Vụ Tài liệu Panama giúp công chúng khắp thế giới biết rằng giới siêu giàu, những chính trị gia và thậm chí người thân của họ đã chuyển hàng trăm nghìn USD vào những tài khoản ở Panama, Hong Kong, Singapore và nhiều nơi khác.
Giới truyền thông thế giới tập trung khai thác những ngóc ngách trong hoạt động giấu tiền ở nước ngoài. Singapore, Macao, Dubai, Hong Kong là 4 trong số những nơi ở châu Á mà giới siêu giàu muốn mở tài khoản, BBC đưa tin.
Nhiều người giàu gửi tiền vào ngân hàng ở nước ngoài để giảm mức thuế thu nhập mà họ phải nộp. Ảnh: Getty |
Mở tài khoản ngân hàng ở nước ngoài không phải là hành vi trái luật, song các ngân hàng ở châu Á đang chịu áp lực lớn đối với việc chia sẻ thông tin liên quan tới danh tính chủ tài khoản và nguồn gốc của tiền. Liệu vụ Tài liệu Panama sẽ buộc các chính phủ trở nên minh bạch hơn về thuế hay không?
“Khả năng đó không thể xảy ra”, Andy Xie, một nhà kinh tế độc lập làm việc tại Trung Quốc đại lục và đặc khu hành chính Hong Kong, nhận định.
Trốn thuế khác né thuế
Lập một tài khoản hoặc một công ty ở nước ngoài là hành vi hợp pháp. Nhưng sự khác biệt giữa trốn thuế và không nộp thuế là yếu tố khiến vấn đề trở nên phức tạp.
Paul Lau, một chuyên gia về thuế đang cộng tác với tập đoàn PricewaterhouseCoopers (PwC), giải thích rằng trốn thuế là hành vi không khai báo thu nhập.
Vì vậy, nếu một cá nhân có thu nhập trong tài khoản ngân hàng ở nước ngoài mà không khai báo với chính quyền trong nước để nộp thuế, người ấy đã vi phạm pháp luật.
Song né thuế còn “nhập nhằng” hơn so với trốn thuế.
“Né thuế là hành vi lợi dụng kẽ hở trong hệ thống thuế để không nộp tiền cho nhà chức trách”, Lau giải thích.
Như vậy, nếu bạn phát hiện một cách hợp pháp để không phải nộp thuế bởi một luật trong hệ thống thuế, có thể bạn không hề phạm pháp. Tất nhiên, tùy từng quốc gia mà nhà chức trách có thể kết luận né thuế là hành vi trái luật.
“Rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới chuyên cung cấp dịch vụ để giúp khách hàng giấu tài sản”, tổ chức Minh bạch Quốc tế kết luận.
Những người chống rửa tiền, trốn thuế nhận định rằng các nước và vùng lãnh thổ trong nhóm “thiên đường trốn thuế” nên cải cách hệ thống tài chính bí mật để nó trở nên minh bạch hơn.
“Kế toán viên, luật sư, doanh nhân đều liên quan tới hệ thống tài chính bí mật ở các thiên đường trốn thuế. Họ kiếm khá nhiều tiền theo tỷ lệ phần trăm lợi nhuận từ những giao dịch kín”, Casey Kelso, một người thuộc tổ chức Minh bạch Quốc tế, phát biểu.
Quan điểm khác nhau giữa các nước
Nhưng cải cách hoạt động mở tài khoản ở nước ngoài không phải việc dễ dàng. Loại hình kinh doanh đó thu hút hàng tỷ USD mỗi năm, từ cả cá nhân lẫn tổ chức. Nhiều tập đoàn lớn thường lập cửa hàng ngay tại những “thiên đường trốn thuế” để giảm khoản thuế mà họ phải nộp.
Google, Apple, Microsoft, BHP Billiton và Rio Tinto, những tập đoàn lừng lẫy trên thế giới, đều thừa nhận họ coi Singapore là nơi lý tưởng để tập trung cho hoạt động tiếp thị và dịch vụ.
Các tập đoàn khai báo những khoản thu nhập hàng trăm triệu USD tại Singapore, nhưng trả những khoản thuế nhỏ hơn nhiều so với việc họ hoạt động ở Australia, vì thuế suất ở Singapore thấp hơn.
Đương nhiên các công ty không phạm luật, vì Singapore là nơi quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của họ. Nhưng chính phủ Australia tuyên bố rằng, nếu doanh nghiệp hưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tại Australia, họ phải nộp thuế ở xứ chuột túi.
Giới chức Singapore và Hong Kong đều tuyên bố họ coi trốn thuế là hành vi nghiêm trọng và sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực quốc tế để xử lý các giao dịch tài chính mờ ám xuyên quốc gia.
Nhiều quốc gia ở châu Á đã cam kết trao đổi thông tin về thuế trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2018 theo Sáng kiến Trao đổi Thông tin Tự động do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Singapore, Nhật Bản, Hong Kong và Australia đều tham gia chương trình.
Do đó, nếu một công dân Australia mở tài khoản ngân hàng ở Singapore, về mặt lý thuyết, chính phủ Australia sẽ biết thông tin về tài khoản ấy vào năm 2018.
Song nhiều người lo ngại những quốc gia phụ thuộc vào dịch vụ giấu tiền cho công dân nước ngoài sẽ không có động lực để chia sẻ thông tin. Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của họ phụ thuộc vào việc giữ bí mật cho khách hàng.
“Nếu các ngân hàng không giữ bí mật, người ta còn lý do gì để giấu tiền ở nước ngoài?”, Xie đặt câu hỏi.
Vấn đề cuối cùng là: Nước nào sẽ hành động trước? Mọi quốc gia đều muốn một sân chơi công bằng, vì nếu một ngân hàng cho phép người ngoài giám sát, chắc chắn những “khách sộp” sẽ bỏ họ để gửi tiền vào nơi bí mật khác. Và chúng ta đều biết, cầu tồn tại nên chắc chắn cung sẽ xuất hiện.