Lien Yuan-lung, luật sư của ông Tsai Ying-yang, ngày 6/4 cho biết thân chủ của mình thành lập công ty Koppie Limited năm 2008, theo lời giới thiệu của một cố vấn ngân hàng tư nhân nước ngoài về đầu tư cá nhân.
"Ông ấy mất 30% khoản tiền đầu tư trong năm đầu tiên, do đó đã quyết định chấm dứt hợp đồng với ngân hàng ngay lập tức. Ông ấy không tham gia hoạt động rửa tiền, che giấu tài sản của gia đình ở nước ngoài, trốn thuế hay làm bất cứ việc gì bất hợp pháp", luật sư Lien cho hay.
Bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), chủ tịch đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP), hiện từ chối đưa ra bình luận. Tuy nhiên theo Reuters, thông tin trên đã khiến phe đối lập với nữ lãnh đạo Đài Loan lên tiếng chỉ trích và yêu cầu giải thích.
"Theo thông lệ và các nghiên cứu trước đây, có 3 mục đích khi thành lập công ty tại Panama là để trốn thuế, đầu tư nước ngoài và tránh bị giám sát. Mục đích trong trường hợp này là gì. Bà Thái và người thân nên giải thích đầy đủ", nhà lập pháp William Tseng nhấn mạnh.
Nữ lãnh đạo Đài Loan hiện chưa đưa ra bình luận về việc anh trai có tên trong Tài liệu Panama. Ảnh: SCMP |
Panama là một trong 22 nước duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với đảo Đài Loan. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định vùng lãnh thổ Đài Loan không có quyền thiết lập quan hệ ngoại giao với bất cứ quốc gia nào.
Ngày 3/4, báo Đức Süddeutsche Zeitung tiết lộ về 11,5 triệu tài liệu liên quan đến các hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức, từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015. Giới truyền thông quốc tế gọi chúng là "Tài liệu Panama" (Panama Papers).
Những thông tin mới rò rỉ bao gồm 4,8 triệu email, 2,5 triệu bộ hồ sơ, với khoảng 2,6 terabyte dữ liệu được lấy từ hệ thống nội bộ của hãng luật Mossack Fonseca. Đây được đánh giá là vụ rò rỉ thông tin quy mô lớn chưa từng có, vượt qua cả các vụ việc liên quan đến Wikileaks hay cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden.
Công ty luật Mossack Fonseca là nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài lớn thứ tư thế giới. Hãng này từng cung cấp dịch vụ cho hơn 300.000 công ty. Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama nhưng hoạt động trên toàn thế giới, với hệ thống 600 người tại 42 quốc gia. Hãng có hoạt động ở các "thiên đường trốn thuế" như Thuỵ Sĩ, Cyprus, và quần đảo Virgin thuộc Anh.
Reuters ngày 5/4 đưa tin Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson đã tuyên bố từ chức sau sức ép dữ dội từ người dân và đảng đối lập, do ông và vợ có tên trong vụ rò rỉ này.
Tuy nhiên, ngày 6/4, ông Sigmundur David Gunnlaugsson phát thông cáo báo chí tuyên bố rằng ông không từ chức mà chỉ để người khác lên giữ chức trong một khoảng thời gian.
Theo thông cáo, ông Gunnlaugsson đã đề nghị Phó chủ tịch đảng Tiến bộ giữ chức Thủ tướng trong một thời gian không xác định. Thủ tướng không từ chức và sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò chủ tịch đảng Tiến bộ.