Trong dòng trạng thái đăng trên Twitter ngày 6/4, WikiLeaks tiết lộ rằng vụ rò rỉ Tài liệu Panama là sản phẩm của Trung tâm Nghiên cứu Tham nhũng và Tội phạm có tổ chức (OCCRP), với mục đích nằm vào Nga và Liên Xô cũ. Hoạt động này do Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) và quỹ của tỷ phú George Soros tài trợ.
Các tổ chức thuộc Soros không được hoan nghênh ở Nga. Năm 2015, Văn phòng Công tố Nga gọi Quỹ xã hội và Quỹ hỗ trợ viện xã hội của Soros là các nhóm có thể gây phiền phức, cấm công dân và tổ chức của Nga không tham gia bất kỳ dự án nào của họ. Các công tố viên sau đó cho biết hoạt động của viện và quỹ hỗ trợ là mối đe dọa đối với trật tự hiến pháp và an ninh quốc gia Nga.
Danh sách các chính trị gia trong tài liệu bị rò rỉ của hãng luật Mossack Fonseca. Theo tờ McClatchy, 29 trong số 500 người giàu nhất thế giới theo danh sách của tạp chí Forbes có dính líu tới các hoạt động tài chính phi pháp vừa bị lộ. Đồ họa: Süddeutsche Zeitung |
"OCCRP đã làm rất tốt, nhưng việc chính phủ Mỹ tài trợ trực tiếp cho kế hoạch tấn công Nga đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính toàn vẹn của tài liệu", WikiLeaks viết trên Twitter.
Theo RT, người phát ngôn của WikiLeaks, ông Kristinn Hrafnsson, đồng thời kêu gọi ICIJ công bố toàn bộ các tài liệu rò rỉ lên mạng để tất cả mọi người có thể truy cập, chứ không chỉ riêng các nhà báo điều tra. Ông cũng không ngạc nhiên khi trong 11,5 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca không có tên các nhân vật quan trọng của Mỹ.
Trong khi đó, phóng viên người Đức Ernst Wolff nhận định: "Chính phủ Mỹ đang theo đuổi chính sách bất ổn trên toàn thế giới và vụ rò rỉ này cũng phục vụ mục đích đó. Họ đang khiến nhiều người trên khắp thế giới và nhiều khoản tiền tìm cách đến với thiên đường trốn thuế mới ở Mỹ. Mỹ đang chuẩn bị đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính siêu lớn. Họ muốn tất cả số tiền đó trong kho dự trữ của mình chứ không phải của các nước khác".
"Tài liệu Panama" là khối dữ liệu 11,5 triệu trang của công ty Mossack Fonseca, bị rò rỉ ra bên ngoài cho thấy hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức nhiều quốc gia từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015.
Tài liệu cho thấy công ty Mossack Fonseca đã lập mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia và doanh nhân các nước che giấu tài sản và có thể đã rửa hàng tỷ USD tiền mặt.
Những cái tên nổi bật trong danh sách bị cáo buộc có liên quan đến gia đình và cộng sự của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad...