Bastian Obermayer (trái) và Frederik Obermaier, hai phóng viên điều tra của tờ Süddeutsche Zeitung tham gia xử lý thông tin vụ bê bối. Ảnh: New York Times |
“Xin chào, tôi là John Doe. Các anh có quan tâm đến dữ liệu không?”, một “người thổi còi” bí ẩn viết cho Süddeutsche Zeitung thời điểm đó. “John Doe” là cái tên dùng để chỉ những nhân vật chưa rõ danh tính hoặc muốn ẩn danh trong các vụ kiện ở Mỹ và Canada.
Không phải ngẫu nhiên “John Doe” chọn mặt Süddeutsche Zeitung để gửi vàng. Tờ báo đặt trụ sở ở Munich từng tổ chức nhiều tuyến bài điều tra để lật tẩy các vụ trốn thuế và rửa tiền quy mô lớn. "Chúng tôi rất quan tâm", nhà báo Bastian Obermayer trả lời. Anh là phóng viên kỳ cựu chuyên điều tra các vụ bê bối tài chính.
Theo báo New York Times, cuộc trao đổi kỳ lạ đó chính là điểm khởi đầu của một địa chấn toàn cầu “Tài liệu Panama”.. Trong nhiều tháng sau đó, “John Doe” đều đặn gửi cho các phóng viên Süddeutsche Zeitung rất nhiều thư điện tử, bản scan của thư viết tay, hình ảnh và dữ liệu khách hàng được moi từ các máy chủ của Mossack Fonseca, một công ty luật ở Panama.
Biển hiệu hãng luật
Mossack Fonseca ở thành phố Panama Ảnh: Reuters |
Cuộc điều tra Prometheus
Hai tháng đầu, các phóng viên Süddeutsche Zeitung miệt mài nghiên cứu xem đống tài liệu khổng lồ này có phải là hàng thật không, đồng thời nỗ lực giải mã mạng lưới nhằng nhịt của các giao dịch tài chính bí mật.
"Công việc đó trở thành một cơn nghiện", phóng viên Frederik Obermaier, đồng nghiệp của Obermayer, cho biết. "Chúng tôi thường nhắn tin cho nhau vào những giờ điên rồ, ví dụ như lúc 2 hay 4 giờ sáng về những phát hiện mới nhất".
Tuy nhiên, đội điều tra năm người của Süddeutsche Zeitung không thể đủ sức xoay sở với khối dữ liệu khổng lồ. Süddeutsche Zeitung quyết định cầu viện sự hỗ trợ của Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) có trụ sở tại Washington, DC (Mỹ).
Trong vòng vài tuần, ICIJ tập hợp được một đội quân gồm 400 phóng viên đến từ hơn 100 tờ báo và hãng thông tấn ở 80 quốc gia, trong đó có báo Guardian và hãng BBC của Anh, nhật báo Pháp Le Monde ở Pháp, Sonntagszeitung tại Thụy Sĩ, và tuần san L'Espresso của Ý.
Rất nhiều thành viên của đội quân này từng hợp tác chặt chẽ với nhau trong các cuộc điều tra trước đây về một số “thiên đường né thuế”, ví dụ như vụ “Rò rỉ Thụy Sĩ” hồi năm 2015 và “Rò rỉ Lux” năm 2014. Do đó, sự hợp tác diễn ra hết sức thuận lợi.
Cùng nhau, các nhà báo quốc tế mổ xẻ núi dữ liệu mà Süddeutsche Zeitung nhận được và chuyển tất cả tới một máy chủ an toàn của ICIJ. Họ đặt bí danh Prometheus cho cuộc tra này. Trong thần thoại Hi Lạp, Prometheus là vị thần khổng lồ từng đánh cắp bí mật của ngọn lửa từ tay các vị thần và trao cho cho con người.
Giám đốc ICIJ Gerard Ryle Ảnh: AFP |
Hợp tác chặt chẽ
Nhà báo Luke Harding của Guardian, người từng viết bài về các vụ rò rỉ dữ liệu trước đây như WikiLeaks vào năm 2010 và Edward Snowden vào năm 2013, cho biết dữ liệu cứ liên tục đổ về, khiến các phóng viên phải hợp tác rất chặt chẽ với nhau để đeo bám và nắm bắt các chi tiết mới.
Trong các vụ rò rỉ trước đây, “người thổi còi” thường cung cấp một lần một khối dữ liệu lớn duy nhất. Nhưng ở trường hợp này, “John Doe” liên tục bắn thông tin trong một khoảng thời gian dài. Do đó, các nhà báo lập một chiến lược hợp tác và phân tích dữ liệu chung. Họ cam kết giữ bí mật hoàn toàn cho đến ngày giật nổ quả bom tài chính “Tài liệu Panama”.
Các nhà báo tổ chức hàng loạt cuộc họp bí mật, có những cuộc có tới hơn 100 người tham gia. Cuộc họp đầu tiên diễn ra tại một căn phòng trong Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia tại Washington DC hồi tháng 6/2015. Tiếp đến là các cuộc họp kín khác ở Munich (Đức), London (Anh) và Lillehammer (Na Uy).
"Nguy cơ lớn nhất là có chuyện gì đó xảy ra, các phóng viên hào hứng quá mức và muốn đăng bài ngay lập tức”, giám đốc ICIJ Gerard Ryle kể. Khoảng 12 nhân viên của ICIJ, cũng như nhiều cộng tác viên, đã đóng góp hết mình cho cuộc điều tra.
ICIJ tạo ra một số công cụ hữu ích để giúp các nhà báo xử lý thông tin. Chúng bao gồm một diễn đàn an toàn trên Facebook, nơi các phóng viên có thể gửi kết quả nghiên cứu của họ. Ngoài ra, ICIJ còn phát triển một chương trình tìm kiếm cơ sở dữ liệu có tên "Blacklight" (Ánh sáng đen) giúp nhóm điều tra lục tìm tên nhân vật, quốc gia và các nguồn cụ thể.
Khối tài liệu ban đầu được viết bằng 25 ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên hầu hết các cuộc trao đổi trên diễn đàn đều diễn ra bằng tiếng Anh. Ở đó, các phóng viên chia sẻ những thông tin quan trọng với từng nhóm điều tra mỗi đề tài riêng.
Danh sách các chính trị gia trong tài liệu bị rò rỉ của hãng luật Mossack Fonseca. Đồ họa: ICIJ |
Giới nhà giàu đang lo thắt ruột
Mỗi tờ báo và hãng thông tấn đều áp dụng các biện pháp an ninh cần thiết để giữ bí mật cuộc điều tra. Họ hạn chế quyền truy cập vào các máy tính kết nối với máy chủ ICIJ, đồng thời không công khai thông tin trong toàn tòa soạn.
Khi phát hiện một cái tên cụ thể trong khối dữ liệu, các phóng viên đào bới để để tìm kiếm mọi manh mối cho thấy cá nhân đó có dính líu tới công ty bình phong, tài khoản ngân hàng nước ngoài hay những nhân vật quyền lực. Nhà báo Harding truy ra hơn 100 giao dịch quốc tế phức tạp từ một công ty nước ngoài có quan hệ với nhạc sĩ Sergei Roldugin, một trong những người bạn thân nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tương tự, các nhóm điều tra khác trong “dự án là Prometheus” cũng đã dùng “Tài liệu Panama” để phanh phui hàng loạt tài khoản nước ngoài của một số chính trị gia có máu mặt tại ở nhiều nước như Pháp, Pakistan, Arab Saudi Arabia, cũng như một số ngôi sao điện ảnh và thể thao quốc tế.
Và bê bối “Tài liệu Panama” đã dẫn tới những biến động chính trị lớn tại một số quốc gia. Nạn nhân chính trị đầu tiên là Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, một khách hàng của hãng luật Mossack Fonseca. Hôm 5/4, ông Gunnlaugsson tuyên bố từ chức trước sức ép của dư luận và các đảng đối lập.
"Rất nhiều người giàu có và quyền lực, đã tích lũy khối của cải khổng lồ, hẳn đang phải lo đến thắt ruột. Giờ thì họ nhận ra rằng các bí mật ngân hàng của họ không hề an toàn và thư điện tử không còn là công cụ cá nhân riêng tư nữa. Tôi nghĩ báo chí điều tra đang bước vào một thời kỳ vàng son mới", nhà báo Harding khẳng định.
“Tài liệu Panama” là khối dữ liệu 11,5 triệu trang của công ty Mossack Fonseca, bị rò rỉ ra bên ngoài cho thấy hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức nhiều quốc gia từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015.
Tài liệu cho thấy công ty Mossack Fonseca đã lập mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia và doanh nhân các nước che giấu tài sản và có thể đã rửa hàng tỷ USD tiền mặt.
Những cái tên nổi bật trong danh sách bị cáo buộc có liên quan đến gia đình và cộng sự của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad...
Công ty luật Mossack Fonseca đặt trụ sở ở Panama nhưng hoạt động trên toàn thế giới. Website của Mossack Fonseca cho biết công ty có hệ thống 600 nhân viên làm việc tại 42 quốc gia, bao gồm nhiều "thiên đường trốn thuế" như Thụy Sĩ, Cyprus, quần đảo British Virgin