ có nhân vật chính (Long) được vẽ với hàm răng trắng, và trong truyện hay bị mắng “Cái thằng răng trắng ởn như răng chó”. Nhóm tác giả lý giải họ chủ đích để Long có hàm răng trắng, như một cách tạo ấn tượng cho nhân vật chính.
Trong nhiều cuốn sách viết về văn hóa người Việt xưa đều nhắc tới hàm răng đen như một đặc trưng. Theo nhà nghiên cứu Đào Duy Anh, viết trong cuốn Việt Nam Văn hóa sử cương, tục nhuộm răng đen có từ cách đây hàng nghìn năm.
Sách dẫn lời Giáo sư Henri Maspéro, cho rằng tục nhuộm răng cũng như tục ăn trầu, dân ta có từ thời đại Văn Lang. “Nhưng hai phong tục ấy không phải phong tục đặc biệt của người Việt Nam, vì người Cao Man, người Ấn Độ, người Mã Lai ăn trầu còn nhiều hơn người Việt Nam, mà răng nhuộm thì ta thấy người Nhật Bản xưa cùng người Mã Lai và ít nhiều giống thổ dân ở Nam Dương quần đảo cũng có tục ấy”, sách Việt Nam Văn hóa sử cương viết.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhuộm răng đen trở thành một phong tục phổ biến, kéo dài cho đến thế kỷ 20.
Nhiều người thường nghĩ rằng người Việt Nam xưa vì ăn trầu cho nên có răng đen. Thực ra tục ăn trầu và tục nhuộm răng không có quan hệ gì với nhau, tuy hai tục ấy đều khiến cho răng thành vững chắc.
Người Việt Nam bất cứ nam nữ, chừng 16, 17 tuổi đều nhuộm răng. Vì những chất dùng để nhuộm răng là những chất nồng và cay, nên môi và lưỡi đều sung, khiến người nhuộm răng phải nhịn cơm và đồ ăn cứng đến nửa tháng; chỉ ăn đồ lỏng (cháo) hoặc đồ không nhai mà dễ nuốt (bún) mà thôi. Trong thời kỳ nhuộm, để cho thuộc ăn chặt vào răng, nên cũng vì lẽ ấy mà phải kiêng nhai đồ cứng.
Răng đen là một trong những tiêu chí đánh giá vẻ đẹp người xưa. Trong ảnh là một người phụ nữ Việt chụp năm 1908. Ảnh: Pierre Dieulefils |
Thông thường, ở nước ta xưa thì người nào để răng trắng là người bất chính, bị thiên hạ chê cười. Nhưng câu “Răng trắng như răng chó”, “Răng trắng như răng ngô” đều có hàm ý bỉ bạc. Răng đen là một yếu tố của nhan sắc đàn bà con gái.
Những câu ca dao cho thấy giá trị của răng đen như: “Lấy chồng cho đáng tấm chồng/ Bõ công trang điểm má hồng răng đen”, hay “Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên/ Ba thương má lúm đồng tiền/ Bốn thương răng nhánh hột huyền kém thua”.
Dẫu người đẹp thế nào mà răng không đen nhành thì nhan sắc cũng giảm. Bởi vậy, người Việt Nam xưa, nhất là đàn bà con gái, nhuộm răng rồi còn phải dùng những thuốc gọi là thuốc xỉa để giữ cho răng được luôn luôn đen bóng.
Trong bài hịch của vua Quang Trung khi kéo quân ra Bắc đánh giặc nhà Thanh vào năm 1789 có câu liên quan đến tục nhuộm răng vì đây là một tập tục quan trọng trong văn hóa người Việt: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoà”.
Cho đến năm 1948, khi Hoàng Cầm viết bài thơ Bên kia sông Đuống, tục nhuộm răng đen vẫn còn. Bài thơ có hai câu miêu tả người phụ nữ: “Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng”.
Trên thực tế, từ đầu thế kỷ XX, ở các thành thị lớn của Việt Nam, tục ăn trầu và nhuộm răng đã suy yếu nhiều. Thanh niên nam nữ phần nhiều không ăn trầu, để răng trắng. Phong tục nhuộm răng đen ít đi, dần dần biến mất.