Qua vụ rò rỉ dữ liệu của hãng luật Mossack Fonseca, Thủ tướng Cameron phải đối diện với hàng loạt câu hỏi về sự liên quan đến Blairmore Investment Trust (BIT), một quỹ đầu tư bí mật ở nước ngoài của người cha quá cố của ông, Ian Cameron.
Trả lời kênh truyền hình ITV ngày 7/4, Thủ tướng Cameron nói ông đã bán số cổ phần, trị giá khoảng 30.000 bảng Anh (khoảng 42.000 USD), cho một công ty tín thác ở Bahamas vào thời điểm 4 tháng trước khi ông trở thành thủ tướng hồi năm 2010.
"Chúng tôi nắm khoảng 5.000 đơn vị ở BIT, và đã bán hết vào tháng 1/2010, trị giá khoảng 30.000 bảng. Tôi quyết định bán hết, vì khi trở thành thủ tướng thì tôi không muốn ai nói rằng tôi có mối quan tâm hoặc lợi ích khác", thủ tướng Anh thừa nhận.
Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: CBC |
Không có gì để che giấu
Ông Cameron cũng khẳng định, ông đã hoàn thành việc đóng thuế thu nhập từ việc bán cổ phần.
"Tôi không có gì để che giấu. Tôi tự hào về cha tôi và những gì ông đã làm. Tuy nhiên, tôi không thể chịu nỗi khi tên tuổi của ông bị bôi nhọ. Những ngày qua thực sự rất khó khăn khi đón nhận hàng loạt sự chỉ trích về ông hoặc việc kinh doanh của ông", thủ tướng Anh giãi bày.
Theo ông Cameron, phần lớn chỉ trích đều xuất phát từ "sự hiểu lầm cơ bản" rằng BIT được dựng nên nhằm trốn thuế. "Sự thật không phải như vậy", ông nói.
Những ngày qua, Thủ tướng Cameron phải chịu sức ép dữ dội từ Công đảng đối lập và giới truyền thông về những minh bạch trong các thỏa thuận tài chính của ông trước khi nhậm chức. Trong khi đó, chính phủ Anh sắp tổ chức hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng vào tháng tới.
Các tài liệu bị rò rỉ từ hãng luật Mossack Fonseca của Panama cho thấy một quỹ đầu tư do ông Ian Cameron, người cha quá cố của thủ tướng Anh, đồng sáng lập đã trốn thuế tại Anh 30 năm nhờ một công ty ma tại Bahamas.
Ông Ian Cameron hỗ trợ thành lập quỹ Blairmore Holdings Inc ở Bahamas vào đầu những năm 1980 và là một trong 5 giám đốc trụ sở tại Anh trước khi qua đời năm 2010. Hoạt động ở nước ngoài của ông thuộc phạm vi công khai, nhưng các tài liệu bị rò rỉ tiết lộ rằng quỹ đầu tư đã thuê người dân địa phương ký giấy tờ để tránh phải trả thuế ở Anh.
Tuy nhiên, báo Guardian cho biết, Blairmore chưa bao giờ trả thuế ở Anh từ lợi nhuận trong 30 năm qua. Hiện chưa rõ quỹ này có hoạt động bất hợp pháp hay gia đình không trả thuế cho các tài sản hồi hương hay không.
Trước đó, phản ứng đầu tiên của Phố Downing trước vụ rò rì hồ sơ Panama là khẳng định Thủ tướng Cameron không có tài sản nào đang che giấu, hoặc vợ, con và bản thân ông không có lợi ích từ những quỹ ở nước ngoài, và cho rằng các vấn đề này là chuyện riêng tư.
Phó chủ tịch Công đảng Tom Watson ngày 7/4 cho rằng hiện còn quá sớm để nói ông Cameron có nên từ chức hay không.
Tổng thống Argentina bị điều tra vì Tài liệu Panama
Trong diễn biến liên quan, công tố viên Argentina ngày 7/4 đã mở cuộc điều tra về các giao dịch tài chính ở nước ngoài của tổng thống nước này, ông Mauricio Macri.
Tổng thống Mauricio Macri cam kết chống tham nhũng khi tuyên thệ nhậm chức cuối năm 2015. Ảnh: AFP |
Tổng thống Macri là một trong số những nhà lãnh đạo bị nêu tên có liên quan đến những tài sản bí mật ở nước ngoài trong vụ rò rỉ Tài liệu Panama, cùng với cựu thủ tướng Iceland vừa từ chức và Thủ tướng Anh.
Tuy nhiên, trường hợp của ông Macri không như một số lãnh đạo khác vốn chỉ liên quan gián tiếp đến danh sách của hãng luật Mossack Fonseca. Tài liệu cho thấy ông Macri có tên trong danh sách ban giám đốc của 2 công ty tại nước ngoài, một công ty đăng ký ở Bahamas và công ty còn lại ở Panama.
Công tố viên liên bang Argentina Federico Delgado nói ông đã yêu cầu một thẩm phán đề nghị Cơ quan thuế quốc gia và Văn phòng phòng chống tham nhũng vào cuộc. Qua đó nhằm xác định liệu ông Macri có cố ý bỏ qua việc công khai tài sản trước khi nhậm chức hay không.
“Tài liệu Panama” là khối dữ liệu 11,5 triệu trang của công ty Mossack Fonseca, bị rò rỉ ra bên ngoài cho thấy hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức nhiều quốc gia từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015.
Tài liệu cho thấy công ty Mossack Fonseca đã lập mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia và doanh nhân các nước che giấu tài sản và có thể đã rửa hàng tỷ USD tiền mặt.
Những cái tên nổi bật trong danh sách bị cáo buộc có liên quan đến gia đình và cộng sự của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad...
Công ty luật Mossack Fonseca đặt trụ sở ở Panama nhưng hoạt động trên toàn thế giới. Website của Mossack Fonseca cho biết công ty có hệ thống 600 nhân viên làm việc tại 42 quốc gia, bao gồm nhiều "thiên đường trốn thuế" như Thụy Sĩ, Cyprus, quần đảo British Virgin…