"Tài liệu Panama" - khối dữ liệu 2,6 tyrabyte, 11,5 triệu tài liệu của công ty Mossack Fonseca bị rò rỉ ra bên ngoài cho thấy hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức nhiều quốc gia từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015. Theo đó, công ty đã lập mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia, doanh nhân, ngôi sao nổi tiếng của các nước cất giấu tài sản và có thể đã rửa hàng tỷ USD tiền mặt.
Công ty luật Mossack Fonseca đặt trụ sở ở Panama nhưng hoạt động trên toàn thế giới. Thông tin trên website tiết lộ công ty có hệ thống nhân viên làm việc tại 42 quốc gia, bao gồm nhiều "thiên đường trốn thuế" như Thụy Sĩ, Cyprus, quần đảo Virgin thuộc Anh…
Cái bắt tay của hai luật sư
Năm 1986, dưới thời của nhà lãnh đạo quân sự Manuel Noriega, hai ông Jurgen Mossack và Ramon Fonseca sáp nhập hai hãng luật nhỏ của cá nhân thành một hãng luật chung, với mục tiêu tạo dựng một tổ chức của các ngân hàng nước ngoài bí mật cho giới thượng lưu. Trong ba thập kỷ tiếp theo, họ mở rộng đội ngũ nhân viên hơn 500 người, kết nối mạng lưới công ty trên thế giới và lên danh sách khách hàng là những nhân vật nổi tiếng và cả tai tiếng.
Ông Mossack sinh năm 1948 tại Đức, có cha là thành viên lực lượng Waffen-SS khét tiếng của Phát xít Đức trong Thế chiến II. Theo tài liệu tình báo, gia đình chuyển đến Panama những năm 1960 và tại đây, người cha làm cho Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Trong khi Mossack là người rất kín đáo, Fonseca lại hoàn toàn ngược lại. Sinh ra tại Panama năm 1952, ông Fonseca theo học tại Học viện Kinh tế London và có nhiều năm làm việc cho Liên Hợp Quốc với sứ mệnh mà ông mô tả là "cứu lấy thế giới".
Jürgen Mossack (trái) và Ramón Fonseca. Ảnh: epublicain-lorrain.fr |
Sau đó, ông Fonseca chuyển sang viết tiểu thuyết và trở thành tác giả nổi tiếng vào những năm 1990, hai lần giành giải thưởng văn học cao nhất của Panama. Tuy nhiên, tham vọng lớn hơn của ông là chính trị. Một ngày nọ, khi đang phàn nàn về tình hình chính trị Panama, người cha đã nói với ông rằng: "Thật không công bằng khi chỉ trích các dũng sĩ đấu bò khi không ở vị trí của họ. Hãy bước lên vũ đài".
Những năm 2000, Fonseca tham gia đảng Panameñista và trở thành cố vấn thân cận của Juan Carlos Varela. Sau khi ông này trở thành tổng thống năm 2014, Fonseca có mặt trong nội các với vai trò cố vấn tổng thống. Fonseca nói với các cộng sự rằng ở cương vị này, mong muốn của ông là làm trong sạch chính phủ. Tuy nhiên, bê bối tham nhũng ở Brazil đã buộc ông phải từ chức năm nay.
Hoạt động kinh doanh phất lên như diều gặp gió và có địa vị xã hội, song Mossack và Fonseca dường như lại sống rất tách biệt. Bạn bè và cộng sự mô tả tính cách của họ hoàn toàn khác.
Một số nhân viên cũ mô tả hãng luật có văn hoá làm việc kỷ luật và cả hai nhà sáng lập đều là những người khắt khe khi yêu cầu nhiều thủ tục chi tiết liên quan đến vấn đề kinh doanh. Mileidy Castillo, người từng làm việc ở đây 3 năm, nói rằng có rất nhiều quy trình mà họ phải theo.
Thiên đường né thuế
Sự xuất hiện của Mossack Fonseca trùng với thời điểm Panama nổi lên như một thủ đô của ngành công nghiệp ngân hàng quốc tế trên thế giới. Dòng vốn gia tăng toàn cầu qua biên giới giai đoạn 1970-1980 đã thúc đẩy thị trường dành cho những luật sư, kế toán có khả năng bảo vệ tiền, và Panama đã tận dụng lợi thế của xu hướng bùng nổ này.
Từ đầu những năm 1900, với vai trò là trung tâm thương mại, vận tải biển của nút giao hai châu lục và điểm hội tụ Thái Bình Dương - biển Caribbean, Panama được coi là ứng viên sáng giá của lĩnh vực thanh toán nước ngoài.
"Là trung tâm thương mại quốc tế, nên việc Panama phù hợp với những thứ như tài chính quốc tế cũng là điều dễ hiểu. Tôi không biết liệu có hợp lý hay không nhưng mọi người luôn nghĩ rằng Panama có gì đó mờ ám", giáo sư Victor Fleischer tại Học viện Luật của Đại học San Diego cho biết.
Danh sách các chính trị gia trong tài liệu bị rò rỉ của hãng luật Mossack Fonseca. Theo tờ McClatchy, 29 trong số 500 người giàu nhất thế giới theo danh sách của tạp chí Forbes có dính líu tới các hoạt động tài chính phi pháp vừa bị lộ. Đồ họa: Süddeutsche Zeitung |
Hoạt động tích cực và nhanh chóng bắt kịp xu thế, danh tiếng của Mossack Fonseca ngày càng được biết đến nhiều hơn. Hai ông Mossack và Fonseca nhanh chóng trở nên giàu có, thậm chí Fonseca đã nâng tầm thành công, trở thành nhân vật chính trị có tầm ảnh hưởng. Người sáng lập hãng luật dễ dàng chi tiền để mua nhiều căn nhà lớn ở Panama và tận hưởng cuộc sống xa hoa.
Theo New York Times, nhiều cái tên khác cũng tham gia cuộc cạnh tranh miếng bánh béo bở này, cả những công ty lớn và nổi bật hơn Mossack Fonseca. Theo giới chuyên gia, trên thực tế, Mossack Fonseca chỉ là một trong vô số công ty trên khắp thế giới đóng vai trò là nơi ẩn giấu hàng nghìn tỷ USD và bòn rút 200 tỷ USD doanh thu thuế mỗi năm. Các tài khoản ở nước ngoài tăng nhanh chóng trong vài thập kỷ qua và chúng được tận dụng cho mục đích rửa tiền, trốn thuế hoặc khủng bố tài chính.
Trong khi các trung tâm tài chính khác như quần đảo Virgin thuộc Anh, quần đảo Cayman và Singapore nhanh chóng chấp thuận thực hiện sáng kiến minh bạch năm 2009 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thì Panama, vốn quen với việc đi theo con đường riêng của mình, đã nằm ngoài những quy định này.
Theo Tổng thư ký OECD, ông Angel Gurria, Panama là nước vẫn cho phép quỹ đen được giấu ở nước ngoài để trốn thuế và cơ quan thực thi pháp luật. Năm 2014, Đội Đặc nhiệm Tài chính về Rửa tiền (FATF) xếp Panama vào danh sách các nước không có hệ thống ngăn ngừa và chống rửa tiền hữu hiệu.
Khi 'kẻ canh gác' buông tay
Công ty Mossack Fonseca được xây dựng trên cơ sở đảm bảo quyền riêng tư "chống đạn" cho khách hàng. Các cựu nhân viên cho biết công ty có một đội ngũ nhân viên phụ tá, công việc chính là sắp xếp khách sạn, dịch vụ xe và vui chơi giải trí cho khách hàng giàu có khi họ đến thành phố.
Tuy nhiên, hoạt động của nó đang bị điều tra, sau khi vụ rò rỉ tài liệu phơi bày sự tồn tại của mạng lưới công ty ma và thiên đường trốn thuế cho những người giàu có nhất thế giới. Những tiết lộ này đã khiến thủ tướng của Iceland mất chức và kéo theo các cuộc điều tra gắt gao ở ít nhất hai châu lục.
Cả hãng luật và bản thân ông Fonseca đều khẳng định họ không phải chịu trách nhiệm cho hoạt động của các công ty hình thức mà họ lập ra. Trong cuộc phỏng vấn ngày 6/4, Fonseca cho biết công ty đã nghiên cứu khách hàng cẩn thận và cắt đứt quan hệ với bất kỳ ai có tiếng xấu. Khách hàng của hãng chỉ là luật sư, kế toán và người trung gian.
"Chúng tôi giống một nhà máy ôtô chuyên bán xe cho đại lý. Đại lý sẽ bán xe cho bất cứ ai phù hợp. Nhà máy không chịu trách nhiệm với điều gì đã xảy ra với chiếc xe", Fonseca viết, đồng thời khẳng định hãng luật đã cố gắng hết sức để xác định người chủ thực sự của mạng lưới công ty "ma".
Mối liên hệ giữa các bên với công ty luật Mossack Fonseca ở Panama trong các hoạt động tài chính phi pháp bị rò rỉ. Đồ họa: Irishtimes |
Vị luật sư của Mossack Fonseca còn biện minh hãng luật là nạn nhân của hành động đột nhập dữ liệu từ bên ngoài. Trong một cuộc phỏng vấn, ông khẳng định, "khi cơn bão qua đi, bầu trời sẽ xanh trở lại và mọi người sẽ hiểu rằng tội phạm duy nhất là kẻ đột nhập".
Những người Panama quen biết Fonseca đều nói rằng, nội dung rò rỉ mâu thuẫn với cách mà ông đang cố chứng tỏ bản thân và vai trò của mình với đất nước. Carlos Guevara Mann, một cựu quan chức chính phủ, kể rằng khi hỏi Fonseca về lý do bận tâm đến chính trị, vị luật sư khẳng định ông muốn cải thiện vấn đề nhân quyền của đất nước.
"Khi bạn móc nối câu chuyện trên với thực tế là hãng luật đang cung cấp dịch vụ cho những người vi phạm nhân quyền trên thế giới, điều đó thật sự ghê tởm", Mann nói. Trong số tài liệu rò rỉ có một loạt email cho thấy, các đối tác hàng đầu của công ty nhận ra rằng trong nhiều năm, họ đã làm việc với khách hàng Iran có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc.
Vụ rò rỉ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực ngân hàng, pháp lý và nền kinh tế Panama, dội gáo nước lạnh lên đầu tầng lớp kinh doanh nước này. Liên đoàn luật sư Panama cáo buộc nó không khác gì một cuộc tấn công làm mất uy tín quốc gia. Trong buổi họp báo ngày 4/4, José Alberto Alvarez, chủ tịch Hiệp hội Luật sư Panama, nhận định rằng sự việc này đang ảnh hưởng đến giới luật sư và cả đất nước.
"Tài liệu Panama" cũng khiến giới điều tra để ý hơn đến lĩnh vực tài chính và pháp lý của Panama, cũng như sự lãnh đạo của đất nước đang cố gắng thoát khỏi cái tiếng là "thiên đường của tội phạm và tham nhũng". Hồi tháng 2, Panama được loại khỏi danh sách duy trì theo dõi của cơ quan quốc tế chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, nó vẫn chịu sự giám sát vì được coi là thiên đường né thuế.
Trong nhiều năm qua, tòa án và các nhà điều tra của chính phủ từng cố "đâm thủng" lá chắn bí mật của Mossack Fonseca. Tại Brazil, Mossack Fonseca liên quan đến một cuộc điều tra tham nhũng hối lộ chính trị gia, do các công ty làm ăn với công ty dầu khí nhà nước thực hiện. Giới điều tra chú ý đến Mossack Fonseca sau khi phát hiện một loạt căn hộ do người thân của một chính trị gia bị giam giữ đứng tên. Tháng 1 năm nay, một công tố viên điều tra tham nhũng ở Brazil còn công khai gọi hãng luật là "tổ chức rửa tiền lớn".
Tại Mỹ, một vụ kiện gần đây còn phát hiện mối liên hệ giữa công ty ma M.F. Corporate Services tại Nevada (MF Nevada) với trụ sở Mossack Fonseca ở Panama. Thẩm phán nghi ngờ Mossack Fonesca đã chuyển các khoản tiền đến công ty ma ở Nevada. Tuy nhiên, hãng luật tìm cách chối bỏ chi nhánh này là một phần của Mossack Fonseca.
"Là luật sư, chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ quyền riêng tư", Fonseca nhấn mạnh.