4 năm trôi qua từ khi New York Times đăng bài báo đầu tiên dựa trên vụ Tài liệu Lầu Năm Góc và sự kết thúc của Chiến tranh Việt Nam. Nhưng phải 4 năm sau khi bài báo đầu tiên xuất hiện trên New York Times, Chiến tranh Việt Nam mới kết thúc.
2 năm sau khi Washington Post đăng câu chuyện đầu tiên về Bê bối Watergate (tổng thống Richard Nixon cho người đột nhập văn phòng của đảng Dân chủ trong khách sạn Watergate ở thủ đô Washington), Richard Nixon từ chức tổng thống Mỹ.
Với vụ Tài liệu Panama, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson chỉ có thể chống chọi áp lực từ dư luận trong 48 giờ trước khi từ chức. Trước đó giới truyền thông phanh phui những giao dịch ngân hàng của ông dựa vào những thông tin trong vụ Tài liệu Panama.
Thủ tướng Anh David Cameron và ông
Sigmundur David Gunnlaugsson , người vừa từ chức thủ tướng Iceland vì vụ Tài liệu Panama. Ảnh: REX |
Các tài liệu bị rò rỉ
Vào năm 2011, WikiLeaks tiết lộ nội dung của hàng loạt điện tín, điện đàm ngoại giao cho Times, Der Spiegel, Guardian và nhiều báo khác. Giới quan sát nhận xét rằng hành động của WikiLeaks tượng trưng cho “thắng lợi của sự minh bạch”. Thế nhưng hồi ấy, Bill Keller, cựu tổng biên tập của Times và New York Times, vẫn khẳng định: “Chúng ta vẫn chưa tiến tới kỷ nguyên tự do thông tin hoàn toàn”.
5 năm sau, có lẽ người ta đã có cơ sở để nói nhân loại đã tiến tới gần hơn tới thời kỳ hoàng kim của tự do thông tin. Thực tế ấy đang thay đổi tiến trình lịch sử khá nhanh. Nó cũng thay đổi các quy tắc đối với những nhà báo chính thống trong lĩnh vực “đào xới” các bí mật, và đối với cả việc giữ bí mật của giới quan chức và doanh nghiệp.
Năm ngoái, một thẩm phán liên bang nhận định Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đặt câu hỏi về tính hợp hiến của chương trình nghe lén điện thoại sau khi Edward Snowden, một cựu nhân viên của CIA và NSA, tiết lộ thông tin về chương trình. Thông tin của Snowden cũng dẫn tới cuộc chiến pháp lý giữa hãng Apple và Bộ Tư pháp Mỹ về mã hóa thông tin trên điện thoại iPhone trong năm nay.
Giờ đây công chúng biết 11,5 triệu hồ sơ mật đã lộ diện trong vụ Tài liệu Panama, dựa vào những tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca tại Panama. Chúng hé lộ mạng lưới các công ty bình phong mà những người giàu và quyền lực trên thế giới sử dụng để giấu tài sản và trốn thuế. Vụ việc đang gây nên những cơn bão chính trị đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Anh David Cameron và nhiều nhà lãnh đạo khác.
Yếu tố khiến dư luận sửng sốt nhất là phương thức trốn thuế trong vụ Tài liệu Panama hoàn toàn hợp pháp. Song “núi” dữ liệu khổng lồ cũng là một thách thức lớn đối với những phóng viên và biên tập viên vốn quen với việc phỏng vấn và gọi điện cho con người.
Các nhà báo thuộc Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) mất một năm để nghiên cứu 2,6 terabyte dữ liệu trước khi công bố "Tài liệu Panama" gây chấn động. Ảnh: Livescience |
Thách thức với các nhà báo quốc tế
Vấn đề dữ liệu bắt đầu xuất hiện từ khi WikiLeaks công bố thông tin tuyệt mật. Trong các bài báo, Times, Guardian và nhiều báo khác giấu tên của các nguồn tin. Nhưng sau đó, một số tài liệu của WikiLeaks xuất hiện trên mạng với đầy đủ tên của các nguồn tin, khiến nhiều người chỉ trích rằng hành vi đó khiến các nguồn tin lâm vào tình thế nguy hiểm.
Julian Asange, người sáng lập WikiLeaks, nói rằng việc công bố tên của các nguồn tin không gây hại cho họ. Tuy nhiên, Chelsea Manning, quân nhân Mỹ cung cấp dữ liệu cho WikiLeaks, đã nhận bản án 35 năm tù do lấy cắp dữ liệu tình báo. Bản án của Manning, theo giới phân tích, là một phần trong nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm kết liễu kỷ nguyên tự do thông tin tuyệt đối.
Tình hình trở nên nan giải hơn khi dữ liệu thuộc về giới doanh nghiệp. Nghi án tin tặc Triều Tiên xâm nhập dữ liệu của hãng Sony Pictures Entertainment để ngăn chặn bộ phim về ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong Un là một ví dụ.
Các nhà báo phát hiện nhiều sự thật đáng để viết trong những email của các nhà quản lý thuộc Sony Pictures Entertainment, song họ cũng không muốn giúp một quốc gia sử dụng hành vi xâm nhập dữ liệu để ngăn chặn việc phát hành một bộ phim.
Những người chủ trì vụ Tài liệu Panama – thuộc Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) - luôn nhớ một điều: Công bố thông tin bị lấy cắp có thể gây rắc rối nếu nó không phục vụ một mục đích chính trị rõ ràng.
Gerard Ryle, giám đốc ICIJ, không biết dữ liệu bị lấy cắp hay không. Nhưng ông viết dòng chữ “Liệu đây sẽ là vấn đề ảnh hưởng tới toàn thế giới hay không?”, lên bảng trong văn phòng.
Rút kinh nghiệm từ vụ rò rỉ dữ liệu của Sony và những vụ liên quan tới WikiLeaks, Ryle nói ICIJ tỏ ra cực kỳ thận trọng. Họ không công bố mọi dữ liệu mà họ có, đặc biệt là thông tin cá nhân của những người không nổi tiếng đối với công chúng.
Đề cập tới WikiLeaks, Ryle cho rằng báo chí chính thống chấp nhận hành vi lấy cắp dữ liệu.
“Chúng ta ngày càng trở nên chểnh mảng, tùy tiện và tự mãn về sứ mệnh mà xã hội muốn chúng ta thực hiện: Rọi ánh sáng vào những nơi tối tăm”, ông bình luận.