Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Pháp đưa Panama vào danh sách đen 'thiên đường thuế'

Chính phủ Pháp ngày 5/4 đưa Panama vào danh sách đen các nước không hợp tác pháp lý về thuế, sau vụ rò rỉ Hồ sơ Panama gây chấn động về quy mô hoạt động trốn thuế và rửa tiền.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin phát biểu trước quốc hội rằng: "Panama muốn chúng ta tin là họ có thể tôn trọng những quy tắc quốc tế về thuế, nên chúng ta đã đưa họ ra khỏi sổ đen các thiên đường thuế".

"Tuy nhiên, chúng tôi đã quyết định xếp Panama vào danh sách các nước không hợp tác", ông Sapin khẳng định.

So với những "thiên đường thuế" trong danh sách đen của Pháp, như Bostwana, Brunei, Guatemala... thì Panama là trung tâm tài chính lớn hơn cả.

Bộ Tài chính Pháp cho biết, trong hơn 7.800 vụ điều tra về thuế mà chính quyền nước này tiến hành, hơn 510 vụ liên quan đến một công ty bình phong đăng ký ở Panama.

Sau vụ rò rỉ tài liệu Panama, công tố viên Pháp đã mở cuộc điều tra sơ bộ về hành vi gian lận thuế, để tìm hiểu có công dân nào của nước này liên quan hay không.

Trước đó, Reuters cho biết tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã chỉ trích Panama vì đi ngược lại cam kết tự động chia sẻ thông tin thuế với các nước khác.

Thủ tướng Iceland đòi giải tán quốc hội

Thủ tướng Iceland ngày 5/4 đề nghị tổng thống giải tán quốc hội, khi ông phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, bị đòi từ chức vì ông và vợ có tên trong Hồ sơ Panama.

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Sigmundur Gunnlaugsson ngày 5/4, Tổng thống Olafur Ragnar Grimsson nói ông cần phải trao đổi với các chính đảng về vấn đề giải tán quốc hội trước khi ra quyết định. Việc giải thể quốc hội sẽ dẫn đến một cuộc bầu cử sớm.

"Tôi chưa sẵn sàng chấp thuận yêu cầu chỉ riêng từ phía thủ tướng về giải tán quốc hội. Quyết định này cần phải có sự đồng tình từ số đông", Tổng thống Grimsson nói.

tai lieu Panama anh 1
Người dân Iceland biểu tình ngày 4/4 đòi thủ tướng từ chức.  Ảnh: Reuters

Trước cuộc họp, Thủ tướng Gunnlaugsson thông báo trên Facebook rằng: "Tôi sẽ giải tán quốc hội và kêu gọi cuộc bầu cử mới càng sớm càng tốt". Tuyên bố này phản ánh ông lo ngại bị mất sự ủng hộ từ liên minh cầm quyền.

Vào ngày đầu tuần, phe đối lập ở Iceland đã yêu cầu tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Gunnlaugsson, sau khi vụ rò rỉ Hồ sơ Panama được công bố và cho thấy phu nhân thủ tướng có tên trong danh sách những nhân vật che giấu tài sản ở Panama.

Ở ngoài trụ sở quốc hội, hàng nghìn người dân tụ tập phản đối, ném trứng và chuối để yêu cầu Thủ tướng Gunnlaugsson từ chức.

Thủ tướng Iceland phản biện rằng những tài khoản ở nước ngoài của vợ ông đều đã đóng thuế ở Iceland, và ông luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trước trong những giao dịch tài chính.

Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng việc che giấu tài sản có thể dẫn đến xung đột lợi ích, và thủ tướng lẽ ra phải công khai cả những tài sản ở nước ngoài cũng như tài sản của công ty riêng.

Thủ tướng Anh khẳng định không có tài sản ở nước ngoài

Thủ tướng Anh David Cameron ngày 5/4 khẳng định ông không sở hữu cổ phần hay có tài sản ở nước ngoài, sau khi cha của ông có tên trong vụ rò rỉ Hồ sơ Panama.

tai lieu Panama anh 2

Thủ tướng Anh David Cameron và người cha quá cố Ian Cameron. Ảnh: Rex

Theo Hồ sơ Panama, người cha quá cố của Thủ tướng Cameron được cho là đã điều hành một mạng lưới các quỹ đầu tư ở nước ngoài. 

Khi được yêu cầu xác nhận gia đình ông có tiếp tục dùng tiền để rót vào các quỹ này hay không, người phát ngôn của thủ tướng Anh nói "đây là vấn đề riêng tư".

Ngày 5/4, trong một buổi vận động tách Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, Thủ tướng Cameron khẳng định: "Tôi không có cổ phần nào. Tôi chỉ hưởng lương của thủ tướng. Tôi không có quỹ đầu tư hay tín thác nào ở nước ngoài".

“Hồ sơ Panama” là 11,5 triệu tài liệu của công ty Mossack Fonseca, bị rò rỉ ra bên ngoài cho thấy hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức nhiều quốc gia từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015.

Hồ sơ cho thấy công ty Mossack Fonseca đã lập mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia và doanh nhân các nước che giấu tài sản và rửa hàng tỷ USD tiền mặt.

Những cái tên nổi bật trong danh sách bị cáo buộc có liên quan đến gia đình và cộng sự của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad...

Công ty luật Mossack Fonseca đặt trụ sở ở Panama nhưng hoạt động trên toàn thế giới. Website của Mossack Fonseca cho biết công ty có hệ thống 600 nhân viên làm việc tại 42 quốc gia, bao gồm nhiều "thiên đường trốn thuế" như Thụy Sĩ, Cyprus, quần đảo Virgin thuộc Anh…

Thêm nhiều quốc gia điều tra bê bối 'Tài liệu Panama'

Ngày 5/4, sau vụ rò rỉ “Tài liệu Panama”, chính quyền nhiều quốc gia tuyên bố sẽ điều tra nghi án các chính trị gia và giới siêu giàu trốn thuế, rửa tiền, vi phạm lệnh cấm vận.



Minh Anh

Bạn có thể quan tâm