Ông Sigurdur Ingi Johannsson trở thành thủ tướng thay thế người tiền nhiệm từ chức vì Tài liệu Panama. Ảnh: Iceland Review |
AFP cho biết, tại cuộc họp quốc hội ngày 8/4, các nghị sĩ Iceland đã tranh cãi về hai vấn đề là giải thể chính phủ và giải tán quốc hội, đồng thời tổ chức bầu cử sớm. Tất cả 63 nghị sĩ đều tham dự đầy đủ phiên họp này.
Chính phủ mới của Iceland được sự ủng hộ của liên minh cầm quyền nên vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập yêu cầu thực hiện (38 không đồng ý giải thể nội các và 25 ủng hộ).
Phe đối lập cũng chứng kiến thất bại trong cuộc bỏ phiếu lần 2 về yêu cầu giải tán quốc hội và đòi bầu cử sớm (37 chống và 26 ủng hộ).
Các thành viên chính phủ Iceland. Ảnh: AFP |
Chính phủ cánh hữu mới của Iceland nhậm chức từ ngày 7/4, sau khi Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson buộc phải từ chức do ông và vợ có tên trong Tài liệu Panama bị rò rỉ, hé lộ các tài sản ở nước ngoài được che giấu của nhiều lãnh đạo trên thế giới, bao gồm ông Gunnlaugsson.
Ông Gunnlaugsson là lãnh đạo đầu tiên phải chịu hậu quả trong số các chính trị gia bị nêu tên trong danh sách rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca.
Các dữ liệu từ Mossack Fonseca cho thấy Gunnlaugsson và vợ của ông, bà Anna Sigurlaug Palsdottir, mua công ty nước ngoài Wintris vào năm 2007 để đầu tư hàng triệu USD, theo Guardian.
Khi trở thành thành viên Quốc hội Iceland năm 2009, ông Gunnlaugsson không công khai lợi nhuận từ công ty này. 8 tháng sau, ông này đã bán 50% cổ phần của công ty Wintris cho vợ với giá một USD.
Hồ sơ từ tòa án cho thấy công ty Wintris được đầu tư trái phiếu từ 3 ngân hàng Iceland đã sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Người trở thành thủ tướng Iceland để thay thế ông Gunnlaugsson là Sigurdur Ingi Johannsson, phó chủ tịch đảng Tiến bộ kiêm bộ trưởng Thủy sản trong chính quyền cũ.
Trang Iceland Review cho biết, người dân vẫn biểu tình rầm rộ bên ngoài trụ sở quốc hội trong suốt thời gian cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 8/4. Họ yêu cầu chính phủ phải tổ chức sớm và muốn liên minh cầm quyền gồm đảng Tiến bộ và đảng Độc lập phải từ bỏ quyền lực.
Chính phủ chần chừ không muốn tổ chức bầu cử quá sớm, do lo ngại cơn giận dữ của người dân trong vụ Tài liệu Panama chắc chắn ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
“Tài liệu Panama” là khối dữ liệu 11,5 triệu trang của công ty luật Mossack Fonseca. Hồ sơ bị rò rỉ cho thấy hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức nhiều quốc gia từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015.
Tài liệu chỉ ra, công ty Mossack Fonseca đã lập mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia và doanh nhân các nước che giấu tài sản và có thể đã rửa hàng tỷ USD tiền mặt.
Những cái tên nổi bật trong danh sách bị cáo buộc có liên quan đến gia đình và cộng sự của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad...
Công ty luật Mossack Fonseca đặt trụ sở ở Panama nhưng hoạt động trên toàn thế giới. Website của Mossack Fonseca cho biết công ty có hệ thống 600 nhân viên làm việc tại 42 quốc gia, bao gồm nhiều "thiên đường trốn thuế" như Thụy Sĩ, Cyprus, quần đảo British Virgin…